Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cơ quan thường trực của Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, từ đầu năm 2020 đến nay, đã có 57 người tử vong vì bệnh dại tại 29 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Con số này cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái và đáng lo ngại. Lý do là vì đã có các trường hợp bệnh dại xuất hiện ở những tỉnh trước đây không có trường hợp bệnh nào.
Bệnh dại là một trong những bệnh lâu đời và nguy hiểm nhất. Khi đã có dấu hiệu lâm sàng, tỷ lệ tử vong là 100%. Mặc dù đã có vaccine phòng bệnh hiệu quả nhưng ước tính, hằng năm có khoảng 59.000 người ở hơn 150 quốc gia, chủ yếu từ những nhóm dân cư nghèo hoặc dễ bị tổn thương, tử vong do bệnh dại. Khoảng 40% nạn nhân là trẻ em dưới 15 tuổi.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 70-110 người tử vong vì bệnh dại trong vòng 10 năm qua. Ở nước ta, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm. Trung bình mỗi năm có khoảng 400 nghìn người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại, với kinh phí mua vaccine ước tính hơn 300 tỷ đồng...
Nhân dịp Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại 28-9 hằng năm, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh hợp tác đa ngành hơn nữa nhằm gia tăng sự sẵn có, khả năng tiếp cận và khả năng chi trả vaccine cho người và động vật. Cùng với đó, tăng cường nhận thức của người dân về bệnh dại; và đạt được mục tiêu “Biến cam kết thành hành động” ở cấp cao để chấm dứt bệnh dại.
FAO và WHO kêu gọi những hành động thiết thực để tăng cường hợp tác đa ngành, nâng cao nhận thức về nguy cơ, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng và công tác quản lý chó, nâng cao sự tin tưởng của người dân đối với vaccine phòng dại cho người và tăng cường nguồn lực tài chính và nhân lực để Việt Nam tiếp tục cuộc chiến phòng, chống bệnh dại.
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ, các đối tác trong nước và quốc tế cùng nhau nỗ lực gia tăng độ bao phủ của vaccine phòng ngừa bệnh dại cho chó và chấm dứt tử vong ở người do bệnh dại ở Việt Nam. Chúng ta có vaccine tốt có thể giảm tối thiểu nguy cơ bệnh dại lây truyền qua chó. Thông qua hợp tác cùng nhau, chúng ta có thể chấm dứt bệnh dại ở chó và cứu sống tính mạng con người”.
“Trong khi cuộc chiến chống Covid-19 vẫn đang còn tiếp diễn, chúng ta không được để gián đoạn nỗ lực chung nhằm bảo đảm các dịch vụ y tế quan trọng, bao gồm chương trình loại trừ bệnh dại quốc gia,” Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam, kêu gọi đẩy mạnh hơn nữa sự đầu tư của quốc gia vào các chương trình phòng, chống và loại trừ bệnh dại ở các cấp. Ông nhấn mạnh cần phải thúc đẩy để có được những chính sách và cơ chế phù hợp nhằm bảo đảm sự sẵn có, khả năng tiếp cận và khả năng chi trả vaccine dại cho cả chó và người.
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Y tế tiếp tục thực hiện Chương trình quốc gia về kểm soát và loại trừ bệnh dại được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13-2- 2017 (gọi tắt là Chương trình 193) và Chỉ thị 31/ CT-TTg ngày 6-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp khẩn cấp để phòng, chống dại.
Cụ thể, mục tiêu chung của Chương trình 193 là khống chế bệnh dại trên đàn chó nuôi và trên người vào năm 2021 nhằm tiến tới loại trừ bệnh dại.
Một số mục tiêu cụ thể của Chương trình 193 như hơn 95% số xã, phường, thị trấn lập được danh sách hộ nuôi chó. Tỷ lệ chó nuôi được tiêm phòng vaccine dại tại các xã, phường, thị trấn đạt hơn 85%. Hơn 70% số tỉnh không có ca bệnh dại trên chó trong hai năm liên tiếp; giảm 60% số tỉnh có nguy cơ cao về bệnh dại trên người…
Hai cơ quan trên cũng phối hợp các đối tác Một sức khỏe, bao gồm FAO và WHO, cùng nhau vận động cho chiến dịch “Biến cam kết thành hành động” của tất cả các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống bệnh dại; củng cố sự hợp tác liên nghành, bao gồm y tế, nông nghiệp, giáo dục và các tổ chức chính trị xã hội. Đồng thời, tăng cường truyền thông nhằm nâng cao việc quản lý đàn chó và tiêm vaccine cho chó, bảo đảm người bị chó cắn được tiêm vaccine ngay lập tức, và có thể loại trừ được bệnh dại tại Việt Nam vào năm 2030.
Năm nay cũng là năm thứ 14 kỷ niệm Ngày thế giới phòng, chống bệnh dại hằng năm.
* Khuyến cáo với người dân
1. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
2. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
3. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
4. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:
- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.
- Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.
- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
- Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
- Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)