Giám đốc Ngân hàng CSXH Bạc Liêu Huỳnh Hữu Thích khẳng định: "Từ khi được thành lập đến nay, chúng tôi luôn xác định hộ nghèo, hộ chính sách là "bạn đồng hành" của mình. Năm năm qua, bên cạnh việc cho vay vốn, cán bộ, đảng viên, đội ngũ cán bộ tín dụng các huyện đến tận hộ nghèo, hộ Khmer cùng bàn bạc, xây dựng kế hoạch giúp bà con được vay và sử dụng vốn đúng mục đích, làm ăn hiệu quả, thoát nghèo, đồng thời ngân hàng thu hồi được vốn...".
Chúng tôi được biết, hiện tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH Bạc Liêu đạt gần 494 tỷ đồng, tăng gần 339 tỷ đồng so với khi mới thành lập (năm 2003), giúp hơn 72 nghìn hộ nghèo, hộ Khmer và đối tượng chính sách được vay vốn. Trong đó, cho vay hộ nghèo hơn 300 tỷ đồng, chiếm hơn 70% tổng dư nợ; cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn theo Quyết định số 31 của Thủ tướng Chính phủ gần 38 tỷ đồng, chiếm gần 10% tổng dư nợ, giúp hơn 4.100 hộ được vay vốn...
Có thể nói, nguồn vốn của Ngân hàng CSXH cho vay hộ nghèo và hộ thuộc vùng khó khăn đã phát huy được hiệu quả cao, số hộ nghèo giảm nhanh, trung bình mỗi năm toàn tỉnh giảm hơn 5.000 hộ nghèo. Năm 2003, Bạc Liêu có hơn 31.500 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ gần 22%, đến nay còn hơn 13% hộ nghèo.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) Thạch Phil cho biết: Toàn xã có hơn 70% số hộ Khmer, những năm trước đây, nhiều hộ Khmer trong xã rất nghèo do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất. Mấy năm vừa qua, nhờ sự giúp đỡ và tạo mọi điều kiện của chính quyền địa phương và các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, đặc biệt là Ngân hàng CSXH đầu tư vốn với lãi suất thấp, đã giúp hàng trăm hộ phát triển sản xuất lúa, rau màu, chăn nuôi lợn, dê, cá, tôm... nay đã thoát nghèo, không ít hộ có tích lũy đáng kể. Ðiển hình như các hộ Danh Ích, Danh Thị Mơ, Danh Thị Hường...
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Thạch Thị Thơm, ở ấp Cái Giá (xã Hưng Hội), là một trong nhiều hộ Khmer thoát nghèo từ đồng vốn Ngân hàng CSXH. Chị Thơm phấn khởi cho biết: "Trước đây, gia đình tôi nghèo lắm. Hai vợ chồng và bốn đứa con chỉ trông vào ba công ruộng cha mẹ cho khi ra ở riêng. Do không có vốn và cách làm ăn, con cái lại bị yếu đau luôn, nhiều lúc phải vay vốn bên ngoài với lãi suất từ 7 đến 8%/tháng. Hai vợ chồng làm vất vả mà hằng tháng không đủ tiền trả lãi. Từ năm 2003, gia đình được vay 5 triệu đồng, do trả vốn tốt, từ năm 2004 đến nay, mỗi năm được vay 6 - 10 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH. Vợ chồng tôi dùng nguồn vốn này sản xuất lúa, nấu rượu và chăn nuôi lợn; ngoài ra, mở thêm quán giải khát... Nhờ vậy, mấy năm nay làm ăn khá, có tích lũy đáng kể, mới đây sửa được nhà, mua được xe gắn máy, bốn đứa con đều đến trường. Nếu Nhà nước không cho vay vốn lãi suất thấp và không chỉ cho cách làm ăn thì không biết gia đình tôi và nhiều hộ Khmer ở xã này bao giờ mới hết cảnh nghèo khó...".
Hầu hết hộ được vay vốn làm ăn đem lại hiệu quả khá, từng bước có tích lũy đáng kể, ổn định được cuộc sống. Từ đồng vốn của Ngân hàng CSXH, xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả trong xóa đói, giảm nghèo đã trở thành kinh nghiệm được phổ biến rộng rãi, có ý nghĩa tích cực cho công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Ðiển hình như mô hình nuôi cá bống tượng, cá chẽm ở huyện Phước Long; mô hình lúa - cá, lúa - tôm ở các xã Ninh Hòa, Ninh Qưới A (huyện Hồng Dân); mô hình trồng màu, nuôi bò, nuôi dê tại xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi); mô hình nuôi cá chình ở xã Tân Thạnh (huyện Giá Rai); mô hình làm muối kết hợp nuôi cá bống kèo tại xã Long Ðiền Ðông (huyện Ðông Hải); mô hình nuôi sò huyết tại xã Hiệp Thành, Vĩnh Trạch Ðông (thị xã Bạc Liêu)...
Không chỉ chú trọng nâng cao hiệu quả đồng vốn đầu tư giúp hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số làm ăn, xóa đói, giảm nghèo, trong năm năm qua Ngân hàng CSXH Bạc Liêu còn quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhân viên để không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân, đặc biệt là những hộ nghèo, hộ chính sách.
Ðáng lưu ý, trong năm 2007, bộ phận làm công tác ngân quỹ của tỉnh và các huyện đã trả lại 35 món tiền thừa cho khách hàng, với tổng số tiền hơn 52 triệu đồng.
Ngoài ra, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh luôn bảo đảm an toàn tuyệt đối trong thu, chi, bảo quản, vận chuyển tiền, nhất là trong điều kiện khó khăn khi giao dịch thường xuyên tại 51 điểm giao dịch lưu động tại các xã trong tỉnh.
Bài và ảnh: TRỌNG DUY