Gần 20 nghìn hộ nông dân ở Lâm Đồng tham gia các chuỗi liên kết

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Ðồng cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 215 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, với gần 20 nghìn hộ nông dân tham gia; trong đó có gần 17 nghìn hộ trồng trọt, còn lại là hộ chăn nuôi.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều hộ nông dân tại Lâm Ðồng tham gia chuỗi liên kết sản xuất hoa xuất khẩu. (Ảnh MAI VĂN)
Nhiều hộ nông dân tại Lâm Ðồng tham gia chuỗi liên kết sản xuất hoa xuất khẩu. (Ảnh MAI VĂN)

Quy mô liên kết sản xuất trong các chuỗi gồm hơn 31.000ha trồng trọt, sản lượng hơn 480 nghìn tấn; hơn một triệu con gia súc, gia cầm, sản lượng đạt hơn 143 nghìn tấn. Ðến tháng 4/2023, tỉnh Lâm Ðồng có 28 đơn vị được cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ, tổng diện tích hơn 1.334ha cây trồng và 1.005 con bò sữa; tổng diện tích áp dụng VietGAP, GlobalGAP... là 5.800ha; sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng 4C, UTZ, Rainforest là 84.000ha, sản lượng 261 nghìn tấn/năm.

Đắk Lắk phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ðắk Lắk vừa ban hành Chương trình số 40-CTr/TU về việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về "Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới" trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đến năm 2030 nền công nghệ sinh học của tỉnh đạt trình độ tiên tiến, trở thành ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng; doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng 30% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 30% số sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu; đóng góp 2%-3% vào GDP; bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội.

Tầm nhìn đến năm 2045, Ðắk Lắk trở thành địa phương có nền công nghệ sinh học phát triển, ứng dụng rộng rãi dịch vụ thông minh trong các lĩnh vực, phát triển công nghiệp công nghệ sinh học; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp ngang tầm khu vực Tây Nguyên.

Phê duyệt hai dự án ổn định dân di cư tự do tại Đắk Nông

Hội đồng nhân dân tỉnh Ðắk Nông vừa ban hành Nghị quyết số 08/NQ-HÐND về việc Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án bố trí ổn định dân di cư tự do tại hai xã Cư Knia và Ðắk Drông thuộc huyện Cư Jút.

Dự án nhằm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu để phục vụ phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của dân di cư tự do; ổn định và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho dân di cư tự do trên địa bàn xã Cư Knia và xã Ðắk Drông.

Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Nông chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, bảo đảm phù hợp các quy hoạch giao thông và quy hoạch sử dụng đất, tính chính xác về mục tiêu, quy mô, hiệu quả của dự án và đúng quy định pháp luật.

Kon Tum tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản

Nhằm chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh, ngày 5/5/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum vừa ban hành Công văn 1287/UBND-NNTN yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị chức năng liên quan tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản.

Thực hiện nghiêm phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã phê duyệt; nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, khai thác khoáng sản trái phép. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi: khai thác khoáng sản khi không có thiết kế mỏ, không đúng thiết kế và công nghệ khai thác đã duyệt; khai báo sai sản lượng khoáng sản khai thác thực tế, không thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản…

Kiểm tra, rà soát các giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đã cấp và các quyết định, văn bản cho phép thu hồi khoáng sản trong quá trình thực hiện dự án đầu tư đã được phê duyệt, cho phép để bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật...■