Facebook bị tố đặt lợi nhuận trên việc ngăn chặn những phát ngôn gây thù hận

NDO -

Mới đây, một người tố giác Facebook đã lên tiếng cáo buộc “gã khổng lồ” mạng xã hội này ưu tiên lợi nhuận hơn là việc tăng cường kiểm soát những phát ngôn gây thù hận, cũng như thông tin sai lệch. Người này cho biết luật sư của mình đã nộp ít nhất 8 đơn khiếu nại lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC).

Facebook bị tố đặt lợi nhuận trên việc ngăn chặn những phát ngôn gây thù hận

Xuất hiện trong chương trình “60 Phút” trên kênh truyền hình CBS ngày 3/10, Frances Haugen, cựu quản lý sản phẩm trong nhóm quản lý thông tin sai lệch về dân sự tại Facebook, tiết lộ cô chính là người tố giác đã cung cấp tài liệu làm cơ sở cho cuộc điều tra của Tạp chí Phố Wall và phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ về tác hại của mạng xã hội Instagram với các cô gái tuổi teen.

Facebook đã hứng chịu chỉ trích sau khi Tạp chí Phố Wall xuất bản một loạt câu chuyện dựa trên các bài thuyết trình và email nội bộ của Facebook, cho thấy công ty truyền thông xã hội này đã góp phần làm tăng sự phân cực trên không gian mạng thông qua việc thay đổi các thuật toán nội dung của mình, đồng thời không có các bước đi cần thiết để giảm tình trạng do dự tiêm vaccine Covid-19. Ngoài ra, Facebook cũng bị cáo buộc rằng đã ý thức được về tác hại của Instagram với sức khỏe tâm thần của các cô gái tuổi teen.

Haugen sẽ ra làm chứng trước một tiểu ban của Thượng viện Mỹ vào ngày mai (5/10) trong một phiên điều trần có tựa đề “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, xoay quanh nghiên cứu của Facebook về ảnh hưởng của Instagram đối với người dùng trẻ tuổi.

“Có những xung đột lợi ích giữa những gì tốt cho công chúng và những gì tốt cho Facebook. Và hết lần này đến lần khác, Facebook đã chọn cách tối ưu hóa cho lợi ích của chính mình như kiếm nhiều tiền hơn,” Haugen chia sẻ trong cuộc phỏng vấn.

Cựu nhân viên Google và Pinterest cho biết, Facebook đã lừa dối công chúng về những tiến bộ mà công ty đã đạt được nhằm ngăn chặn những phát ngôn gây thù hận và thông tin sai lệch trên nền tảng của mình.

Đồng thời, cô tiết lộ rằng, Facebook đã được sử dụng để giúp tổ chức cuộc bạo loạn ở Điện Capitol vào ngày 6/1/2021, khi công ty ngắt toàn bộ hệ thống an toàn sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Mặc dù tin rằng không ai tại Facebook có “ác tâm”, song Haugen cho rằng công ty đã có những chính sách ưu đãi sai lệch.

Facebook đã đưa ra tuyên bố phản bác những quan điểm mà Haugen đề cập ngay sau khi cuộc phỏng vấn trên truyền hình CBS kết thúc.

Người phát ngôn của Facebook Lena Pietsch cho biết: “Chúng tôi tiếp tục đạt được những cải thiện đáng kể trong việc ngăn chặn sự lan truyền của thông tin sai lệch và nội dung độc hại. Việc cho rằng chúng tôi khuyến khích nội dung xấu và không có động thái gì là không chính xác”.

Trước khi cuộc phỏng vấn “60 Phút” diễn ra, ông Nick Clegg, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Facebook, đã chia sẻ trên kênh CNN rằng thật “lố bịch” khi khẳng định sự cố ngày 6/1 xảy ra do mạng xã hội.

Ngày hôm qua, luật sư của Haugen, John Tye, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Whistleblower Aid, đã xác nhận một báo cáo của tờ New York Times rằng, một số tài liệu nội bộ đã được chia sẻ với tổng chưởng lý ở một số bang bao gồm California, Vermont và Tennessee.

Ông Tye cho biết, các khiếu nại đã được gửi lên SEC, yêu cầu Facebook - trên cơ sở là một công ty giao dịch công khai - không được nói dối các nhà đầu tư của mình, và thậm chí không được giữ lại những thông tin quan trọng.

Theo nội dung cuộc phỏng vấn “60 Phút”, các khiếu nại đã so sánh nghiên cứu nội bộ của Facebook với các tuyên bố công khai mà Facebook đã đưa ra xoay quanh những vấn đề mà công ty nghiên cứu.

Cũng theo ông Tye, Haugen đã nói chuyện với các nhà lập pháp ở châu Âu và dự kiến sẽ xuất hiện trước Quốc hội Anh vào cuối tháng này, với hy vọng thúc đẩy các hành động pháp lý liên quan.