F0 thể nhẹ cần được hỗ trợ tâm lý thế nào?

NDO -

Bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ cần được hỗ trợ tâm lý xã hội, đặc biệt là tâm lý lo lắng khi biết nhiễm bệnh và tìm nguồn hỗ trợ khi bị cách ly. Họ cũng cần được tư vấn theo dõi các triệu chứng và nơi liên hệ khi có dấu hiệu/triệu chứng trở nặng.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Câu hỏi: Tôi có triệu chứng mất ngủ, rối loạn tâm thần sau khi nhiễm Covid-19. Tôi cần làm gì lúc này?

Trả lời: 

Bộ Y tế mới đây đã có khuyến cáo về cách xử trí, hỗ trợ một số rối loạn tâm lý cho người bệnh Covid-19 theo "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19" được ban hành ngày 6/10.

Theo đó, bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ cần được hỗ trợ tâm lý xã hội (đặc biệt là tâm lý lo lắng khi biết nhiễm bệnh và tìm nguồn hỗ trợ khi bị cách ly). Họ cũng cần được tư vấn theo dõi các triệu chứng và nơi liên hệ khi có dấu hiệu/triệu chứng trở nặng.

Với bệnh nhân mức độ trung bình, hỗ trợ tâm lý xã hội là điều quan trọng. Người bệnh cần biết rằng họ sẽ được chăm sóc và không bị bỏ rơi.

Vì thế, bạn và gia đình nên nói ra cảm xúc, mong muốn, những lo lắng, băn khoăn. Mọi người cần hiểu rằng đây là thời điểm rất khó khăn, nhiều điều bất ngờ, không chắc chắn và mọi cảm xúc mạnh (buồn, giận dữ, chán nản...) là cảm xúc bình thường có thể xảy ra. Việc lắng nghe tích cực (không phán xét và khuyên nhủ) các nhu cầu cảm xúc cũng đã có thể giúp người bệnh ổn định tinh thần.

Dù có thể gặp hạn chế về giao tiếp, F0 nên được kết nối với gia đình qua điện thoại hoặc cuộc gọi video. Việc kết nối với môi trường quen thuộc sẽ giúp ổn định tinh thần cho người bệnh.

Bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng có thể được hỗ trợ điều trị rối loạn tâm lý như thể nhẹ. Nhân viên y tế cũng hỗ trợ cập nhật thông tin thường xuyên về người thân cho bệnh nhân qua điện thoại hoặc gọi video, cố gắng hỗ trợ F0 thực hiện những ước nguyện và mong muốn nếu điều kiện cho phép.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan