Đến 7 giờ sáng ngày 10/12, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 532 bệnh nhân Covid-19. Trong số 107 bệnh nhân nặng, nguy kịch có 63 ca thở oxy, 37 ca thở máy, 7 ca thở HFNC (thở máy dòng cao); 3 ca can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) và 10 ca CRRT (lọc máu liên tục). Đa số bệnh nhân đã được kiểm soát tốt các diễn tiến, tuy nhiên một số trường hợp quá lớn tuổi hoặc bệnh nền quá nặng đang diễn tiến khá phức tạp, cần theo dõi sát sao.
Gấp rút chuẩn bị 500 giường hồi sức tích cực
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, với tình hình F0 tăng nhanh với trung bình 500-600 ca tại Hà Nội hơn một tuần qua, tỷ lệ chuyển nặng cũng theo đó tăng nhanh.
Để đáp ứng điều trị số lượng F0 nặng tăng nhanh ở miền bắc, mới đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được Bộ Y tế giao triển khai 500 giường hồi sức tích cực (ICU). Bệnh viện đang nỗ lực cải tạo hạ tầng và bổ sung trang thiết bị, sắp xếp nhân lực để sẵn sàng cho phương án này.
Kế hoạch hoàn thiện 500 giường trong vòng một tháng, hiện nay đã triển khai được trên 50%. Nhân lực được đào tạo liên tục thời gian qua có thể đáp ứng được can thiệp thở máy cho bệnh nhân khi 500 giường ICU đi vào hoạt động.
Về trang thiết bị y tế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã có sẵn khoảng 100 máy thở. Khi nâng công suất lên 500 giường ICU, bệnh viện sẽ cần bổ sung thêm máy thở, máy lọc máu, monitor theo dõi bệnh nhân, máy ECMO và các thiết bị khác. Bệnh viện cũng chuẩn bị sẵn sàng nhân lực các khoa chuyên môn về nội, ngoại, sản, nhi để có thể tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 cần can thiệp chuyên sâu.
Đánh giá về tỷ lệ chuyển nặng của bệnh nhân, bác sĩ Cấp cho hay, theo khảo sát chung mới nhất ở một số địa phương, nhóm bệnh nhân Covid-19 đã được tiêm phòng vaccine, tỷ lệ diễn biến nặng giảm đi rất nhiều. “Tỷ lệ bệnh nhân có diễn tiến nặng trước đây ở các tỉnh thành là 20%, hiện có những địa phương đã giảm xuống dưới 10%”, bác sĩ Cấp cho hay.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ngoài triển khai 500 giường ICU, bệnh viện đã thiết lập các nhóm y, bác sĩ để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi cần, bao gồm cả hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ từ xa.
Đề xuất mở rộng thu dung bệnh nhân cả 3 tầng
Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 (trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đang tiếp nhận bệnh nhân ở tầng 2, 3 tại các cơ sở y tế phía bắc chuyển tới. Theo PGS, TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 (trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), hiện tại, bệnh viện đang chăm sóc hơn 200 F0, bao gồm bệnh nhân ở Hà Nội và một số tỉnh thành phía bắc, trong đó có khoảng 10% bệnh nhân nặng, nguy kịch ở tầng 3.
Với công năng đáp ứng 500 giường bệnh, cao điểm có thể nâng lên 700 giường bệnh, hiện tại, bệnh viện vẫn đang có khả năng đáp ứng đón các bệnh nhân ở các tầng điều trị khác.
Mới đây, đơn vị vừa đề xuất Bộ Y tế cho phép mở rộng phạm vi điều trị cả ba tầng, thay vì nhiệm vụ ban đầu chỉ nhận bệnh nhân nặng ở tầng 3 (trong mô hình điều trị 3 tầng).
Lý giải về đề xuất này, PGS Hải cho biết, xuất phát từ nhu cầu số F0 đang ngày càng gia tăng ở phía bắc và đặc biệt tại Hà Nội, việc thu dung tại nhiều cơ sở y tế, khu thu dung F0 đang quá tải. Đồng thời, hiện nay quy định về việc cách ly F0 tại nhà chưa được đồng bộ.
Trong khi đó, Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 đang còn thừa chỗ, nhân lực đủ khả năng đáp ứng, vì vậy nếu để không chỉ tiếp nhận bệnh nhân vào tầng 3 sẽ rất lãng phí.
“Quan trọng nhất hiện nay, chúng tôi có đủ giường điều trị, có nhân lực giúp cho nhân dân thủ đô yên tâm trong lúc lãnh đạo thành phố đang tìm cách tháo gỡ quá tải tại một số cơ sở”, PGS Hải cho hay.
Nếu được Bộ Y tế đồng ý về phương án, bệnh viện sẽ nhanh chóng tiếp nhận bệnh nhân ở các tuyến điều trị. Tuy nhiên, PGS Hải cũng nhấn mạnh, bệnh viện vẫn luôn sẵn sàng giành một số giường nhất định để sẵn sàng tiếp nhận và đáp ứng điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch ở tầng 3.
Trước tình hình số ca nhiễm mới tăng cao, bệnh viện cũng có sự điều chuyển nhân lực phù hợp với cơ sở chính tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Bệnh viện cũng đang tiến hành mở rộng khu điều trị, có giường dự trữ và nhân lực y tế từ cơ sở một để chủ động trong mọi tình huống.
Về oxy y tế, bệnh viện đã chuẩn bị sẵn 2 bồn oxy dung tích 18 m3 và 15 m3 bảo bảo phục vụ người bệnh trong 48 giờ liên tục. Hệ thống điều hòa không khí riêng cho từng phòng bệnh để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.
PGS Hải cũng cho biết, hiện cơ sở này đã đón nhận 39 nhân viên y tế (bao gồm các bác sĩ, điều dưỡng và hộ lý) của Bệnh viện đa khoa Xanh pôn. Những người này sẽ được đào tạo, làm quen với hệ thống mới chuyên khoa về điều trị người bệnh Covid-19, sau đó sẽ cùng tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 với các cán bộ nhân viên Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19. 30 cán bộ y tế của Hà Giang cũng đã bắt đầu học tập và làm việc tại đây để có được những kỹ năng tốt nhất, đáp ứng phòng, chống dịch tại địa phương.
Theo đánh giá của PGS Hải, hiện nay, tỷ lệ tiêm vaccine tăng cao nên bệnh nhân chuyển nặng và tử vong giảm rõ rệt so với trước. Các trường hợp bị nặng hiện nay hầu hết có bệnh lý nền, chưa tiêm vaccine, tiêm chưa đủ mũi hoặc thời gian của 2 mũi tiêm vaccine chưa đủ hiệu lực bảo vệ.
“Các bệnh nhân ở tầng 3 không có bệnh nền, đã được tiêm vaccine đáp ứng điều trị tốt và chúng tôi có thể chuyển trường hợp này xuống tầng điều trị thấp hơn rất nhanh”, bác sĩ Hải cho hay.
Nhân lực y tế tại đây liên tục được tăng cường với khoảng 100 người gồm những y, bác sĩ đã từng tham gia chống dịch tại nhiều địa phương, có kiến thức, kinh nghiệm và tinh thần rất tốt. "Chúng tôi sẵn sàng đáp ứng được công tác điều trị khi số bệnh nhân tăng cao", PGS cho biết.