Bệnh nhân Hoàng Văn Ngọc (48 tuổi, địa chỉ tại Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) không tin mình đã được khỏe mạnh trở lại sau những ngày tháng bị kích thích vật vã đau đớn, không thể thở nổi vì mắc Covid-19.
Phổi bệnh nhân đông đặc, suy hô hấp và gần như ngừng tim
Đầu tháng 8, gia đình anh Ngọc được đưa đi cách ly tập trung vì sát nhà có trường hợp F0. Lúc này, nhà anh đã có 3 người nhiễm Covid-19. Đến ngày 12 được xét nghiệm để chuẩn bị rời khỏi khu cách ly tại Thanh Trì, anh Ngọc được phát hiện nhiễm Covid-19, nồng độ virus rất cao. Anh được chuyển tới Bệnh viện Đống Đa điều trị.
Sau 2 ngày nằm viện, cơ thể anh phản ứng dữ dội với virus SARS-CoV-2. Cơn bão cytokine xuất hiện và anh được chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Thanh Nhàn.
ThS, BS Lê Văn Dẫn, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, đây là trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi, không có bệnh lý nền. Khi được chuyển từ tuyến dưới lên, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng nguy kịch.
"Trong quá trình điều trị, bệnh nhân không đáp ứng với phương pháp như lọc máu hấp thụ, thở ô-xy dòng cao. Tình trạng bệnh nhân diễn biến rất nhanh, tổn thương phổi nặng, suy hô hấp", bác sĩ Dẫn cho biết.
Thời khắc quyết định can thiệp ECMO ngay trong đêm 8/8 là khi bệnh nhân gần như ngừng tim, chỉ số SpO2 dưới 55%, mạch có biểu hiện chậm. Đặc biệt chỉ số huyết áp không đo được. Các bác sĩ phải nhanh chóng dùng các loại thuốc vận mạch, đặt ống nội khí quản sớm và quyết định chạy ECMO coi như biện pháp cuối cùng với hy vọng cứu sống người bệnh.
Trong quá trình can thiệp ECMO, các bác sĩ gặp không ít thách thức do tình trạng ô-xy máu của bệnh nhân liên tục đe dọa và giảm nhanh, luôn phải có bác sĩ điều chỉnh hệ thống máy thở để bảo đảm ô-xy cho quá trình can thiệp ECMO trong 3 tiếng thành công.
3 ngày đầu, tình trạng bệnh nhân vẫn nguy kịch. Các chỉ số về ô-xy, huyết động và đặc biệt tình trạng rối loạn đông máu chưa được kiểm soát, phải theo dõi sát sao và điều chỉnh liên tục. Đến ngày thứ 3, tình trạng của bệnh nhân khả thi hơn khi ô-xy trong máu đã có tín hiệu tăng dần nhưng phổi vẫn bị tổn thương nặng, đông đặc, xơ hóa.
Dần dần, bệnh nhân có sự hồi phục, ô-xy trong máu lên, huyết áp ổn định hơn. Các bác sĩ quyết định dừng an thần để đánh giá ý thức và thấy bệnh nhân đã có cử động tay chân, có tín hiệu đáp ứng được với bác sĩ. Lúc này các bác sĩ mới thở phào vì quyết định can thiệp ECMO đã mang lại cơ hội sống cho bệnh nhân.
Ca ECMO đầu tiên của Hà Nội được can thiệp thành công
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn, là bệnh viện tuyến cuối được Hà Nội chỉ định điều trị bệnh nhân Covid-19, hầu hết ca nằm tại đây nặng, nguy kịch, có nhiều bệnh lý nền và đã có rất nhiều trường hợp nặng, nguy kịch được cứu sống. Hiện tại, Bệnh viện Thanh Nhàn đã và đang điều trị cho hơn 600 F0.
Hiện bệnh viện có một dàn máy can thiệp ECMO và đây là trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên được quyết định can thiệp tim phổi nhân tạo. Trong quá trình triển khai, Bệnh viện Thanh Nhàn đã nhận được sự tư vấn về chuyên môn rất sát sao của các chuyên gia đầu ngành tại tuyến Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Sau gần 50 ngày nằm viện, anh Hoàng Văn Ngọc đã khỏe mạnh, có kết quả xét nghiệm âm tính và được ra viện hôm nay (17/9). Anh gửi lời cảm ơn tới các y, bác sĩ trong lúc anh tuyệt vọng nhất đã động viên anh về mặt tinh thần và đã kiên trì cứu sống anh. Dù hiện tại sức khỏe chưa hồi phục, chân còn yếu do nằm nhiều ngày và tinh thần còn chưa tỉnh táo sau can thiệp ECMO, anh Ngọc cho biết, anh biết quý trọng sức khỏe hơn trước, sẽ dành nhiều thời gian chăm sóc cho bản thân và gia đình.
Chúc mừng bệnh nhân trong ngày ra viện, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, can thiệp tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) là biện pháp cuối cùng để cứu sống người bệnh trong tình trạng suy hô hấp, phổi đông đặc. Việc bệnh nhân được cứu sống đã tiếp thêm năng lượng cho các y, bác sĩ tiếp tục kiên trì hơn nữa trong điều trị người bệnh Covid-19.
Hiện tại, Hà Nội ghi nhận khoảng 4.000 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 500-600 bệnh nhân được điều trị ở tầng 3, 40-50 bệnh nhân phải can thiệp thở máy. Hà Nội đã ghi nhận 31 trường hợp tử vong, chiếm khoảng 1%.
Ngay từ đợt bùng phát dịch lần thứ tư, Sở Y tế Hà Nội đã kích hoạt Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang triển khai nhiệm vụ tuyến cuối của Hà Nội điều trị Covid-19 nặng. Đây là trường hợp đầu tiên và duy nhất đến nay phải can thiệp ECMO.
Với thành công này, ông Hưng khẳng định, nguồn lực y tế thủ đô sẵn sàng đáp ứng kịch bản xấu nhất có thể xảy ra tại Hà Nội.