F0 cộng đồng tăng đột biến, cơ sở thu dung ở Kiên Giang quá tải

NDO -

Chỉ trong ba ngày cuối tuần qua, Kiên Giang có thêm gần 1.000 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc của đợt dịch lần thứ 4 này sắp cán mốc 10.000 ca. Một số cơ sở thu dung điều trị Covid-19 tại Kiên Giang đã hết khả năng thu nạp người bệnh.

Kiên Giang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, phấn đấu đến 15/11 đạt 100% dân số từ 18 tuổi được tiêm 1 mũi vaccine phòng Covid-19. (Ảnh: VIỆT TIẾN)
Kiên Giang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, phấn đấu đến 15/11 đạt 100% dân số từ 18 tuổi được tiêm 1 mũi vaccine phòng Covid-19. (Ảnh: VIỆT TIẾN)

Sáng 1/11, tại cuộc họp của Trung tâm chỉ huy phòng, chống Covid-19 tỉnh Kiên Giang, nhiều thành viên bất ngờ khi các số liệu liên quan dịch Covid-19 trong tuần qua của tỉnh này tăng đột biến.

F0 trong cộng đồng tăng đột biến

Theo Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, đến hết ngày 31/10, tổng số ca mắc Covid-19 của tỉnh là 9.990 ca, đã có 90 trường hợp tử vong. Trong vòng 7 ngày qua có 1.975 ca mắc mới, tăng đến 1.385 ca so với tuần trước. Tính bình quân mỗi ngày, Kiên Giang có 282 ca mắc mới, cao nhất từ trước đến nay.

Đáng chú ý, số ca mắc phát hiện trong cộng đồng tuần qua lên đến 337 ca, tăng so tuần trước đến 279 ca và chiếm hơn 17% trong tổng số ca mắc. Các địa phương có số ca mắc cao vẫn là hai thành phố Rạch Giá, Phú Quốc và các huyện Hòn Đất, Châu Thành, Tân Hiệp.

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, Lê Quang Định cho biết: Số ca mắc của huyện đang tăng đột biến, đến 517 ca/tuần, có 67 ca trong cộng đồng, tập trung ở các xã Minh Hòa, Vĩnh Hòa Hiệp và thị trấn Minh Lương. “Khó khăn nhất của Châu Thành là gần như các xã, thị trấn đều có F0. Đánh giá sơ bộ, Châu Thành hiện có 2 tổ nhân dân tự quản cấp độ 4 và 6 tổ nhân dân tự quản ở cấp độ 3; 2 khu phố và 7 ấp ở cấp độ 3. Cơ sở thu dung điều trị ở Châu Thành quá tải, không còn khả năng thu dung điều trị F0”, ông Lê Quang Định nói.

Nguyên nhân số ca mắc Covid-19 tăng đột biến là do một bộ phận người dân lơ là chủ quan, xem thường sự nguy hiểm của dịch bệnh nên không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng tránh, cụ thể là không tuân thủ 5K. Bên cạnh đó, do có sự quá tải về công việc của lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở, nên địa phương phản ứng không kịp trước tình hình biến chuyển của dịch bệnh.

“Trong vòng một tháng qua, các địa phương trong tỉnh đã đón hơn 71.300 công dân từ các tỉnh, thành phố trở về. Hiện nay, số lượng người về có giảm nhưng vẫn còn từ 600-700 người về mỗi ngày. Chỉ tính riêng việc tiếp nhận, phân loại, quản lý cách ly, xét nghiệm sàng lọc lượng người trở về đã là một khối lượng công việc khổng lồ mà chính quyền và đội ngũ y tế cơ sở phải gánh vác…”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Nguyễn Lưu Trung lo lắng.

Dịch Covid-19 bùng phát tại Kiên Giang -0

Kiên Giang tiếp tục xét nghiệm tầm soát cộng đồng để bóc tách F0. (Ảnh: VIỆT TIẾN)

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Lâm Minh Thành, tỷ lệ mắc mới trong khu cách ly, khu phong tỏa vẫn còn cao (tăng trên 1.100 ca) cho thấy tình trạng lây chéo vẫn còn diễn ra. Việc theo dõi, giám sát người cách ly tại nhà chưa chặt chẽ, các địa phương không linh động, chủ động thực hiện xét nghiệm sàng lọc các nhóm nguy cơ cao trên địa bàn, đánh giá nguy cơ xác định cấp độ chưa kịp thời, phù hợp tình hình thực tế ở địa phương, dẫn đến lây lan dịch bệnh nhanh.

Thí điểm điều trị F0 tại nhà

Hiện công tác phòng chống dịch của Kiên Giang gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4.800 của Bộ Y tế không quy định xét nghiệm đối với nhiều trường hợp người vào tỉnh và không hạn chế việc đi lại, giao tiếp của người dân nên khó kiểm soát được nguồn lây từ bên ngoài vào. Mặt khác, tốc độ lây lan của biến chủng Delta hiện nay rất nhanh.

Thứ hai, là khó khăn trong thí điểm cách ly F1 tại nhà do thiếu nguồn nhân lực vì số lượng F1 quá lớn, tình hình F0 gia tăng nhanh chóng. Thứ ba, khó khăn về nhân lực và hệ thống nhập liệu trong việc tiêm vaccine dẫn đến việc tiêm vaccine chậm hơn kế hoạch, bỏ sót đối tượng. Và thứ tư, khó khăn trong việc đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết 128…

Trong thời gian tới, số ca mắc Covid-19 tại Kiên Giang sẽ tiếp tục tăng do mầm bệnh vẫn còn trong cộng đồng. Vì vậy, Kiên Giang tổ chức cách ly F1 tại nhà theo quy định, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly tập trung. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để đạt được tỷ lệ bao phủ cao, hạn chế các trường hợp bệnh trở nặng, cũng như giảm số ca tử vong.

Bên cạnh đó, Kiên Giang thực hiện thí điểm điều trị F0 không triệu chứng tại nhà nhằm giảm áp lực cho các cơ sở điều trị. Thành lập các trạm y tế lưu động tại các xã, khu công nghiệp, nơi tập trung đông người, tăng cường nhân lực, trang thiết bị y tế, máy tạo oxy và thuốc cho các trạm y tế này. Đồng thời thành lập các tổ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại cộng đồng để hỗ trợ điều trị F0 tại nhà…

Ông Lâm Minh Thành yêu cầu các địa phương có số ca mắc trong cộng đồng triển khai thần tốc công tác xét nghiệm sàng lọc các nhóm nguy cơ cao để kịp thời xử trí các F0, truy tìm nguồn lây chấm dứt chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng. Tiếp tục triển khai xét nghiệm định kỳ, nhất là ở các khu vực nguy cơ cao…