Tại thời điểm thành lập Công ty Điện lực (năm 1969), tức sau chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lần thứ nhất, tổng công suất điện toàn miền bắc (không kể diesel), chỉ còn 68MW; 70% số lò, 60% số tuabin và 22% số máy phát bị hư hỏng... công suất tại thời điểm này chỉ bằng công suất năm 1955.
Như vậy, về cơ sở vật chất, Công ty Điện lực ra đời với một tài sản nghèo nàn và lạc hậu như thời điểm tiếp quản từ tay người Pháp (năm 1954). Sau 55 năm chiến đấu, bảo vệ, xây dựng và phát triển, EVNNPC đã có những bước tiến vượt bậc, trở thành một doanh nghiệp phân phối điện hàng đầu quốc gia, đủ sức gánh vác vai trò đòn bẩy cho phát triển kinh tế 27 tỉnh/thành phố phía bắc.
Ông Nguyễn Đức Thiện, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền bắc (EVNNPC). |
Hoàn thành sứ mệnh xây dựng nền móng
Công ty Điện lực (tiền thân của Tổng Công ty Điện lực miền bắc - EVNNPC) ra đời vào thời thời điểm gần kết thúc Kế hoạch Phát triển Điện lực 10 năm (1961-1970), ngành điện lực đang trên đà phát triển mạnh mẽ thì phải đối mặt với cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc của đế quốc Mỹ lần thứ 2 (1972-1973), mà các công trình điện là trọng tâm hủy diệt của đế quốc Mỹ.
Mặc dù vậy, từ năm 1968-1972, khi đế quốc Mỹ tạm ngừng ném bom miền bắc, Công ty Điện lực đã tổ chức sửa chữa phục hồi và xây dựng bổ sung nguồn điện một cách khẩn trương. Vào cuối năm 1972, tổng công suất đặt ở miền bắc đạt 276MW, tăng 115MW so với năm 1965, trong đó, đáng kể là nguồn điện mới của Thủy điện Thác Bà (công suất 108MW).
Song, ngày 4/4/1972, đế quốc Mỹ bắt đầu ném bom và bắn phá trở lại các tỉnh khu IV. Nhà máy điện Vinh và các công trình điện khác là trọng tâm đánh phá hủy diệt của đế quốc Mỹ.
Đến đầu năm 1973, một lần nữa, hệ thống miền bắc mất 68% công suất các nguồn điện. Vào hồi 13 giờ 8 phút ngày 21/12/1972, Nhà máy điện Yên Phụ bị bom điều khiển bằng lazer làm hư hỏng gần như hoàn toàn, song chưa đầy 3 ngày, thành phố Hà Nội đã được cấp điện trở lại bình thường. Đây là một kỳ tích của Công ty Điện lực.
Từ các cụm nhà máy-đường dây hoạt động độc lập theo từng khu vực, đến năm 1976 (đổi tên từ Công ty Điện lực thành Công ty Điện lực miền bắc, trực thuộc Bộ Điện và Than), Công ty Điện lực miền bắc đã tiến hành xây dựng và hoàn thành đưa vào vận hành đường dây 110kV An Lạc (Hải Phòng)-Thái Bình. Điện từ Nhà máy điện Ninh Bình trước đây chỉ cung cấp cho Hà Nam Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nội... lần đầu tiên được đưa tới Hải Phòng; tháng 7/1978, hoàn thành và đưa vào vận hành 2 mạch đường dây 110kV Uông Bí-Góc 5 Tràng Bạch, dài 14,5km nối với hệ thống đường dây Góc 5 Tràng Bạch đi Hải Phòng, cấp tăng thêm hàng chục nghìn kW điện cho thành phố Cảng, đáp ứng cung cấp điện cho sản xuất của các nhà máy: Đóng tàu Bến Kiền, Thủy tinh, Cơ khí Duyên Hải, Sửa chữa Tàu biển-Xà lan và mở rộng Nhà máy Xi măng Hải Phòng... Đến cuối năm 1980, miền bắc đã có 8.438km đường dây hạ áp và trung áp.
Kéo điện lưới đến vùng sâu, vùng xa
Thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (1981-1985), cũng là bước triển khai Tổng sơ đồ phát triển điện đầu tiên của ngành điện Việt Nam, Công ty Điện lực 1 (thành lập lại lấy tên Công ty Điện lực 1 trực thuộc Bộ Năng lượng) được giao quản lý những công trình trọng điểm quốc gia và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Đưa các tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại vào vận hành đúng tiến độ; xúc tiến xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình; nâng cao chất lượng thiết bị của các Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình, Thái Nguyên; khai thác hiệu quả Nhà máy Thủy điện Thác Bà...; lưới điện 110kV, 220kV được tăng cường đưa vào vận hành, như: Mạch kép 220kV Phả Lại-Ba La-Trạm biến áp 220kV Ba La (Hà Đông), Ba La-Hòa Bình, Ba La-Chèm và Trạm biến áp 220kV Chèm, Phả Lại-Đồng Hòa và Trạm biến áp 220kV Đồng Hòa, Ba La-Thanh Hóa-Vinh..., đáp ứng phát triển kinh tế công nghiệp Trung ương và địa phương cho Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Việt Trì, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vinh-Nghệ An, Quảng Ninh, Lào Cai...
Trong 10 năm (1981-1990), Công ty Điện lực 1 đã được cung cấp điện từ lưới điện quốc gia bằng các đường dây 110kV đến 5 tỉnh miền núi phía bắc là Quảng Ninh, Bắc Thái, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Lạng Sơn; đầu tư lưới điện phân phối với khối lượng: 6.471km đường dây trung áp, 2.062MVA dung lượng máy biến áp phân phối và 4.152km đường dây hạ áp; lưới điện phân phối đã phủ tới trên 65% số huyện và 50% số xã ở miền bắc.
Thành tựu nổi bật nhất của giai đoạn này là sự kiện đưa 4 tổ máy (công suất 440MW) của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại vào vận hành an toàn, ổn định cho hệ thống và nâng sản lượng điện lên hàng tỷ kWh. Ngày 27/5/1994, Hệ thống truyền tải điện siêu cao áp 500kV bắc-nam chính thức đóng điện, Sở Truyền tải điện 1 (thuộc Công ty Điện lực 1) quản lý toàn bộ lưới điện 220kV miền bắc và 406km đường dây 500kV, 1 trạm bù có dung lượng 275MVA.
Năm 1995, cùng với sự ra đời của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), Công ty Điện lực 1 được chuyển từ Bộ Năng lượng về trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam. Chức năng quản lý Nhà nước về điện được chuyển giao về Bộ Công nghiệp và các Sở Công nghiệp địa phương; các nhà máy phát điện, Sở Điện lực Hà Nội, Sở Truyền tải điện, Trung tâm Máy tính, Trung tâm Thông tin, Ban Quản lý dự án lưới điện miền bắc được tách ra khỏi Công ty Điện lực 1 về trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam. Công ty Điện lực 1 chuyển sang một giai đoạn mới, thực hiện cơ chế: Kinh doanh điện năng và phát triển lưới điện trên địa bàn 27 tỉnh phía bắc.
Có thể nói, đến năm 1995, Công ty Điện lực 1 đã hoàn thành vai trò sứ mệnh lịch sử của mình đó là về cơ bản đã xây dựng và hoàn thiện khép kín hệ thống điện miền bắc Việt Nam.
Giữ vai trò tiên phong thực hiện các mục tiêu lớn của Đảng
Công nhân điện lực Quảng Ninh rửa sứ trên đường dây mang điện. |
Từ năm 2000-2009 là giai đoạn bản lề sau những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Công ty Điện lực 1 đã không ngừng thúc đẩy các hoạt động sản xuất-kinh doanh kết hợp với việc phát động các phong trào thi đua sâu rộng, tạo ra sức lan tỏa rất lớn góp phần để Công ty hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với việc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch từng năm, đồng thời, không ngừng bổ sung, đầu tư mới hệ thống lưới điện, chống quá tải, xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt từ 10%-13%.
Năm 2010, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của Công ty với sự ra đời của Tổng Công ty Điện lực miền bắc (EVNNPC) trên cơ sở tổ chức lại Công ty Điện lực 1 và tiếp nhận trở lại các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Điện lực Hải Phòng, Hải Dương và Ninh Bình.
Việc chuyển đổi mô hình tổ chức từ mô hình Công ty Điện lực 1 thành Tổng Công ty Điện lực miền bắc là một ghi nhận và đánh dấu bước chuyển biến lớn trong sự phát triển của EVNNPC cả về lượng và chất. Đây là mô hình ổn định, lâu dài và phù hợp với xu thế phát triển của đất nước cũng như tình hình phát triển của thế giới.
Tập trung khắc phục lưới điện sau khi bão số 3 đi qua
Giai đoạn này, EVNNPC đã thực hiện các chương trình, mục tiêu lớn mà Đảng và Chính phủ giao cho ngành điện lực Việt Nam, đó là thực hiện tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ áp khu vực nông thôn, trực tiếp bán điện đến các hộ dân, bảo đảm người dân khu vực nông thôn được hưởng giá bán điện theo đúng quy định của Chính phủ; tiếp tục thực hiện chương trình đưa điện đến các thôn bản, miền núi và hải đảo, những nơi chưa có điện lưới quốc gia, góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo. Trong sản xuất kinh doanh, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của EVNNPC vẫn giữ ổn định từ 11%-12%.
Năm 2013 là năm tạo ra dấu ấn mang ý nghĩa lịch sử đối với EVNNPC với việc hoàn thành dự án đầu tư xây dựng đường dây cáp ngầm xuyên biển đầu tiên tại Việt Nam đưa điện ra huyện đảo Cô Tô - huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc, góp phần củng cố an ninh, quốc phòng bảo vệ vùng biển Đông Bắc - nơi địa đầu Tổ quốc. Đến hết năm 2015, EVNNPC đã cấp điện cho 3/3 huyện đảo trên địa bàn gồm: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng) và tiếp nhận huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng).
Thành tựu nổi bật nhất của EVNNPC được EVN đánh giá cao là công cuộc điện khí hóa nông thôn, cấp điện cho hộ dân khu vực miền núi, vùng dân tộc và hải đảo.
Thành tựu này đóng góp tích cực vào các chương trình xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và bảo đảm an ninh chính trị của Đảng và Nhà nước. Năm 1995, miền bắc chỉ có 91,6% số huyện, 61,87% số xã có điện; đến năm 2024, 100% số huyện, 100% số xã và 99,51% số hộ nông thôn đã có điện, ngành điện miền bắc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị cao cả trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới các xã, góp phần quan trọng để xây dựng các huyện đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
Năm 1995, miền bắc chỉ có 91,6% số huyện, 61,87% số xã có điện; đến năm 2024, 100% số huyện, 100% số xã và 99,51% số hộ nông thôn đã có điện.
Cũng trong giai đoạn này, lưới điện phân phối được ưu tiên tập trung đầu tư phục vụ kịp thời cho phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là các tỉnh thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm. Trong tiến trình công nghiệp hóa, các ngành sản xuất như xi-măng, thép, hóa chất, vật liệu xây dựng, dệt may, công nghiệp chế biến đã phát triển với tốc độ nhanh chóng. Kế hoạch xây dựng đường dây và trạm biến áp cấp điện cho các dự án sản xuất công nghiệp luôn được EVNNPC đưa vào danh mục ưu tiên, bám sát tiến độ để đưa vào vận hành đúng kế hoạch.
Một thành tựu nổi bật nữa của EVNNPC là giải quyết vấn đề cấp điện cho các khu công nghiệp tập trung và thường phải đầu tư đi trước với khối lượng đầu tư lớn, chất lượng kỹ thuật cao. Nỗ lực đầu tư lưới điện phân phối của EVNNPC đã đáp ứng nhu cầu cấp điện trong suốt quá trình hình thành và phát triển các khu công nghiệp ở các tỉnh phía bắc, đóng góp hiệu quả vào thực hiện chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ trong phát triển công nghiệp.
Tiếp cận nguồn vốn quốc tế và hợp tác đào tạo
Công nhân điện lực Cao Bằng ứng phó sự cố điện lưới do ảnh hưởng mưa lũ. |
Năm 1995, đánh dấu mốc chuyển mình mạnh mẽ của Việt Nam, gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Mỹ dần tháo gỡ cấm vận nước ta. Việt Nam chính thức được tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Từ năm 1999, EVNNPC cũng bắt đầu được tiếp cận nguồn vốn ODA (đa phương và song phương) và nguồn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Chính phủ Trung Quốc.
Hợp tác với WB, ADB, JICA và KfW đã giúp EVNNPC hoàn thành xuất sắc Chương trình điện khí hóa nông thôn thông qua các dự án cấp điện nông thôn, các dự án phát triển mở rộng lưới điện phân phối.
Các nguồn ODA này là vô cùng quý giá đối với đầu tư lưới điện của EVNNPC, đã góp phần tăng cường khả năng cung cấp điện, tăng cường khả năng liên kết lưới điện khu vực, giảm thiểu tình trạng quá tải, bảo đảm cấp điện ổn định cho các phụ tải, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn hệ thống điện, ngăn ngừa sự cố trên lưới điện và giảm tổn thất điện năng cho khu vực dự án. Dự án thực sự cần thiết, đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, địa phương.
Hiện nay, EVNNPC đang có mối quan hệ hợp tác với 2 công ty con của Tập đoàn Lưới điện phương nam Trung Quốc (CSG) là Công ty trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Lancang-Mekong Lưới điện miền nam Trung Quốc - CSG-LMI) (trước đây là Công ty trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Vân Nam lưới điện miền nam Trung Quốc- CSGYNIC) và Công ty Lưới điện Vân Nam Trung Quốc (YNPG). EVNNPC và CSG-LMI hợp tác trong việc thành lập và điều hành hoạt động của nhà máy thủy điện Séo Chong Hô (công suất 30MW) từ năm 2005 đến nay. Bên cạnh đó, EVNNPC hợp tác mua điện với CSG-LMI thông qua công ty mua bán điện. Ngoài ra, EVNNPC và CSG- LMI hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, trao đổi học tập kinh nghiệm về công tác quản lý kỹ thuật và an toàn.
Đến nay, 2 dự án đang vận hành và phát điện thương mại, đem lại lợi nhuận cho hai bên cổ đông. Doanh thu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư điện lực Việt-Trung đạt được trong 10 năm qua khá ổn định.
Về lợi nhuận sau thuế của Công ty Việt-Trung tăng trưởng ấn tượng, từ 7,5 tỷ đồng năm 2013, sau 5 năm tăng lên thành 25,2 tỷ đồng năm 2018, tương đương với 330%, và đến năm 2023 lợi nhuận sau thuế đã đạt 33,6 tỷ đồng, tương đương với mức tăng gần 450% so với năm 2013 chỉ trong vòng 10 năm.
Chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành lưới điện ở vùng cao Hà Giang
Từ năm 2004-2013, CSG ủy quyền YNPG ký hợp đồng mua bán điện với EVNNPC - được sự ủy quyền của EVN qua các đường dây 110kV Hekou-Lào Cai với công suất 40MW và sản lượng 49,43 triệu kWh; qua đường dây 110kV Maomaotiao-Hà Giang với công suất 70MW và sản lượng là 85,35 triệu kWh và qua đường dây 110kV Shengou-Móng Cái với công suất 25MW và sản lượng là 66,26 triệu kWh; từ 2013, CSG ủy quyền CSG-LMI và EVN ủy quyền cho EPTC ký hợp đồng mua bán điện qua các đường dây 110kV qua các cửa khẩu trên.
Thông qua quá trình quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế đa phương, song phương để huy động vốn, đội ngũ cán bộ, chuyên viên của EVNNPC đã không ngừng trưởng thành trong nghiệp vụ tài chính quốc tế và quản lý các nguồn vốn ưu đãi một cách có hiệu quả và nhận được sự đánh giá tốt đẹp từ các nhà tài trợ.
Hoạt động hội nhập quốc tế của EVNNPC được tăng cường trong sự chuyển mình chung của ngành điện lực Việt Nam. EVNNPC đã hợp tác đào tạo với Thái Lan tổ chức thành công các khóa đào tạo cho các cán bộ quản lý, đào tạo nâng cao công tác quản lý kỹ thuật, quản trị kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sản xuất kinh doanh và triển khai, khai thác hệ thống GIS cho các cán bộ lãnh đạo của Tổng Công ty và các đơn vị thành viên.
Hợp tác với EDF IN (Pháp) với mục tiêu hỗ trợ EVNNPC xây dựng lộ trình tối ưu hóa đầu tư lưới điện phân phối và tăng cường hiệu quả vận hành lưới điện thông qua dự án Hỗ trợ kỹ thuật tối ưu hóa hoạt động đầu tư và tăng cường hiệu quả vận hành lưới điện với nguồn vốn cho dự án do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ.
Quy mô đi đôi với chất lượng dịch vụ
Công nhân Điện lực Lạng Sơn đi kiểm tra, ứng phó sự cố lưới điện do ảnh hưởng mưa lũ. |
Lưới điện phân phối trên địa bàn 27 tỉnh/thành phố phía bắc liên tục được phát triển và đồng bộ. Việc chia tách các tỉnh đã thành lập thêm hàng chục đơn vị hành chính cấp huyện, cùng với việc hình thành các khu công nghiệp tập trung đã dẫn tới quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh chóng.
Sự phát triển mở rộng các đô thị, xây dựng mới các thành phố, thị xã, thị trấn huyện lỵ đi cùng với nhu cầu cấp thiết mở rộng, nâng cấp, chỉnh trang lưới điện phân phối. Trong các năm 2001-2005, EVNNPC đã thực hiện đồng loạt các dự án cải tạo, nâng cấp và mở rộng lưới điện tại thành phố Hải Phòng, Nam Định và tất cả các thành phố, thị xã, thị trấn trên địa bàn 27 tỉnh/thành phố phía bắc.
Từ năm 2019-2024, EVNNPC triển khai thực hiện đầu tư xây dựng với tổng giá trị vốn đầu tư là 105,6 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị đầu tư thuần là 69 nghìn tỷ đồng. Vì vậy, trong giai đoạn từ năm 2019-2024, EVNNPC tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng điện năng cao nhất trong 5 Tổng công ty phân phối, bình quân đạt 7,28%/năm.
Độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng sử dụng điện năm sau tốt hơn năm trước, thời gian mất điện bình quân của một khách hàng trong một năm giảm 2.495 phút vào năm 2019 xuống còn 299 phút vào năm 2023; chỉ số tiếp cận điện năng của EVNNPC giảm từ 6,97 ngày năm 2016 xuống còn 3,24 ngày năm 2024 (giảm 3,76 ngày so với quy định của EVN).
Bảo vệ hành lang an toàn lưới điện mùa nắng nóng
Trong các năm 2020-2023, EVNNPC đã đạt đánh giá tín nhiệm vay vốn tín dụng để đầu tư phát triển từ các ngân hàng tín dụng trong nước và nước ngoài không cần bảo lãnh của Chính phủ.
Năm 2019, EVNNPC phục vụ khoảng 10,33 triệu khách hàng, thì đến năm 2023, con số này đã lên 11,205 triệu khách hàng (dự kiến đến hết năm 2024 là 11,38 triệu khách hàng). Theo đánh giá của các doanh nghiệp trong nước, chất lượng điện năng cũng là một trong những điểm sáng trong chất lượng cơ sở hạ tầng tại 27 tỉnh/thành phố. Với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn EVNNPC quản lý, lĩnh vực điện năng tiếp tục được đánh giá cao nhất trong chất lượng cơ sở hạ tầng.
Hoạt động số hóa công tác cung cấp dịch vụ điện năm 2024 tiếp tục được EVNNPC và các Công ty Điện lực triển khai theo hướng trực tuyến, đa kênh. Hiện, EVNNPC đang đẩy mạnh triển khai cung cấp hợp đồng mua bán điện và các dịch vụ điện năng theo phương thức điện tử.
Đến hết quý II/2024, đã có trên 88,58% khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Hiện nay tất cả các yêu cầu dịch vụ điện được cung cấp theo phương thức điện tử; tỷ lệ giao dịch ký hợp đồng mua bán điện theo phương thức điện tử đạt 100%.
Chất lượng cung cấp điện không ngừng được nâng cao. Cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực điện năng liên tục được nâng cấp, toàn bộ hệ thống lưới điện đã được tự động hóa, điều khiển từ xa và đang trong lộ trình số hóa toàn bộ hệ thống lưới điện, quản lý bằng phần mềm và ứng dụng công nghệ thông tin. Công tác sản xuất kinh doanh và quản trị luôn được đổi mới, chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Trải qua 55 năm, EVNNPC không ngừng phát triển với những bước đi vững chắc, vượt qua những khó khăn, thách thức, từng bước phát triển, không ngừng lớn mạnh và luôn tỏa sáng, khẳng định được vai trò, vị trí nòng cốt trong sự nghiệp phát triển ngành điện lực Việt Nam.
Sự nghiệp xây dựng và phát triển của EVNNPC được ví như cuộc chạy tiếp sức của lớp lớp các thế hệ cán bộ, công nhân, người lao động trong hơn nửa thế kỷ qua. Thế hệ ngày hôm nay đang thừa kế truyền thống vẻ vang đó và sẽ tiếp tục đoàn kết để xây dựng EVNNPC không ngừng phát triển và lớn mạnh, luôn xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Tổng Giám đốc EVNNPC NGUYỄN ĐỨC THIỆN