Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng Bộ phận chuyên trách Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước; Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư; một số tổ chức quốc tế.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng Trần Quốc Vượng gửi lẵng hoa chúc mừng.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã biểu dương và chúc mừng thành tích anh hùng trong chiến đấu và lao động, sản xuất mà các thế hệ lãnh đạo và cán bộ công nhân viên, người lao động của ngành điện lực Việt Nam đã đạt được trong suốt chặng đường xây dựng, trưởng thành và phát triển 66 năm qua, đặc biệt là những thành tựu lớn lao mà EVN đã đạt được và được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần xác định rõ yêu cầu nhiệm vụ đối với ngành điện Việt Nam, mà nòng cốt là EVN. Cụ thể, ngành điện phải bảo đảm an ninh cung ứng điện, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước; vận hành an toàn, ổn định và tối ưu hệ thống điện quốc gia để khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước.
Ngoài ra, ngành điện nói chung và EVN nói riêng cần đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện đồng bộ theo quy hoạch và kế hoạch được duyệt; trong đó, phát triển nguồn điện mới đi đôi với đầu tư chiều sâu, sử dụng công nghệ hiện đại; nghiên cứu đổi mới công nghệ các nhà máy điện đang vận hành, bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường; đa dang hóa các loại hình phát điện, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo với tỷ trọng hợp lý; đầu tư phát triển lưới điện đồng bộ với phát triển nguồn điện; khắc phục triệt để hiện tượng quá tải tại một số đường dây và trạm biến áp, đặc biệt chú trọng việc giải tỏa công suất nguồn điện năng lượng tái tạo.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo, EVN tiếp tục tái cơ cấu, tiếp tục quá trình phát triển thị trường điện lực theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào vận hành chính thức từ năm 2023. Từ việc tái cơ cấu, ngành điện có sự đổi mới trong quản trị, xây dựng các doanh nghiệp ngành điện lớn mạnh, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; có tiềm lực tài chính mạnh, tín nhiệm tài chính cao để có khả năng tự huy động vốn cho phát triển điện.
Tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới tặng EVN.
Theo Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân, trong 66 năm qua, ngành Điện lực Việt Nam đã phát triển vượt bậc. Từ chỗ khi tiếp quản từ chế độ cũ, công suất hệ thống điện ở miền bắc vào cuối năm 1954 chỉ có 31,5MW, đến nay hệ thống điện đã có quy mô đứng thứ 2 khu vực Đông-Nam Á, thứ 23 thế giới với công suất hơn 61 nghìn MW (trong đó công suất nguồn điện do EVN sở hữu là hơn 29.600MW) và hệ thống lưới điện vươn rộng toàn bộ đất nước, bảo đảm cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân. Đến nay, EVN đã có giá trị tổng tài sản khoảng 718 nghìn tỷ đồng.
Trong nhiều năm qua, ngành điện lực Việt Nam luôn được gắn liền với những công trình điện lớn, mang tầm quốc tế và khu vực như: Đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500kV bắc - nam từ mạch 1 nay đã được bổ sung thêm mạch 2 rồi mạch 3; Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Thủy điện Sơn La - công trình thủy điện lớn nhất Đông-Nam Á - điểm sáng về sự đoàn kết, nhất trí, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và tối ưu hóa sản xuất, huy động tối đa nội lực tiềm năng làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến của cán bộ, kỹ sư Việt Nam.
Đặc biệt, trong giai đoạn một thập kỷ gần đây, EVN đã có những bước phát triển nhanh chóng và có nhiều thành tựu quan trọng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. EVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm cung cấp điện ổn định và an toàn, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của nước ta ở mức cao nhiều năm liên tục với mức tăng trưởng điện thương phẩm ở mức bình quân 9,7%/năm.
Đến năm 2020, EVN đã đưa cung cấp điện đến 100% số xã; 99,54% số hộ dân và đưa điện đến 11/12 huyện đảo, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng của đất nước. Đến nay, công nghệ tự động hóa, điều khiển xa, kỹ thuật số được ứng dụng rộng rãi vào hệ thống điện, hầu hết các trạm biến áp 110 - 220kV đã thực hiện điều khiển xa không cần người trực. Tổn thất điện năng đã giảm mạnh hằng năm, đến nay xuống dưới 6,5%, đứng thứ ba khu vực ASEAN và đã tiệm cận mức của các nước phát triển.
Công tác dịch vụ khách hàng có nhiều đổi mới, ngày càng hiện đại và thuận tiện, các dịch vụ điện lực đã đạt cấp độ 4 về dịch vụ công trực tuyến và đã kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia. Chỉ số tiếp cận điện năng có bước tiến vượt bậc, xếp thứ 27/190 quốc gia, góp phần đáng kể trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...