EVIPA - “đại lộ kinh tế” kết nối giao thương Việt - Áo

NDO -

Sáng 6/9, tại Thủ đô Vienna (Áo), tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị hai nước cần đẩy mạnh trao đổi thông tin sâu rộng về chính sách liên quan tới đầu tư của mỗi nước, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác mà hai bên có thế mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Áo.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Áo.

Phát biểu ý kiến trước đông đảo các doanh nghiệp lớn hai nước, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Áo là quốc gia đầu tiên trong chuyến công du đầu tiên tới khu vực châu Âu của lãnh đạo cấp cao Việt Nam kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020. Điều này thể hiện sự coi trọng của Việt Nam trong quan hệ hợp tác kinh tế với Liên hiệp châu Âu (EU) nói chung và Áo nói riêng.

Thúc đẩy dòng đầu tư và thương mại hai chiều

Thời gian tới, Chủ tich Quốc hội đề nghị cần nâng cao vai trò của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Áo về hợp tác kinh tế thương mại, đồng thời phối hợp triển khai các chương trình hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại dưới nhiều hình thức để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên hiểu biết hơn về môi trường, cơ hội đầu tư của mỗi nước.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng các cơ quan hữu quan hai nước cần khuyến khích và thúc đẩy dòng đầu tư và thương mại hai chiều, trên cơ sở cùng có lợi; tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát tìm hiểu thị trường cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị doanh nghiệp Áo và Phòng Thương mại Công nghiệp Áo ủng hộ Việt Nam, có tiếng nói thúc đẩy Quốc hội Áo hoàn tất các thủ tục phê chuẩn EVIPA trong thời gian sớm nhất.

Theo đó, EVIPA sớm có hiệu lực cùng với EVFTA sẽ tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các doanh nghiệp châu Âu nói chung và Áo nói riêng đầu tư vào Việt Nam, mở ra những cơ hội mới.

Trong thông điệp gửi tới cộng đồng doanh nghiệp Việt - Áo, Chủ tịch Quốc hội ví EVFTA và EVIPA như “hai cánh của một con chim”, theo đó, nếu chỉ có hiệp định thương mại mà không có hiệp định bảo hộ đầu tư thì quyền lợi của các nhà đầu tư Việt Nam cũng như nhà đầu tư châu Âu sẽ không được bảo đảm.

“Khi EVIPA được các nghị viện thành viên EP phê chuẩn thì mới có thể coi hai Hiệp định này như “một cao tốc”, “một đại lộ kinh tế” kết nối giữa châu Âu và Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Dịp này, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn doanh nghiệp Áo ủng hộ để Chính phủ Áo hỗ trợ cung cấp vaccine, các trang thiết bị y tế, giúp Việt Nam phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Áo có thể trở thành cầu nối giúp Việt Nam tiếp cận thị trường EU; đồng thời, Việt Nam sẽ trở thành cầu nối giúp Áo tiếp cận thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 650 triệu dân và một thị trường lớn hơn với 800 triệu dân khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là thành viên đã chính thức có hiệu lực.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đó là: giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch.

“Đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình”, Chủ tịch Quốc hội nói.

EVIPA - “đại lộ kinh tế” kết nối giao thương Việt - Áo -0
Quảng cảnh Diễn đàn.

Xây dựng và hình thành các chuỗi giá trị

Tham dự Diễn đàn có nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và Áo trong các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng hợp tác. Ban tổ chức cho biết, sáng nay có thêm các doanh nghiệp biết sự kiện chủ động đến tham dự sự kiện ngoài danh sách đăng ký.

Hàng chục đại biểu doanh nghiệp đại diện cho nhiều doanh nghiệp Áo trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, y tế, tư vấn, giao thông, ô-tô, thiết bị an ninh, phòng cháy, xử lý rác thải y tế, xử lý bề mặt kim loại, thương mại, luật, dịch vụ hàng không, năng lượng. Trong đó, có cả công ty hợp tác xây dựng cáp treo Sa Pa, Bà Nà; có công ty đang hợp tác với Vinfast; có một số công ty đã đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam hàng chục năm…

Các doanh nghiệp bạn đều mong muốn tìm hiểu thị trường Việt Nam hoặc mở rộng đầu tư, kinh doanh, đánh giá tiềm năng của Việt Nam “là cửa ngõ vào thị trường ASEAN”.

Dịp này, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam mong muốn, cộng đồng doanh nghiệp hai nước “phát huy lợi thế, kết nối hợp tác để xây dựng và hình thành các chuỗi giá trị, kết nối giữa hai nước và với thị trường toàn cầu”. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp hai nước “không chỉ là chủ thể của tiến trình hợp tác kinh tế, mà cần đóng vai trò khởi xướng các ý tưởng mới, tạo động lực mới trong thương mại và đầu tư, góp phần củng cố và làm phong phú hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa Nhà nước và nhân dân hai nước”. 

Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, Quốc hội Việt Nam hiện đang có chương trình tổng thể về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Việt Nam sẵn sàng trao đổi cởi mở và cam kết luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Áo đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.

Áo hiện có 37 dự án với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 150 triệu USD, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và khoa học công nghệ và là 1 trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam khi hiện đang nằm trong nhóm 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khối EU.

Tuy nhiên, những kết quả hợp tác giữa Việt Nam - Áo vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa hai nước.

Tại Diễn đàn sáng nay, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Áo Richard Schenz cho biết, Phòng Thương mại - Công nghiệp Áo cho rằng, qua diễn đàn này hai bên sẽ hợp tác và đưa ra những sáng kiến về kinh doanh, đầu tư, cùng tận dụng các lợi thế và các cơ hội mới mang lại.

Theo ông Richard Schenz, trọng tâm của các hoạt động kinh tế quốc tế hiện nay cũng như các hoạt động kinh tế khác tập trung rất nhiều ở châu Á và nhất là ở khu vực Đông Nam Á - nơi mà Việt Nam đã vươn lên là một nền kinh tế mạnh mẽ trong khu vực Đông Nam Á trong những năm vừa qua.

Chính vì thế, gần đây Phòng Thương mại Công nghiệp Áo đã thiết lập văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh, tham gia vào các cơ hội hợp tác về công nghệ, thành phố thông minh, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giao thông vận tải, công nghệ xử lý môi trường, xử lý rác thải, các giải pháp về phát triển sạch...

Chia sẻ những nội dung hai bên quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Việt Nam hướng đến phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhưng bảo đảm sự cân bằng, hài hòa và phát huy được hết khả năng, tiềm năng của Việt Nam để phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tri thức.