Nhận định này được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đưa ra trong ấn bản Sách Trắng thường niên lần thứ 15 (2024) với chủ đề: “Thúc đẩy đầu tư hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững” nhằm đưa ra những khuyến nghị để phát triển du lịch Việt Nam bền vững.
Khách quốc tế đến Việt Nam 2023 tăng trưởng ấn tượng (Đồ họa: T.LINH) |
Ngành du lịch Việt Nam đã chứng kiến những bước phát triển đáng kể. EuroCham đánh giá, sự hồi sinh này có thể là do nhu cầu đi lại tăng mạnh sau khi kết thúc đại dịch Covid-19, các sáng kiến khu vực nhằm thúc đẩy du lịch và những thay đổi tích cực trong quy định về thị thực.
Tuy nhiên, để tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh du lịch của các quốc gia trong khu vực đang phục hồi mạnh mẽ, EuroCham đưa ra một số khuyến nghị về các nội dung như thị thực, tiếp thị điểm đến, sản phẩm du lịch chuyên biệt hóa và đặc biệt là thực hiện quyết liệt du lịch xanh, phát triển bền vững.
Đề xuất miễn thị thực cho các tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu
Kể từ ngày 15/8/2023, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các quy định mới nhằm tăng cường hệ thống quản lý xuất nhập cảnh với những chính sách thị thực được nởi lỏng hơn.
Theo EuroCham, những chính sách đổi mới này khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam về cách tiếp cận mở cửa, đáp ứng nhu cầu của người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, đầu tư, nghiên cứu thị trường và du lịch.
“Điều này đặc biệt có lợi cho du khách châu Âu có thu nhập trung bình và cao, bao gồm những người về hưu đang tìm kiếm kỳ nghỉ dài, vì giờ đây họ có thể hòa mình vào văn hóa và khám phá cảnh quan đa dạng của Việt Nam trong thời gian dài hơn”, EuroCham đánh giá.
Để thu hút hơn nữa nguồn khách từ châu lục này, EuroCham tiếp tục đề xuất “Miễn thị thực cho tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu” bởi đây là dòng khách chi tiêu cao, có thói quen du lịch dài ngày, tạo ra nguồn thu du lịch lớn.
EuroCham cũng cho rằng, việc gia hạn thị thực cũng phục vụ nhiều đối tượng khách du lịch hơn, chẳng hạn như những người làm việc tự do trên môi trường kỹ thuật số (digital normad) và khách du lịch dài hạn khi mang lại sự linh hoạt cần thiết để làm việc từ xa, kết hợp với mức sống tiết kiệm và các trung tâm đô thị sôi động của Việt Nam.
Du khách tại Đền Ngọc Sơn, Hà Nội. (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, điều quan trọng là các thủ tục hành chính, bao gồm trang thông tin cấp thị thực điện tử, phải được cập nhật và nâng cấp liên tục để đáp ứng số lượng đơn xin thị thực ngày càng tăng và nâng cao sự hài lòng của người dùng.
EuroCham khuyến nghị việc bố trí các hàng đợi đặc biệt để giảm bớt tắc nghẽn, đề xuất bổ sung các hàng dành riêng cho người đi công tác, người lớn tuổi (trên 70 tuổi), người khuyết tật và gia đình có trẻ sơ sinh.
Ngoài ra, EuroCham lưu ý, phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh của trang thông tin cấp thị thực cần bảo đảm tính thống nhất, mạch lạc, mọi thông tin được dịch chính xác và dễ hiểu đối với người sử dụng nói tiếng Anh.
Đa dạng hóa chiến lược tiếp thị điểm đến
Khảo sát của EuroCham cho thấy, nỗ lực quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài còn chưa hiệu quả bởi vậy những sáng kiến như “Lễ hội Phở Việt Nam” được tổ chức tại Nhật Bản vào ngày 7/10/2023 cần được nhân rộng để thu hút sự chú ý của du khách đến các sản phẩm thủ công, cảnh quan, trái cây đặc sản và các điểm du lịch khác.
Dẫn chứng số liệu của cơ quan du lịch cho thấy Việt Nam có tỷ lệ khách quay trở lại du lịch chỉ 5%, so với 50% của Thái Lan, EuroCham đề xuất Việt Nam cần bảo đảm khách du lịch có trải nghiệm tích cực trong chuyến đi, từ đó khuyến khích họ chia sẻ kinh nghiệm với bạn bè, gia đình và lưu giữ những kỷ niệm đẹp về hành trình. Sự hiếu khách và nồng nhiệt của người dân địa phương đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này.
Trong vấn đề tiếp thị điểm đến, Việt Nam cần sử dụng điện ảnh làm công cụ tiếp thị. Dẫn chứng việc từ năm 2018, Thái Lan đã có các chính sách ưu đãi về thuế cho các đoàn làm phim nước ngoài tới Thái Lan làm phim, EuroCham đề xuất đây cũng là một cách tiếp cận tốt mà Việt Nam có thể cân nhắc để thu hút các đoàn làm phim quốc tế nhằm tạo ra sự kết hợp mạnh mẽ hơn giữa điện ảnh và du lịch Việt Nam, đồng thời đưa Việt Nam trở thành địa điểm quay phim cạnh tranh ở Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, tăng cường tiếp thị điểm đến, Việt Nam cần tiếp tục khám phá những thị trường du lịch mới mà trong đó, các thị trường khách Halal (thị trường khách du lịch Hồi giáo), Ấn Độ là một nhân tố đầy triển vọng.
Xây dựng sản phẩm du lịch hưu trí, du lịch y tế
Trong vài thập kỷ qua, việc bệnh nhân di chuyển xuyên biên giới để tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe và điều trị y tế - được gọi là “du lịch y tế” - đã trở thành một hướng phát triển mới mẻ và quan trọng của ngành chăm sóc sức khỏe đang phát triển từng ngày.
Cùng với đó, những người cao tuổi về hưu là nhóm đối tượng tiềm năng trong lĩnh vực “du lịch y tế” bởi họ thường yêu cầu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên nơi lý tưởng là một quốc gia có thể đáp ứng nhu cầu y tế của họ.
EuroCham dẫn thông tin Việt Nam xếp thứ 40 trong số các quốc gia tốt nhất trên thế giới để người nước ngoài tận hưởng thời gian “nghỉ hưu thoải mái”, chỉ sau các nước láng giềng như Thái Lan (thứ 18), Philippines (thứ 27), Singapore (thứ 29), là các quốc gia duy nhất cung cấp thị thực đặc biệt cho người về hưu toàn cầu.
Website đầu tiên của Việt Nam về du lịch y tế. |
Tại Việt Nam, “du lịch y tế” dần trở thành một loại hình du lịch được ưa chuộng. Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết số lượng khách du lịch có nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế tại Việt Nam có sự gia tăng đều đặn và đáng chú ý. Trung bình 300.000 du khách nước ngoài mỗi năm đến khám chữa bệnh, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến ưa thích của 40% lượng khách du lịch y tế này. Du lịch y tế ước tính mang lại 2 tỷ USD mỗi năm.
Theo Eurocham, triển khai du lịch hưu trí và du lịch y tế tại Việt Nam có thể mang lại nhiều lợi ích khác nhau cho Việt Nam, bao gồm: Tăng trưởng kinh tế; Kéo dài mùa du lịch; Phát triển kinh doanh và tạo việc làm.
Do đó, EuroCham khuyến nghị Việt Nam cần xây dựng ưu đãi thị thực dành riêng cho người hưu trí và y tế; Tăng cường hợp tác giữa các công ty du lịch, khách sạn, bệnh viện để xây dựng sản phẩm du lịch y tế; Quảng bá Việt Nam là điểm đến nghỉ dưỡng và du lịch y tế trên các kênh trong nước và quốc tế; Cung cấp đào tạo cho các bên liên quan để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Kiên trì phát triển du lịch bền vững
EuroCham dẫn chứng Báo cáo Du lịch Bền vững 2023 của Booking.com với 33.228 người trả lời trên 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam nằm trong top 4 quốc gia khẳng định vai trò quan trọng của du lịch bền vững và 83% du khách Việt Nam muốn có cách tiếp cận du lịch tái tạo và tìm kiếm những kỳ nghỉ có tác động tích cực tối đa.
EuroCham nhận định: Du lịch Việt Nam chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa nên việc bảo đảm phát triển xanh và có trách nhiệm với môi trường, xã hội là con đường duy nhất để du lịch phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhấn mạnh đặc biệt việc phát triển du lịch xanh và bền vững.
Cam kết đồng hành và hỗ trợ Việt Nam phát triển du lịch xanh, bền vững, EuroCham khuyến nghị 1 số giải pháp thực tiễn như:
Đưa ra kế hoạch hành động phối hợp cấp quốc gia để đảm bảo giữ vệ sinh cho các bãi biển, thành phố và điểm di sản văn hóa.
Lập kế hoạch quốc gia để loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần tại các khách sạn, công ty du lịch, hãng hàng không và các nhà cung cấp dịch vụ nhà hàng-khách sạn; Ưu tiên các dự án phát triển đa dạng, bền vững thay vì các dự án quy mô lớn thường chỉ tập trung vào thị trường căn hộ thứ hai.
Hỗ trợ người dân địa phương thông qua hoạt động đào tạo và trao quyền kinh tế; Nâng cao năng lực cho các tổ chức phi lợi nhuận và tạo khuôn khổ cho các hoạt động du lịch “tình nguyện”.
Tuyên truyền những lời khuyên hữu ích tới khách du lịch bao gồm thông tin về các vấn đề xã hội nhạy cảm; Khuyến khích du khách trải nghiệm tương tác với người dân địa phương một cách có ý nghĩa, tạo điều kiện phát triển sáng kiến du lịch cộng đồng.
Nâng cao năng lực của các bên liên quan đến du lịch bền vững và hỗ trợ các sáng kiến do địa phương và vì địa phương nhằm triển khai các hoạt động tạo thu nhập như một sản phẩm phụ của hoạt động du lịch.