Một số quốc gia EU, trong đó có Đức - nền kinh tế lớn nhất EU, đã phản đối ý tưởng về bất kỳ mức giá trần nào, cho rằng việc này có thể gây khó hơn cho việc bảo đảm nguồn cung.
Trong khi đó, Bỉ, Italia và Ba Lan coi việc áp giá trần là cách để bảo vệ người tiêu dùng và nền kinh tế các nước này trước giá năng lượng quá cao.
Theo đề xuất được Cộng hòa Séc, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU đưa ra vào tối 5/12, mức giá trần sẽ được áp dụng nếu giá khí đốt vượt quá 220 euro mỗi megawatt giờ (MWh) trong 5 ngày đối với giá khí đốt hợp đồng tương lai tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan.
Giá TTF, vốn là mức giá chuẩn của châu Âu, sẽ cần cao hơn 35 euro so với giá tham chiếu cho khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) dựa trên nhiều đánh giá về giá LNG hiện có, để kích hoạt việc áp giá trần.
Đề xuất mới của Séc thấp hơn so với mức giá trần 275 euro/MWh mà Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất ngày 22/11.
Một số nhà ngoại giao EU cho rằng, các nước thành viên vẫn không thay đổi quan điểm của mình, và sẽ cần tiến hành cuộc họp khác vào ngày 19/12 sau cuộc họp cấp Bộ trưởng năng lượng EU ngày 13/12.
Dự kiến, các nhà ngoại giao EU ngày 7/12 sẽ thảo luận về đề xuất mới nhất này nhằm nỗ lực tiến gần hơn 1 thỏa thuận.