EU và Ukraine gia hạn chương trình ưu đãi thương mại

Ngày 3/5, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết, Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí gia hạn thêm một năm cơ chế ưu đãi thương mại giữa hai bên, vốn sẽ hết hạn vào ngày 5/6 tới.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal phát biểu trong cuộc họp báo ở Warsaw, Ba Lan, ngày 5/5/2022. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal phát biểu trong cuộc họp báo ở Warsaw, Ba Lan, ngày 5/5/2022. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)

Cơ chế ưu đãi thương mại EU-Ukraine bắt đầu có hiệu lực từ tháng 6/2022, bãi bỏ thuế quan và hạn ngạch đối với hàng hóa công nghiệp và thực phẩm của Ukraine xuất khẩu sang EU.

Quyết định gia hạn cơ chế này được Thủ tướng Shmyhal công bố trong một thông báo trên Telegram.

Ông nêu rõ hai bên đã đạt được thỏa thuận gia hạn "cơ chế miễn thị thực kinh tế" thêm một năm, theo đó các doanh nghiệp Ukraine sẽ có thể tiếp tục bán hàng hóa sang EU mà không phải tuân thủ bất kỳ quy định nào về hạn ngạch hoặc thuế quan.

Thủ tướng Shmyhal đánh giá việc mở rộng các quy tắc ưu đãi thương mại sẽ góp phần phục hồi nền kinh tế Ukraine.

Ông đồng thời cho biết việc tiếp cận các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine vào thị trường châu Âu đã được khôi phục một phần, sau khi năm quốc gia láng giềng (gồm Ba Lan, Hungary, Slovakia, Bulgaria và Romania) đã đơn phương áp đặt các hạn chế nhập khẩu đối với hàng nông sản từ Ukraine.

Theo Thủ tướng Shmyhal, Ủy ban châu Âu (EC) đã xây dựng một cơ chế thỏa hiệp, theo đó Ukraine tạm thời hạn chế xuất khẩu bốn loại nông sản sang các nước láng giềng.

Cũng trong ngày 4/5, EC đã thông qua đề xuất tăng cường sản xuất đạn dược để hỗ trợ Ukraine và giải quyết tình trạng thiếu hụt đạn dược của các nước thành viên EU.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, cơ quan này đã phân bổ 1 tỷ euro (khoảng 1,11 tỷ USD) cho Đạo luật Hỗ trợ sản xuất đạn dược (ASAP).

Theo EC, ASAP là một phần trong chiến lược ba mũi nhọn về hỗ trợ Ukraine, đồng thời nhằm bảo đảm rằng kho đạn dược và tên lửa của EU không bị cạn kiệt.

Đề xuất ASAP cần phải được Hội đồng Liên minh châu Âu và Nghị viện châu Âu thông qua trước khi có thể hiện thực hóa. Đạo luật sẽ có hiệu lực đến giữa năm 2025 sau khi được thông qua.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 3/5, Nhà Trắng đã công bố một lô viện trợ pháo hạng nặng và đạn tên lửa mới cho Ukraine.

Phát biểu với báo giới, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới hỗ trợ Ukraine, bao gồm đạn dược cho Hệ thống Pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) do Mỹ sản xuất có độ chính xác cao, cũng như các loại lựu pháo, đạn pháo, đạn cối bổ sung và khả năng chống thiết giáp.