EU thống nhất nâng mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030

Nghị sĩ châu Âu Markus Pieper nêu rõ, các nước EU và Nghị viện châu Âu (EP) đã nhất trí đến năm 2030, khối sẽ đạt mục tiêu 42,5% năng lượng từ các nguồn tái tạo như gió và Mặt Trời.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: IREA)
Ảnh minh họa. (Nguồn: IREA)

Ngày 30/3, các nhà đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận chính trị đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn để mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo đến năm 2030.

Đây là trụ cột quan trọng trong các kế hoạch của khối nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga.

Chia sẻ trên trang Twitter, nghị sĩ châu Âu Markus Pieper nêu rõ, các nước EU và Nghị viện châu Âu (EP) đã nhất trí đến năm 2030, khối sẽ đạt mục tiêu 42,5% năng lượng từ các nguồn tái tạo như gió và Mặt Trời. Thỏa thuận này phải được EP và các nước thành viên EU thông qua trước khi được ban hành thành luật.

Luật mới cũng sẽ thay thế mục tiêu hiện tại của EU là đến năm 2030 sẽ có 32% năng lượng sử dụng từ các nguồn tái tạo.

Đến năm 2021, khoảng 22% năng lượng sử dụng tại EU có được từ các nguồn tái tạo nhưng tỷ lệ ở mỗi nước có sự chênh lệch đáng kể. Trong đó, Thụy Điển dẫn đầu với tỷ lệ năng lượng tái tạo là 65% nhưng ở các nước như Luxembourg, Malta, Hà Lan và CH Ireland năng lượng tái tạo chỉ chiếm khoảng 13% tổng năng lượng sử dụng.

Việc nhanh chóng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo có vai trò quan trọng nếu EU muốn đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, trong đó có mục tiêu đã được luật hóa là giảm mức phát thải ròng gây hiệu ứng nhà kính 55% vào năm 2030 so với mức ghi nhận năm 1990.

Các mục tiêu liên quan năng lượng tái tạo cũng trở nên quan trọng hơn khi EU tìm cách giảm phụ thuộc và tiến tới chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào năm 2027. Các kế hoạch nhằm thực hiện mục tiêu này chủ yếu dựa vào nguồn năng lượng phát thải thấp, tự sản xuất.

Để đạt được những mục tiêu mới đề ra, EU cần đầu tư quy mô lớn cho các trang trại năng lượng gió và Mặt Trời, mở rộng quy mô sản xuất khí đốt tái tạo và củng cố mạng lưới điện châu Âu để có thể tích hợp nhiều năng lượng tái tạo hơn.

Ủy ban châu Âu (EC) ước tính đến năm 2030, khối này sẽ cần các khoản đầu tư bổ sung trị giá 113 tỷ euro (123 tỷ USD) cho cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo và hydrogen nếu các nước thành viên muốn chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu từ Nga.