EU lên kế hoạch áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ Nga vào cuối năm nay

NDO -

Theo hãng tin Reuters, các nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, khối này có kế hoạch áp đặt lệnh cấm đối với hoạt động nhập khẩu dầu mỏ từ Nga vào cuối năm nay, sau những cuộc thảo luận giữa Ủy ban châu Âu và các nước thành viên EU vào cuối tuần này.

Hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Tập đoàn Gazprom tại trạm nén Atamanskaya, ngoại ô thị trấn Svobodny, Amur, Nga. (Ảnh: Reuters)
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Tập đoàn Gazprom tại trạm nén Atamanskaya, ngoại ô thị trấn Svobodny, Amur, Nga. (Ảnh: Reuters)

EU đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Moskva, bao gồm lĩnh vực dầu mỏ của Nga, các ngân hàng Nga và Belarus, cũng như thêm nhiều cá nhân và doanh nghiệp liên quan.

Các quan chức ngoại giao EU cho rằng, một số quốc gia thành viên có khả năng chấm dứt sử dụng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga muộn nhất là vào cuối năm nay, nhưng các nước khác, đặc biệt là các quốc gia nằm ở khu vực Nam Âu, lo ngại về tác động của lệnh cấm vận đối với giá năng lượng.

Đức - một trong những nước mua dầu mỏ nhiều nhất của Nga - dường như sẵn sàng chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ từ Nga vào cuối năm 2022, song các quốc gia khác như Áo, Hungary, Italia và Slovakia vẫn có sự e dè.

Bộ Kinh tế Đức ngày 1/5 tuyên bố, Berlin đã đạt tiến triển trong nỗ lực cắt giảm đáng kể sự phụ thuộc vào năng lượng Nga. Đây được xem là sự chuyển dịch mang tính chiến lược của nền kinh tế lớn nhất châu Âu kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Theo thông báo của bộ trên, nguồn cung từ Nga hiện chỉ chiếm 12% tổng lượng nhập khẩu dầu mỏ của Đức, giảm 23% so với trước đây. Trong khi đó, than đá từ Nga cũng giảm 8% so với mức 45% mà Đức nhập khẩu trước đây.

Dù tình trạng phụ thuộc vào khí đốt vẫn lớn, nhưng nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng đã giảm lượng nhập khẩu mặt hàng này của Nga, từ mức 55% trước khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine xuống còn 35%.

Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho rằng, Đức nên bắt đầu tiết kiệm năng lượng ngay từ bây giờ để trở nên độc lập hơn với các nguồn năng lượng hóa thạch của Nga.

Theo ông Habeck, Đức có thể trở nên ít phụ thuộc hơn nếu các công dân giảm tiêu thụ năng lượng, đồng thời gợi ý sử dụng tàu hỏa và xe đạp thay ô-tô riêng bất cứ khi nào có thể.

Ông nhấn mạnh việc cắt giảm 10% lượng năng lượng tiêu thụ là có thể thực hiện được, đồng thời cho rằng các chủ doanh nghiệp có thể đóng góp vào điều này bằng cách đưa ra sự lựa chọn làm việc ở nhà cho nhân viên.

Đại diện thường trực các nước thành viên EU sẽ nhóm họp vào ngày 4/5 để thảo luận về gói trừng phạt mới và việc phê duyệt dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tuần.

Lệnh cấm vận dầu mỏ được coi là biện pháp trừng phạt quan trọng nhất trong gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga.

Bên cạnh đó, gói cũng sẽ bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với ngân hàng lớn nhất của Nga - Sberbank, vốn chiếm 37% hoạt động ngân hàng của Nga, cũng như các biện pháp bổ sung đối với những quan chức cấp cao của nước này.