Các công ty nhà nước Rosneft và Gazprom của Nga sẽ có thể vận chuyển dầu đến các nước thứ ba theo sự điều chỉnh của các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm hạn chế rủi ro đối với an ninh năng lượng toàn cầu.
Các công ty kinh doanh lớn như Vitol, Glencore và Trafigura cũng như các công ty dầu khí lớn như Shell và Total đã ngừng giao dầu của Nga cho các bên thứ ba, với lý do các lệnh trừng phạt của EU, bao gồm các hạn chế về bảo hiểm.
Việc mua dầu thô của Nga do các công ty EU vận chuyển và xuất khẩu sang các nước thứ ba được cho phép, nhưng theo những thay đổi trong các biện pháp trừng phạt đối với Nga có hiệu lực hôm 22/7, các khoản thanh toán liên quan đến các lô hàng đó sẽ không bị cấm.
Trong tuyên bố hôm 22/7, với quan điểm tránh mọi hậu quả tiêu cực có thể xảy ra đối với an ninh lương thực và năng lượng trên toàn thế giới, EU đã quyết định gia hạn việc miễn trừ lệnh cấm tham gia vào các giao dịch đối với một số đơn vị thuộc sở hữu nhà nước, liên quan đến các giao dịch đối với các sản phẩm nông nghiệp và vận chuyển dầu.
Các nguồn tin từ các nhà giao dịch cho biết các hạn chế của EU sẽ khiến Trung Quốc và Ấn Độ mua dầu thông qua các thương nhân và dầu của Nga được vận chuyển tới các khu vực xám có bảo hiểm yếu kém về tai nạn và được vận chuyển bởi các tàu cũ hơn.
EU thảo luận về đề xuất cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt của EC
Đại sứ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels ngày 22/7 đã thảo luận về một thỏa hiệp cho thỏa thuận theo đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) rằng tất cả 27 quốc gia EU phải cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt, sau khi có sự phản đối rộng rãi của các chính phủ.
Chủ tịch EC Ursula von der Layen đã đề xuất mức sử dụng khí đốt thấp hơn 15% kể từ tháng Tám tới và kéo dài cho đến tháng 3/2023 để chuẩn bị cho việc cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga. Các mục tiêu ban đầu sẽ là tự nguyện, nhưng sẽ trở thành bắt buộc nếu EC tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Các nhà ngoại giao quốc gia EU nêu quan ngại về đề xuất ngay sau khi nó được công bố hôm 20/7, trong khi Bồ Đào Nha cho biết đã "hoàn toàn chống lại" kế hoạch và Hungary tuyên bố họ đang nói chuyện với Nga về việc mua thêm khí đốt.
EU đặt mục tiêu giảm 2/3 sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga vào cuối năm nay và thoát hoàn toàn khỏi khí đốt Nga từ nay đến năm 2027. Điểm mấu chốt chính là liệu EC có quyền ban bố tình trạng khẩn cấp và cắt giảm chỉ tiêu bắt buộc hay không.
Theo một đề xuất của Cộng hòa Séc, quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, EC nên chỉ đơn giản là đề xuất cắt giảm bắt buộc mà theo đó chính phủ các nước thành viên EU sẽ quyết định cụ thể.
Theo EC, mặc dù có một cuộc tranh luận, nhưng nhu cầu cắt giảm tiêu thụ khí đốt đã rõ ràng. Vấn đề năng lượng có thể nhanh chóng trở thành một vấn đề kinh tế lớn hơn.