“Cam kết chính trị của chúng tôi trong việc trở thành lục địa trung hòa với khí hậu (tức đạt được lượng khí thải carbon dioxide thuần bằng 0) đầu tiên vào năm 2050 giờ đây là một cam kết pháp lý. Luật khí hậu đặt EU trên một con đường xanh cho một thế hệ”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết vào sáng 21-4.
Theo thỏa thuận tạm thời đạt được sau khi các quan chức đàm phán suốt đêm 20-4, EU cũng đưa ra cam kết đạt mục tiêu trung gian là vào năm 2030, sẽ cắt giảm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với năm 1990.
Thành viên Nghị viện châu Âu Peter Liese cho biết: “Đã đến thời kỳ cao điểm cho thỏa thuận, vì châu Âu phải thể hiện vị trí của mình trước những động thái tích cực của Mỹ và Trung Quốc”.
Mục tiêu đưa ra ban đầu là cắt giảm phát thải 40% vào năm 2030, nhưng dưới áp lực ngày càng có nhiều bằng chứng về biến đổi khí hậu và các cử tri có ý thức về môi trường hơn, con số này đã được nâng lên 55%, mặc dù cơ quan lập pháp EU đã muốn đạt mục tiêu cao hơn là 60%.
Mỹ, quốc gia gây ô nhiễm lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, đang chuẩn bị công bố mục tiêu mới về cắt giảm khí thải nhà kính vào năm 2030.
Dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ đã quay trở lại Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu và tất cả các đối tác toàn cầu sẽ họp tại Glasgow, Scotland vào cuối năm nay để thúc đẩy các mục tiêu mạnh mẽ.
Cả Mỹ và Liên minh châu Âu đều hướng tới mục tiêu "trung hòa carbon" vào giữa thế kỷ, một mục tiêu mà các nhà khoa học cho rằng cần đạt được để giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng trên 2 độ C vào năm 2100.
Mục tiêu tham vọng hơn của Hiệp định Paris là giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp. Để thực hiện điều này có thể sẽ đòi hỏi sự cắt giảm khí thải trên toàn thế giới mạnh mẽ hơn nữa.
Thỏa thuận trên của EU vẫn cần được các quốc gia thành viên và Nghị viện châu Âu chính thức thông qua, nhưng đó chỉ là hình thức.