Phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EP) tại thành phố Strasbourg (Pháp), bà Leyen nhấn mạnh: “Hiện chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng trước tình huống tiếp tục gián đoạn nguồn cung khí đốt và thậm chí cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga".
Chủ tịch EC cho biết, Ủy ban đang thảo luận kế hoạch khẩn cấp của châu Âu và sẽ công bố vào cuối tuần tới, theo đó bảo đảm khí đốt sẽ được cung cấp cho những nơi có nhu cầu cấp thiết nhất trong trường hợp nguồn cung bị cắt đứt hoàn toàn.
Theo bà Leyen, hàng chục nước thành viên đã bị ảnh hưởng của việc giảm hoặc cắt hoàn toàn các nguồn cung khí đốt sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Tháng 6 vừa qua, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua quy định nhằm bảo đảm công suất dự trữ khí đốt tại EU.
Cụ thể, các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất trên lãnh thổ của các quốc gia thành viên phải được lấp đầy ít nhất 80% công suất trước khi bắt đầu mùa đông 2022-2023, và đến 90% trước khi bắt đầu giai đoạn mùa đông tiếp theo.
Ở cấp độ chung, EU sẽ phấn đấu đạt mức lấp đầy 85% tổng công suất các kho chứa khí đốt dưới lòng đất vào năm 2022.
Việc thông qua quy định trên là bước đi quan trọng nhằm tăng cường an ninh nguồn cung năng lượng cho EU trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine.
Cùng ngày 6/7, Giám đốc điều hành Công ty vận hành hệ thống khí đốt GTSOU (Ukraine), ông Sergiy Makogon cho biết, nước này hiện có khoảng 11 tỷ m3 khí tự nhiên trong cơ sở lưu trữ dưới lòng đất, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của chính phủ là 19 tỷ m3.
Ông nêu rõ, Ukraine đã sử dụng khoảng 30 tỷ m3/năm vào thời gian trước xung đột Nga-Ukraine, song ông dự kiến lượng tiêu thụ sẽ giảm xuống mức 21-22 tỷ m3/năm trong thời gian tới.
Ông Makogon cảnh báo, mùa đông này có thể sẽ là thời điểm khắc nghiệt nhất trong lịch sử của đất nước, đồng thời cho rằng Ukraine cũng cần tự chuẩn bị phương án dự phòng cho kịch bản châu Âu ngừng mua khí đốt của Nga trong tương lai.