Đã có một thời, khắp làng Mã Châu vắng hẳn khung cảnh người dân ươm tơ, dệt lụa. Từ đầu làng đến cuối xóm, chỉ duy nhất ông Trần Hữu Phương, Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt lụa Mã Châu vẫn bám trụ với nghề dù gặp nhiều khó khăn.
Nhận thấy cha mình đã kiên định, dành cả đời say mê từng nong tằm, thớ lụa, chị Trần Thị Yến (31 tuổi) quyết định quay về tiếp nối nghề của cha. Một phần khác, chị muốn dùng những kiến thức quản trị kinh doanh học được để chung sức vào việc phục hồi danh tiếng lụa Mã Châu.
Ông Phương là một thợ giỏi về sản xuất vải lụa, tuy nhiên để sản phẩm đến được tay người dùng và lan tỏa câu chuyện văn hóa thì là cả một câu chuyện dài. Chị Yến nói: "Cùng hỗ trợ cha tìm đầu ra cho sản phẩm, khi quay trở lại tiếp xúc với tơ tằm, tôi dần hiểu hơn về nó, dường như bên trong sợi tơ tằm cũng có linh hồn! Có một sức hút nào đó đã giữ chân tôi từ năm 2014 cho đến hiện tại".
Qua từng ngày, chị Yến nhận được từ ông Phương một tình cảm gắn bó đặc biệt với lụa. Bây giờ, một ngày tuyệt vời nhất đối với cô gái trẻ này là được tận tay kiểm tra từng trục tơ, tấm vải vừa hoàn thiện. Nhiều người tự hỏi, lụa Mã Châu làm thế nào để cạnh tranh được với những sản phẩm lụa ở nơi khác? Cha con chị Yến đã trả lời câu hỏi ấy khi tìm ra được đặc trưng riêng của sản phẩm truyền thống này từ chính nền văn hóa địa phương cùng nét mộc mạc, thẳng thắn của người dân đất Quảng. "Lụa Mã Châu thô, mộc nhưng bền chắc như tính cách thật lòng của người miền trung mình vậy", chị Yến khẳng định.
Để tạo ra một tấm vải lụa theo đúng truyền thống ở làng Mã Châu, người thợ cần trải qua khoảng 20 công đoạn kỳ công từ khi trồng cây dâu, nuôi tằm, ngâm ủ tơ, phơi nắng, ủ dầu oliu tăng độ chắc cho tơ tằm… cho đến lúc tấm lụa nằm ngay ngắn trên kệ. Trong suốt quá trình đó không thể bỏ qua hoặc đi nhanh bất kỳ một công đoạn nào. Có được cảm giác hơi mát nhè nhẹ trên bề mặt lụa Mã Châu là từ nguyên tắc không được dùng hóa chất can thiệp vào quá trình sản xuất.
Hành trình những ngày đầu với chị Yến khi đó như một "trang giấy trắng". Từng ngày dài cặm cụi đi theo các cô chú lớn tuổi trong làng học dệt, chị Yến dần hiểu rõ hơn tính khác biệt trong sản phẩm lụa Mã Châu, đồng thời nhận ra những thuận lợi, khó khăn trong quá trình sản xuất. Hàng loạt câu hỏi như vì sao bề mặt lụa bị nhăn, vì sao lụa có những vệt sáng óng ánh… thôi thúc cô gái trẻ khám phá. Nhiều mảnh ghép thông tin được chắp nối dần trở thành một tổng thể ý thức nghề, trải nghiệm nghề hoàn chỉnh, khoa học.
"Càng nghiên cứu sâu về con tằm, mảnh tơ, tôi càng ngẫm ra nó không vô tri vô giác như khi xưa mình nghĩ. Sự "nhạy bén" của tơ tằm là thật, bởi khi mùa hè chúng ta mặc vào sẽ có cảm giác mát, mùa đông thì tạo hơi ấm, đó là tính điều nhiệt của tơ tằm. Khi chúng ta chưa cảm nhận vùng tăng nhiệt độ của cơ thể thì tấm vải lụa đã cảm nhận được và điều hòa một cách phù hợp, tạo sự thoải mái khi mặc. Nếp nhăn nheo trên bề mặt lụa không phải là điểm yếu mà chính là "sự hy sinh" của lụa dành cho người mặc…", chị Trần Thị Yến cho biết.
Với mục tiêu đưa sản phẩm lụa Mã Châu đến gần hơn với nhu cầu của thị trường, hiện nay, xưởng sản xuất lụa của cha con ông Phương có 3 sự thay đổi gồm tăng kết cấu sợi của lụa, cơ giới hóa máy dệt để mở rộng khổ vải và đưa những mẫu mã, hình ảnh họa tiết hiện đại lên nền tấm lụa truyền thống.
Theo đó, mỗi tháng tại xưởng xuất bán khoảng 3.000m vải lụa ra thị trường. Thời gian gần đây, xưởng dệt liên kết với người dân ở xã Điện Quang (thị xã Điện Bàn) và xã Duy Châu (huyện Duy Xuyên) tổ chức trồng cây dâu để nuôi tằm quanh năm, bảo đảm vùng nguyên liệu ổn định cho dây chuyền sản xuất lụa.
Là một phần trong đề án phát triển lụa Mã Châu, từ khi mới trở về cùng làm lụa với cha, chị Yến đã xây dựng lộ trình đón khách tham quan, trải nghiệm làng nghề, tạo ra một điểm du lịch cộng đồng cho cả những người dân trong làng cùng tham gia. Bằng những câu chuyện văn hóa của vùng đất Duy Xuyên, thông qua cầu nối là tấm vải lụa đã thu hút nhiều nhóm khách đến tìm hiểu, xem từng công đoạn để cho ra tấm lụa truyền thống.
Ông Trần Hữu Phương cho rằng nếu để làm giàu bằng nghề này thì sẽ có nhiều hướng đi khác nhanh và ít vất vả hơn. Tuy nhiên, tâm nguyện thật sự của ông là xây dựng, cải tiến và phục hồi lại danh tiếng làng nghề truyền thống này.
Ông Phương luôn mong muốn người dân ở làng Mã Châu cùng quay trở lại sống bằng nghề dệt lụa như xưa. Hành trình đó đang dần trở thành hiện thực khi người dân trong làng chứng kiến những nhóm du khách tìm về xem con tằm nhả tơ, sợi lụa óng ánh. Niềm tin về một sinh kế bền vững sẽ là động lực cho cả làng cùng giữ nghề.