Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã tạo ra "cú huých" tại nhiều địa phương trong phát triển hạ tầng, xây dựng nguồn nhân lực đón chờ vận hội.
Vai trò hạt nhân của tổ chức cơ sở đảng
Nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đặt ra mục tiêu xây dựng 3 công trình trọng điểm và 3 chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị vùng kinh tế trọng điểm. Giai đoạn 2025 đến 2030, tỉnh sẽ hoàn thiện các công trình trọng điểm, xây dựng hệ thống giao thông kết nối liên vùng tới các sân bay, cảng biển, cửa khẩu quốc tế.
Nhiều địa phương phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên vận động quần chúng nhân dân. Lực lượng này thường xuyên bám sát cơ sở, xử lý những vướng mắc, mâu thuẫn ngay khi mới phát sinh.
Huyện nông thôn mới Cần Đước nằm trong hành lang chiến lược phía đông của tỉnh, đang trong quá trình mở rộng không gian đô thị, phấn đấu đến năm 2030 thị trấn Cần Đước trở thành đô thị loại III tạo điểm nhấn thu hút đầu tư trở thành vùng phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và đô thị.
Để thực hiện mục tiêu này, các địa phương đang khẩn trương tu bổ, xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp, và môi trường văn minh đô thị. Huyện ủy ban hành nhiều chỉ thị về nâng cao năng lực lãnh đạo của đảng ủy và vai trò bí thư đảng ủy cơ sở xã, thị trấn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về sử dụng đất, trật tự xây dựng. Xã Tân Ân là một thí dụ.
Đảng ủy xã đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng thực hiện hiệu quả chương trình hành động xây dựng thành công nông thôn mới và đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến nay 100% tuyến đường trục chính trên địa bàn xã đã được rải nhựa, đường liên ấp được bê-tông hóa mở rộng 13 m. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả giúp tăng thu nhập trung bình đạt hơn 65 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,5%.
Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Ân Nguyễn Thị Tuyết Sương cho biết, các tổ chức cơ sở đảng đã phát huy vai trò hạt nhân trong khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội, qua đó quá trình vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước diễn ra thuận lợi.
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Cần Đước Ngô Văn Tiếng cho biết thêm, không chỉ Tân Ân mà 16/16 xã trên địa bàn huyện đều coi trọng việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức cơ sở đảng trong đoàn kết cộng đồng, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, chủ động có những chỉ đạo sát với tình hình thực tế địa phương.
Quá trình thực hiện chủ trương mở rộng các tuyến đường góp phần giúp huyện Cần Đước phá thế "vùng sâu" do địa hình kẹp giữa hai con sông Cần Giuộc và Vàm Cỏ, qua đó mở ra nhiều cơ hội thu hút vốn đầu tư tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đóng trên địa bàn huyện.
Hiện, huyện có 4 khu công nghiệp và 10 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích hơn 1.200 ha có tỷ lệ lấp đầy đạt 86%. Đến giữa nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Cần Đước nâng cấp mở rộng đường tỉnh 830 qua xã Long Định, cùng với 10 tuyến đường liên thôn, ấp trực tiếp góp phần vào kết quả đạt được 16/17 chỉ tiêu đề ra.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoàng Đình Cán cho biết: Mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và tình hình biến động trên thế giới (GRDP của năm 2021 là 0,95%), tỉnh quyết tâm giữ chỉ tiêu tăng trưởng GRDP như Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra là 9,2% đến 10%.
Tỉnh đã ban hành một loạt văn bản chỉ đạo toàn hệ thống chính trị thực hiện tốt hơn nữa các giải pháp căn cơ của địa phương. Trong đó, tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị và tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng chất lượng đội ngũ đảng viên.
Theo đó, phương thức lãnh đạo cần sát thực tiễn, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Đảng bộ giữ vững 100% ấp, khu phố có chi bộ và chi ủy bởi đây chính là cầu nối, kịp thời giải quyết nguyện vọng chính đáng của đảng viên và nhân dân.
Huyện Cần Đước xây dựng các công trình trọng điểm. |
Rút ngắn khoảng cách phát triển
Từ thành phố Tân An ngược theo hướng tây bắc lên huyện biên giới Đức Huệ, chúng tôi được tham quan một trong những tuyến đường huyết mạch nối miền đông với miền tây mà người dân Long An gọi vui là "xa lộ Đồng Tháp Mười"-Tỉnh lộ 816. Con đường này mới được thông tuyến cách nay chừng 3 năm song đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế rất lớn cho người dân sinh sống quanh "vựa lúa" Đồng Tháp Mười và các xã biên giới.
Đường 816 có nhiều đoạn song song với sông Vàm Cỏ Đông và kênh Bo Bo nguyên là tuyến giao thông chủ yếu thuở trước. Mặc dù chỉ cách trung tâm tỉnh 60km nhưng trước đây huyện Đức Huệ luôn được ấn định là "vùng sâu, vùng xa". Mỗi lần lên công tác tại huyện Đức Huệ, cán bộ thường mất một tuần vì phải đi lại bằng ghe, thuyền. Ruộng đất huyện Đức Huệ đa phần nhiễm phèn, mặn. Từ ngày Tỉnh lộ 816 được nâng cấp, mở rộng, cùng với việc cải tạo thủy lợi, kinh tế huyện đã khởi sắc nhờ quá trình chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, cải tạo đất.
Theo Quy hoạch tỉnh Long An giai đoạn 2021-2030, huyện Đức Huệ nằm trên 1 trong 6 trục động lực kinh tế của tỉnh. Hai năm 2021, 2022, huyện thu ngân sách nhà nước đạt lần lượt là 100 tỷ đồng và 200 tỷ đồng. Đến tháng 6/2023 huyện đã thu 213 tỷ đồng. Phần lớn số tiền thu ngân sách nhà nước này đến từ việc người dân có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất tăng nhanh.
Con số này có thể chưa phản ánh đúng về tình hình phát triển kinh tế địa phương song cũng cho thấy kỳ vọng rất lớn của người dân vào tương lai phát triển của huyện. Thực tế, tiềm năng của Đức Huệ rất lớn, và cũng dễ nhận biết bởi huyện nằm cạnh hai khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh là Đức Hòa và Bến Lức. Ngay trên địa bàn huyện cũng được quy hoạch 1
khu công nghiệp và 1 cụm công nghiệp. Cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây trong tương lai cũng sẽ được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế. Huyện sẽ có một hệ thống giao thông đa dạng kết nối với đường vành đai 4, Thành phố Hồ Chí Minh và Cảng quốc tế Long An.
Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Đức Huệ, Tạ Hồng Trang cho biết: Đảng bộ huyện có 2.360 đảng viên, hằng năm đều xây dựng kế hoạch, tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất vào những lĩnh vực, vấn đề nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực. Các cuộc kiểm tra, giám sát đều có kết luận, rút kinh nghiệm và chỉ đạo kịp thời chấn chỉnh nhằm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Đảng bộ huyện Đức Huệ không có tổ chức cơ sở đảng không hoàn thành nhiệm vụ.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đức Huệ Hồ Minh Phương chia sẻ: Hiện, huyện còn khó khăn trong thu hút cán bộ, do là huyện biên giới, chế độ đãi ngộ chưa hấp dẫn. Song, huyện cũng đề ra phương hướng cho từng giai đoạn để bảo đảm nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, sát với điều kiện thực tiễn trong hệ thống chính trị ở cơ sở.
Trong nhiều cuộc tiếp xúc với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, lãnh đạo tỉnh Long An thẳng thắn thừa nhận một trong những điểm yếu của tỉnh là nguồn lực con người, nhất là trong giai đoạn tăng tốc đầu tư phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực theo Quy hoạch tỉnh Long An giai đoạn 2021-2030. Tỉnh đã ban hành nghị quyết về đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp tỉnh.
Qua 2 năm triển khai, tỷ lệ lao động qua đào tạo tỉnh đạt 73,35%, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt 500 cán bộ, công chức đào tạo sau đại học, đào tạo cao cấp lý luận chính trị 352 đồng chí. Toàn Đảng bộ tỉnh có 51.439 đảng viên, trong đó tuổi dưới 40 đạt tỷ lệ hơn 46%, có trình độ đại học và trên đại học hơn 45%. Cùng với chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút, giữ chân người tài, đây sẽ là yếu tố bảo đảm phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.