Những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tại các cảng cá Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định); cảng Đông Tác, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) hay cảng cá Hòn Rớ, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) nhộn nhịp hẳn. Riêng sau Tết đến nay, tại ba tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên có 1.171 tàu cá về bến nặng khoang, cùng niềm vui của ngư dân sau chuyến đi biển xuyên Tết hiệu quả, được mùa, được giá.
Niềm vui đầu mùa
Chủ tịch Hiệp hội nghề cá xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang Mai Thành Phúc cho biết, những năm trước, mỗi tấn cá ngừ đại dương được thu mua với giá từ 100 đến 110 triệu đồng. Năm nay, mỗi tấn cá có giá mua từ 150 đến 160 triệu đồng. Đây là mức giá cao nhất trong gần 10 năm qua.
Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, có khoảng 126 tàu cá đăng ký tham gia đánh bắt thủy sản trên biển trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. Nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm khai thác, đón Tết trên biển, từ giữa tháng Chạp năm Tân Sửu, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa vận động các doanh nghiệp hỗ trợ nhiều suất quà Tết, áo phao và cờ Tổ quốc để trao tặng ngư dân; mong muốn bà con chấp hành tốt các quy định khi đánh bắt trên biển, cùng ngành thủy sản sớm tháo gỡ thẻ vàng của EC, nâng cao sản lượng đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu thủy sản.
Tại Phú Yên như mọi năm, bắt đầu từ mồng 4 Tết là tàu cá ngừ cập bến. Gặp chúng tôi trên bến cảng Đông Tác, thuyền trưởng Phạm Hoan, chủ tàu PY96308 TS ở phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa cho biết: Sau hơn 20 ngày khai thác và đón Tết cổ truyền trên biển, tàu cá của ông đánh bắt được hơn 2,3 tấn cá ngừ đại dương. Sau khi khấu trừ chi phí, 5 ngư dân trên tàu mỗi người có thu nhập hơn 10 triệu đồng.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên Đào Lý Nhĩ, thời điểm đón Tết Nguyên đán, Phú Yên có tổng số 185 tàu cá với 925 ngư dân có mặt trên biển. Truyền thống của bà con là vừa đón Tết cổ truyền giữa biển khơi, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc vốn là nét đẹp truyền thống của ngư dân các tỉnh có lợi thế về nghề câu cá ngừ đại dương.
Nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân tỉnh Bình Định mấy ngày qua cũng tấp nập cập cảng cá Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn để bán cá ngừ đại dương cho thương lái. Ông Lý Văn Trí, trú phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn, chủ tàu cá BĐ 98486 TS cho biết, tàu của ông có công suất 734 CV, khai thác ở ngư trường Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng cùng 5 bạn thuyền vừa trở về câu được 39 con cá ngừ đại dương. “Tàu của tôi vươn khơi từ ngày 22/1 đến 9/2, chuyến biển đầu năm cũng thuận lợi, tạo thu nhập cho bạn thuyền. Giá cá đợt này ổn định 150 nghìn đồng/kg, với 39 con cá ngừ trong chuyến này, bán được 250 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí, mỗi bạn thuyền được hơn 16 triệu đồng. Chuyến biển đầu năm nay thu nhập khá hơn các năm trước”.
Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn Nguyễn Chí Công, trong Tết Nhâm Dần, ngư dân thị xã Hoài Nhơn có 1.140 tàu với 6.800 lao động bám biển, chiếm 54% tổng số tàu cá khai thác xa bờ. Tính đến thời điểm này, các tàu cá của ngư dân địa phương đã cập cảng. Hầu hết, các tàu cá khai thác từ 40 đến 50 con cá ngừ. Với giá hiện tại, mỗi tàu cá thu lãi từ 70 đến 200 triệu đồng, ngư dân rất phấn khởi.
Nâng giá trị cá ngừ đại dương
Khai thác cá ngừ là thế mạnh của nghề biển ở ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, rất nhiều tàu cá khai thác cá ngừ đại dương của ngư dân ngừng ra khơi. Phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phần do thiếu nhân công lao động, chi phí cao, trong khi sản lượng đánh bắt thấp nên các tàu không lãi nhiều, thậm chí lỗ.
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, với kịch bản phục hồi kinh tế chung, các tỉnh đã chú trọng vực lại sớm lĩnh vực khai thác biển, trong đó có nghề khai thác cá ngừ đại dương.
Vấn đề đang đặt ra là nghề khai thác cá ngừ vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Ngư dân còn đánh bắt đơn lẻ, dịch vụ hậu cần nghề cá chưa phát triển, vốn vay cho tàu đánh bắt cá ngừ ít, thời gian trả vốn lại ngắn nên đã cản trở rất nhiều đến năng lực khai thác. Bên cạnh đó, việc tổ chức khai thác, thu mua, chế biến còn nhiều hạn chế, nhất là công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch khiến chất lượng không bảo đảm, chỉ 5 đến 6% cá ngừ câu tay và chỉ 30 đến 40% cá ngừ câu vàng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu bằng đường hàng không. Mặt khác, người khai thác cá ngừ mới chỉ quan tâm đến năng suất để tăng thu nhập và lợi nhuận, chưa quan tâm đến nhu cầu của thị trường để tăng giá trị sản phẩm.
Trước thực trạng này, các địa phương đã và đang có nhiều giải pháp tích cực để phát triển nghề khai thác cá ngừ bền vững và xây dựng thương hiệu cá ngừ Việt Nam trên thị trường xuất khẩu. Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đã phối hợp Công ty TNHH Thực phẩm Mãi Tín (doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản, trụ sở tại tỉnh Khánh Hòa) xây dựng dự án chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá ngừ đại dương Bình Định. Mục tiêu của dự án nhằm tiến tới xây dựng chuỗi liên kết bền vững, sản phẩm cá ngừ đại dương có đầu ra ổn định, giá bán cao. Ngoài việc tăng thu nhập cho ngư dân, dự án còn hướng đến nâng giá trị nhãn hiệu “Cá ngừ đại dương Bình Định”, tạo nguồn nguyên liệu chất lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu của doanh nghiệp.
Một sự kiện quan trọng liên quan phát triển nghề khai thác cá ngừ đại dương của Việt Nam, đó là cuối tháng 11/2021 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính, UBND tỉnh Phú Yên đã ký thỏa thuận hợp tác với phía Nhật Bản về việc phát triển thủy sản. Theo thỏa thuận này, Phú Yên sẽ hợp tác với Tập đoàn Kiyomura của “vua cá ngừ Nhật Bản” Kiyoshi Kimura để phát triển thủy sản, nhất là tổ chức và phát triển sản phẩm cá ngừ đại dương, mở ra cơ hội cho nghề khai thác cá ngừ tại địa phương.
Trao đổi về chiến lược phát triển nghề khai thác cá ngừ, đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho biết: Phú Yên là một trong những nơi xuất phát của nghề câu cá ngừ đại dương, tỉnh sẽ tận dụng, phát huy cao nhất mọi tiềm năng sẵn có. Thời gian tới, Phú Yên sẽ triển khai hàng loạt các giải pháp mang tính căn cơ. Trong đó, giải pháp nâng cao chất lượng cá ngừ được chú trọng đúng mức, như: Cải tiến công nghệ khai thác và bảo quản trên tàu, nâng cao tay nghề cho thuyền viên, liên kết theo tổ đội sản xuất trên biển để rút ngắn thời gian chuyến biển, liên kết giữa đội tàu với doanh nghiệp thu mua, chế biến để bảo đảm chuỗi giá trị bền vững, các bên cùng có lợi. Các cơ quan, ban, ngành của tỉnh sẽ cố gắng hỗ trợ cao nhất cho ngư dân thông qua việc bảo đảm các điều kiện luồng lạch, cửa biển, cảng cá, dịch vụ hậu cần tốt nhất, nhanh nhất, thuận lợi nhất nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, giảm thất thoát sau thu hoạch.
“Trước mắt, tỉnh Phú Yên đã thành lập hợp tác xã khai thác cá ngừ đại dương công nghệ cao. Để góp phần vào việc khôi phục, phát triển nghề câu cá ngừ đại dương, Phú Yên đang mời gọi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư liên kết khai thác, tiêu thụ sản phẩm. Mới đây, UBND tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Kiyomura Nhật Bản để phát triển thủy sản, đặc biệt là phát triển sản phẩm cá ngừ đại dương. Hợp tác xã Cá ngừ công nghệ cao Phú Yên vừa được thành lập sẽ là đơn vị hạt nhân để có thể kết nối, hợp tác phát triển cá ngừ đại dương, khắc phục được những bất cập của nghề khai thác cá ngừ lâu nay, xây dựng thương hiệu cá ngừ Việt Nam giúp nâng cao giá trị cá ngừ, nâng cao thu nhập cho ngư dân, góp phần tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh...” - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết.