Đừng xem thường bệnh Zona

Đừng xem thường bệnh Zona

Bệnh Zona đôi khi là sự tái hoạt của siêu vi trùng gây bệnh thủy đậu (trái rạ) đã nhiễm từ lúc còn trẻ thơ. Zona có thể lan truyền qua các giọt nước được phóng thích từ đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp từ các dịch tiết ở mụn nước của bệnh…

Ngứa, nóng rát... coi chừng bệnh Zona

Thời kỳ tiền phát ban: người bệnh cảm thấy ngứa, cảm giác nóng bỏng ở vùng da khoảng 4-5 ngày. Có thể kèm theo đau bụng, nhức nửa đầu.

Giai đoạn phát ban: xuất hiện một vài mụn nước đan chéo nhau, chạy thành đường trên nền da hồng. Mụn nước nhanh chóng phát triển, có thể rải rác hay kết lại thành chùm, có màu vàng chanh sau vài ngày chuyển màu đục (mủ). Mụn nước thường chạy thành hàng theo hướng của thần kinh ở một bên cơ thể. Giai đoạn mụn nước sẽ tiến triển trong khoảng 7 ngày rồi chuyển qua giai đoạn mụn nước bể và đóng mày, vảy sau khoảng 2-3 tuần.

Các biểu hiện khác: bệnh có thể ảnh hưởng tới mắt gọi là ophthalmic zoster do siêu vi trùng tấn công gây tổn thương các dây thần kinh số 5 và số 3 gây ra các biểu hiện như loét giác mạc, tăng nhãn áp thứ phát và hoại tử cấp võng mạc. Nếu dây thần kinh số 7 bị tổn thương, người bệnh có thể có biểu hiện liệt nửa mặt.

Các biến chứng thường gặp của bệnh Zona

Đau sau Zona là biểu hiện thường gặp ở người lớn tuổi, các cơn đau thường kéo dài nhiều tháng, nhiều năm sau khi các tổn thương ngoài da đã lành.

Nhiễm trùng: các mụn mủ có thể liên kết lại với nhau tạo nên một đám mày lớn và sâu dẫn tới nhiễm trùng, khi khỏi có thể gây sẹo thậm chí trở thành sẹo tăng sinh hay sẹo lồi (tùy vào cơ địa của mỗi người).

Khi nghi ngờ mắc bệnh Zona, không nên đi khám ở các thầy lang, không nên đắp đậu xanh lên vùng da bị tổn thương vì đó chính là nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng. Hãy đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán chính xác và điều trị đúng thuốc sẽ tránh được các biến chứng không đáng có.

Điều trị bệnh

Về điều trị, trước hết là diệt virus. Đây là bước quan trọng nhất trong điều trị để ngăn chặn sự phát triển của bệnh. Cần điều trị bằng thuốc kháng virus ngay sau khi phát bệnh để có được hiệu quả điều trị cao nhất. Có thể sử dụng các thuốc kháng virus: Intreferon (có tác động làm thoái hóa nucleotide tận cùng của ARNt làm virus không nhân lên được); Acyclovir (có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus bằng cách làm sai lạc quá trình nhân lên chuỗi ADN của virus).

Hiện nay, còn có một loại thuốc kháng virus mới chiết xuất từ lá xoài là Mangoherpin, vì có nguồn gốc từ thiên nhiên nên ít có tác dụng phụ hơn các hoạt chất kháng virus tổng hợp. Cùng với diệt virus là dùng thuốc giảm đau, có thể uống Aspirin, Paracetamol hoặc thoa thuốc thoa tại chỗ để giảm đau. Nâng đỡ thể trạng bằng các vitamin nhóm B, C.