“Đúng việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh": Hành trình tự vấn để làm người

Đọc sách:

“Đúng việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh": Hành trình tự vấn để làm người

NDO - Cuốn sách của nhà giáo Giản Tư Trung có tên đầy đủ là “Đúng việc-Một góc nhìn về câu chuyện khai minh” do Nhà xuất bản Tri thức ấn hành lần đầu năm 2015. Sau nhiều năm, cuốn sách vẫn tiếp tục tạo ra hiện tượng xuất bản và thu hút công chúng với 12 lần tái bản liên tục từ đó cho tới nay.

“Đúng việc-Một góc nhìn về câu chuyện khai minh” đã đồng hành sâu sắc cùng hành trình tự vấn của mỗi người, dù đó là ai trong suốt chặng sống của mình. Đúng như tác giả bày tỏ, “mục đích của cuốn sách này là để gợi mở và tranh luận chứ không chứ không phải để kết luận và thực hiện, để đặt vấn đề chứ không phải giải quyết vấn đề, để đặt ra câu hỏi nhằm tìm kiếm câu trả lời chứ không phải để khẳng định một chân lý…”

Và bằng cách đặt ra câu hỏi “trúng”, câu hỏi trọng tâm cho hành trình của đời người trong tất thảy những vai trò ta mang, trong mối quan hệ với chính bản thân, với gia đình, đất nước…, tác giả để người đọc tự mình tìm, thấy và lựa chọn cho mình cách sống với một nguyên tắc giản dị: “Đúng việc”.

“Đúng việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh": Hành trình tự vấn để làm người ảnh 1

Sách có 4 phần: Làm người; Làm dân; Làm nghề; Làm giáo dục. Mỗi phần có những mục nhỏ đi thẳng vào những vấn đề thiết thực quanh trục chính thế nào là “đúng việc”. Đó là “Làm người là… làm gì?”, “Làm thế nào để có được năng lực làm người?”, “Tại sao phải bàn về làm dân?”, “Làm việc cũng là làm người”, “Nhà trường”, “Nhà giáo”, “Gia đình”, “Người học”…

“Ta là sản phẩm của chính mình”

Cuốn sách mở đầu bằng những câu chuyện quanh việc “làm người”-điều tưởng hiển nhiên với những ai đã được sinh ra trên đời. Tác giả cũng không đi vào cung cấp một định nghĩa toàn vẹn mà hướng vào trọng tâm của ý nghĩa làm người, từ đó chỉ ra một trong những điều giúp cho con người trở nên khác biệt chính là “lẽ sống”, và sau nữa có một “lẽ” khác chỉ có con người mới hiểu và mới chiến đấu vì nó, đó là “lẽ phải”. Để có được giá trị xuyên suốt, vượt thời gian này và làm người đúng nghĩa thì cần trang bị cho mình “túi văn hóa” và “túi chuyên môn” bên cạnh “túi vật chất” (dường như đang trở thành túi tham, vô độ).

Nhưng hành trình làm người là hành trình tự vấn không ngừng nghỉ và cuộc sống loài người là cuộc sống cũng đầy những mâu thuẫn, giằng xé. Bằng ngòi bút sẻ chia và cái nhìn đa chiều, giàu tương tác, nhà giáo Giản Tư Trung dẫn dắt câu chuyện cơ bản “Làm người” tới việc nhận ra “Ta là sản phẩm của chính mình”. Trong đó mô hình quản trị cuộc đời ta có 5 cấu phần: Tìm ra chính mình; Khai phóng bản thân; Giữ được chính mình; Sống với chính mình, Làm ra chính mình.

“Đúng việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh": Hành trình tự vấn để làm người ảnh 2

Trong sự vận động nhanh chóng và dữ dội của đời sống, con người không khỏi hoang mang vì ý nghĩa sự sống và việc lựa chọn cách sống của mình để có được hai chữ “hạnh phúc”.

Cuốn sách này chỉ ra một cách giản dị lối ra cho những loay hoay vốn thấy của đời người: “Làm cho ra người, làm cho ra việc rồi thì sẽ ra tiền”. Và “khi làm ra tiền thì có hạnh phúc cấp độ 1, khi làm ra việc thì được quý trọng, có hạnh phúc cấp độ 2, còn khi làm cho ra người thì được là chính mình, đó là hạnh phúc cấp độ 3”.

Đọc kỹ phần “Làm người” rồi thì các phần sau đều có sự sáng tỏ, đó là “Làm dân”, “Làm nghề”, “Làm giáo dục”. Trên cái nền của việc biết “làm người”, thì những “vai” khác ta mang về thực chất đều là sự phóng chiếu của việc “làm người”. Vì thế, “Một con người tự do và một công dân có trách nhiệm của một xã hội văn minh sẽ sẵn lòng nhận lấy trách nhiệm tự thân của mình mà không cần biết là người khác có yêu cầu hay ghi nhận gì không…”.

Cũng từ đây, tác giả đưa ra nhiều nội dung liên quan chặt chẽ khác để hướng đến việc làm người, làm dân trọn vẹn như mối quan hệ “dân trí”, “dân quyền”, “dân sinh”…

“Đúng việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh": Hành trình tự vấn để làm người ảnh 3

Làm việc cũng là làm người”

Với tác giả thì “Không có ý niệm cân bằng giữa công việc và cuộc sống, bởi công việc chính là cuộc sống và làm cũng là sống.”

Từ đây trong phần “Làm nghề”, tác giả phân tích những nghề nghiệp cụ thể với cách đặt vấn đề đối trọng. Đó là Quản trị hay cai trị?; Doanh nhân, trọc phú hay con buôn?; Trí thức hay trí nô?; Ca sĩ hay thợ hát?... Những câu chuyện làm nghề cụ thể, thiết thực được đặt ra trong phân tích đa chiều. “Vậy thì quan chức, công chức nên là gì trong mối quan hệ với dân?”.


Nhiều thí dụ thực tế từ đời sống, cùng những chia sẻ của nhà giáo Giản Tư Trung thực sự khiến mỗi người có thêm dữ liệu để tự mình làm một cuộc tổng hợp, cho ra lựa chọn của riêng mình.


Và rằng: “Suy cho cùng, cái tên chỉ là cái tên. Dù được gọi bằng cái tên gì-người đày tớ, người phục vụ, người bán hàng…, tất cả cũng như trở thành vô nghĩa nếu như người công chức không cảm nhận được sứ mệnh thiêng liêng trong công việc phục vụ nhân dân của mình….”.

“Đúng việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh": Hành trình tự vấn để làm người ảnh 4

Nói về trí thức, nhà giáo Giản Tư Trung thẳng thắn: “Có thể hình dung ba điều kiện để hình thành một con người trí thức, đó là (1) “sự hiểu biết” (có trí); (2) thức tỉnh xã hội”; và (3) “vì mục đích cao quý” (hướng xã hội đến cái đúng và cái đẹp, hướng xã hội đến cái chân-thiện-mỹ”. Nếu không hội đủ ba điều kiện này thì hoặc là “trí ngủ”, hoặc là “trí dỏm”, hay “trí gian”…

Nhiều nghề khác cũng được đề cập dưới góc nhìn sắc sảo của tác giả, để đôi khi nhận thấy những điều tưởng như nghịch lý: “Nhưng không phải lúc nào người cảnh sát, công an làm đúng việc của mình cũng được thương, được quý”.

Và cuối cùng công việc của người cảnh sát theo tác giả là phải trả lời cho câu hỏi bảo vệ “cái gì”?. Ở đây chính là bảo vệ pháp luật, với tinh thần “trọng luật mà có tình” chứ không phải là “trọng tình mà phá luật”…

Nhiều thí dụ thực tế từ đời sống, cùng những chia sẻ của nhà giáo Giản Tư Trung thực sự khiến mỗi người có thêm dữ liệu để tự mình làm một cuộc tổng hợp, cho ra lựa chọn của riêng mình. Sau cùng là từ sự thấu hiểu đó mà kiên định cách sống làm người, làm dân, làm nghề, làm giáo dục đúng đắn mà mình được chọn.

back to top