Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhận thấy năng lực của đội ngũ cán bộ, chưa toàn diện, có mặt còn hạn chế, yếu kém. Đặc biệt “không ít cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường”(2). Có thực trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là cán bộ ta còn chưa quán triệt tốt phương châm “đúng vai, thuộc bài” trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Chúng ta đều rõ, “Đúng vai” nghĩa là phải thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, làm đúng chức năng, quyền hạn, phận sự, không bỏ sót việc nào; cũng không lấn sân, không lộng quyền, không lạm quyền, không làm thay công việc của người khác nhưng cũng không bỏ bê công việc của mình; không “đá bóng” cho người khác giải quyết công việc mà mình đảm nhận; không buông lỏng quyền hạn và trách nhiệm mà Đảng và nhân dân giao phó.
“Thuộc bài” nghĩa là phải hiểu biết công việc mà mình đảm nhận, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về công việc mà mình phụ trách; có hiểu biết, nắm chắc đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách toàn diện để chủ động thực hiện có hiệu quả chức trách nhiệm vụ được giao; không làm sai, không làm trái pháp luật; không vi phạm các quy định của Đảng đối với cán bộ, đảng viên.
Người cán bộ là đảng viên còn phải “thuộc bài” về những điều đảng viên không được làm để chấp hành cho đúng nguyên tắc, yêu cầu của Đảng. “Thuộc bài” của cán bộ còn có nghĩa là phải am hiểu văn hóa, phong tục, tập quán, đạo lý dân tộc của nhân dân nơi mình công tác để làm tốt công tác dân vận của Đảng và Nhà nước.
Giữa “đúng vai” và “thuộc bài” ở người cán bộ có quan hệ, liên hệ, ảnh hưởng, bổ sung lẫn nhau. Nếu một người cán bộ mà “nhầm vai”, “không đúng vai” thì sẽ không thực hiện được và không thể hoàn thành được chức trách, nhiệm vụ được giao dù có am hiểu chuyên môn, nghiệp vụ, hiểu biết công việc nghĩa là dù có “thuộc bài”.
Ngược lại, nếu người cán bộ “đúng vai” nhưng không “thuộc bài”, tức là không am hiểu công việc, không am hiểu chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của bản thân; không am hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì cũng không thể hoàn thành được chức trách, nhiệm vụ được giao. Vì vậy, để hoàn thành tốt công việc được giao thì người cán bộ phải đồng thời thực hiện và quán triệt tốt phương châm “đúng vai, thuộc bài”.
Thực tế cho thấy, đã có một số cán bộ vì chưa thực hiện đúng phương châm “đúng vai, thuộc bài” cho nên mắc phải khuyết điểm, làm sai, làm trái chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm các quy định của Đảng dẫn tới bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Không phải ngẫu nhiên mà trong Bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày 9/12/2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại một lần nữa yêu cầu: “Cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn luôn có ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình, làm “đúng vai, thuộc bài”, thật sự có chất lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin yêu, quý trọng” (3).
Để tăng cường nhận thức và quán triệt tốt phương châm “Đúng vai, thuộc bài” ở đội ngũ cán bộ, chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, quán triệt, thực hiện đồng bộ và hiệu quả trên thực tế Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về những điều đảng viên không được làm và Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.
Đồng thời, thực hiện tốt yêu cầu của Đại hội XIII “Đẩy nhanh tiến độ ban hành các luật trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước, thực hiện tốt chức năng của Nhà nước”(4).
Trong đó, cần tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo và cá thể hóa trách nhiệm từng cấp, từng ngành, từng chức danh lãnh đạo, cần làm rõ hơn nguyên tắc về phân định thẩm quyền (phân cấp, phân quyền, ủy quyền); quy định cụ thể nguyên tắc và thẩm quyền ủy quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; các vấn đề liên quan phân cấp, phân quyền và ủy quyền… Đây là cơ sở để mỗi cán bộ hiểu rõ chức trách, nhiệm vụ, quyền, nghĩa vụ và thực hiện tốt phương châm “đúng vai, thuộc bài”.
Thứ hai, tổng kết thực tiễn, rà soát hệ thống văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc của các cấp ủy; quy chế phối hợp công tác giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể để phân định rõ chức năng lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm thực thi của chính quyền các cấp để mỗi cán bộ, đảng viên không bị “nhầm vai”, “nhầm sân”, “lấn sân” nhằm ngăn ngừa khả năng không “đúng vai”, không “thuộc bài” ngay từ đầu.
Đồng thời, tăng cường cá thể hóa trách nhiệm - sự phân định rành mạch, rõ ràng trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cá nhân trong bộ máy, nhất là trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu.
Thực hiện được cá thể hóa trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng chức danh lãnh đạo trong bộ máy Đảng cũng như bộ máy nhà nước sẽ góp phần chấm dứt tình trạng “cha chung không ai khóc”, “nhầm vai”, người này đùn đẩy công việc, trách nhiệm cho người kia; bộ phận này, tổ chức này đùn đẩy, “đá” trách nhiệm cho tổ chức kia, không chịu thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Đến lúc xảy ra hậu quả thì không biết tìm ai giải quyết.
Thực hiện cá thể hóa trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng chức danh lãnh đạo trong bộ máy còn khiến cho mỗi cán bộ phải nỗ lực hết mình vì công việc, có trách nhiệm với công việc. Quan trọng hơn là qua đó, thực hiện tốt phương châm “đúng vai, thuộc bài” và trên cơ sở đó hiệu quả công việc cũng như chất lượng cán bộ sẽ được tăng lên.
Thứ ba, từng bước hoàn thiện quy chế quan hệ công tác giữa các cơ quan trong bộ máy Đảng và bộ máy hành chính nhà nước. Để thực hiện giải pháp này cần hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa các ban của Đảng, giữa các cơ quan trong ban và giữa các cơ quan của các ban Đảng khác nhau.
Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa các bộ, ngành, các tổ chức trực thuộc các bộ, ngành, địa phương và cơ cấu tổ chức của các cấp chính quyền địa phương; khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ theo hướng một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính.
Sớm hoàn thiện quy định về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, của HĐND và UBND các cấp trên cơ sở các định hướng của Trung ương; tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương các cấp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tiễn trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Làm tốt công tác này thì từng cán bộ sẽ có cơ sở, căn cứ để thực hiện tốt phương châm “đúng vai, thuộc bài”.
Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu và phát huy tinh thần chủ động, tích cực của mỗi cán bộ, công chức. Cần tiếp tục “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo dựa trên cơ chế cạnh tranh về tuyển dụng, chế độ đãi ngộ và đề bạt; có phẩm chất đạo đức tốt và bản lĩnh chính trị vững vàng.
Quy định rõ và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; có cơ chế khuyến khích, khơi dậy tinh thần cống hiến vì đất nước, tạo động lực và áp lực để mọi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, tận tụy phục vụ nhân dân; có cơ chế bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Cải cách cơ bản chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức”(5).
Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của cán bộ trong việc tự học tập, tự rèn luyện nâng cao hiểu biết về chuyên môn, nghiệp vụ, chức trách, nhiệm vụ được giao cũng như chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; phong tục, tập quán, truyền thống, đạo lý văn hóa dân tộc nơi địa bàn được phân công phụ trách để trên cơ sở đó thực hiện tốt phương châm “đúng vai, thuộc bài”.
Thứ năm, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương châm “đúng vai, thuộc bài” của từng cấp ủy, từng cấp chính quyền, từng ngành, từng chức danh lãnh đạo, từng cá nhân cán bộ. Cải tiến, đổi mới quy trình, phương pháp, kỹ năng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương châm “đúng vai, thuộc bài” của từng cấp, từng ngành, từng chức danh lãnh đạo, từng cá nhân cán bộ bảo đảm khách quan, dân chủ, khoa học, đồng bộ, thống nhất.
Trong đó, chú ý tập trung vào cơ chế, biện pháp để chủ động phát hiện sớm nhằm phòng ngừa, ngăn chặn hiện tượng “nhầm vai”, “sai vai”, “không thuộc bài” hoặc “đúng vai nhưng không thuộc bài”,v.v. Phối hợp chặt chẽ giữa Thanh tra nhà nước với công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật của Đảng. Có chế độ khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh trong thực hiện phương châm “đúng vai, thuộc bài” của từng cấp ủy, chính quyền, từng ngành, từng chức danh lãnh đạo, từng cá nhân cán bộ.
(1) Nguyễn Phú Trọng. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật. Hà Nội, 2022, tr.370.
(2) Nguyễn Phú Trọng. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Sđd.tr.341.
(3) Nguyễn Phú Trọng. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Sđd.tr.379.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật. Hà Nội, 2021, tập 1, tr.284-285.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Sđd, tập 1, tr.288.