Mới đây, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 39-KL/TW ngày 18/7/2022 về chủ trương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Kết luận đánh giá: Sau 15 năm triển khai thực hiện Đề án 165 đã đạt được kết quả tích cực, hoàn thành mục tiêu đề ra; tổ chức được nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài phù hợp, thiết thực với từng nhóm cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Phần lớn cán bộ có ý thức nghiên cứu, học tập, cập nhật được kiến thức mới, phát triển năng lực công tác, vận dụng kiến thức, kinh nghiệm được đào tạo bồi dưỡng vào thực tiễn công tác. Quá trình thực hiện Đề án 165 đã xây dựng được mạng lưới hợp tác với nhiều cơ sở đào tạo, chuyên gia có uy tín trong nước và ngoài nước, góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Tuy nhiên, cũng theo Kết luận số 39-KL/TW, việc thực hiện Đề án 165 còn một số hạn chế, bất cập như: Việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa sát thực tế; trùng lắp đối tượng với chương trình hợp tác nước ngoài khác; nội dung bồi dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng chưa cao; một số nơi chưa phát huy nội dung đào tạo, bồi dưỡng; một số cán bộ chưa vận dụng được kiến thức đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
Để góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị chủ trương tiếp tục tổ chức bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước trong giai đoạn mới. Vấn đề đặt ra là cần tiến hành đổi mới, nâng cao chất lượng công tác này theo hướng đào tạo có trọng tâm, trọng điểm để vừa cập nhật kiến thức, phương pháp, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, vừa nâng cao năng lực và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp.
Bộ Chính trị đưa ra mục tiêu trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, mỗi năm cử đi nước ngoài khoảng 400 cán bộ; bồi dưỡng trung hạn khoảng 40 cán bộ; bồi dưỡng ngắn hạn 250 cán bộ; bồi dưỡng ngoại ngữ 120 cán bộ. Từ năm 2026 đến năm 2030, mỗi năm cử đi nước ngoài bồi dưỡng khoảng 500 cán bộ, gồm bồi dưỡng trung hạn khoảng 50 cán bộ; bồi dưỡng ngắn hạn khoảng 300 cán bộ; bồi dưỡng ngoại ngữ khoảng 150 cán bộ.
Để công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đạt hiệu quả, Kết luận số 39-KL/TW nêu rõ: nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu đối với công tác bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài; nêu cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo Đề án, các cấp ủy, tổ chức đảng, các ban, bộ, ngành, địa phương trong triển khai; đổi mới nội dung, phương thức tổ chức bồi dưỡng thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm cán bộ khác nhau; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế về tổ chức, hoạt động, đối tượng, tiêu chuẩn, chế độ, chính sách, công tác quản lý Đề án, quản lý và bảo vệ cán bộ khi bồi dưỡng ở nước ngoài phù hợp giai đoạn mới…