Đừng quên phòng virus HPV cho cả trẻ em nam và nữ

NDO - Virus HPV lưu hành với tỷ lệ rất cao ở cả nam và nữ, trong đó nam giới có mức cao hơn với 91% so với nữ giới là 85% khiến cho nguy cơ mắc bệnh luôn hiện hữu.
0:00 / 0:00
0:00
Tiêm vaccine phòng virus HPV.
Tiêm vaccine phòng virus HPV.

Đừng bỏ qua phòng virus HPV cho nam giới

Bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho hay, virus HPV có thể gây ra bệnh ung thư cổ tử cung cho nữ và ung thư hầu họng, hậu môn... ở nam giới.

Virus HPV tồn tại ở trên da, hầu họng, bộ phận sinh dục và hậu môn, chủ yếu lây truyền qua đường tình dục, ngoài ra có thể lây truyền qua việc sử dụng chung dụng cụ sinh thiết, đồ lót hoặc có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở.

"Theo thống kê, virus HPV lưu hành với tỷ lệ rất cao ở cả nam và nữ, trong đó nam giới có mức cao hơn với 91% so với nữ giới là 85% khiến cho nguy cơ mắc bệnh luôn hiện hữu.

Hiện nay, ở nam giới, chưa có biện pháp tầm soát, sàng lọc nào phát hiện được các bệnh ung thư do HPV gây ra, khi triệu chứng bệnh rõ ràng thì tình trạng sức khỏe đã trở nên nguy hiểm", bác sĩ Chính cho hay.

Bác sĩ Bạch Thị Chính nhấn mạnh, các nhà khoa học cũng phát hiện ra nam giới có tỷ lệ thải loại HPV ra khỏi cơ thể thấp hơn 26% so với nữ giới. Chính vì vậy, độ lưu hành HPV ở đường sinh dục của nam cao hơn nữ ở mọi lứa tuổi.

Hiện cũng chưa có loại thuốc điều trị đặc hiệu đối với virus HPV. Ngoài ung thư cổ tử cung thì 5 bệnh ung thư còn lại do HPV chưa có biện pháp sàng lọc.

Bên cạnh đó, Cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới), MSM (Cộng đồng nam quan hệ đồng giới) vẫn còn ít biện pháp bảo vệ, nguy cơ cao lây nhiễm và mắc các bệnh nguy hiểm do HPV.

Đừng quên phòng virus HPV cho cả trẻ em nam và nữ ảnh 1
Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh tốt nhất.

Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh tốt nhất

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Công Định, Giám đốc cơ sở 2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết, hiện nay, tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung ở Việt Nam rất cao. Theo các tài liệu y khoa, ung thư cổ tử cung là ung thư tiến triển chậm thường do virus HPV gây ra, lây lan qua đường tình dục.

"Điều nguy hiểm là các dấu hiệu ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm rất mơ hồ, hầu như không có triệu chứng. Virus HPV có hơn 100 tuýp khác nhau, nhưng chỉ một số tuýp có nguy cơ cao gây ung thư, trong đó tuýp 16 và 18 là nguyên nhân dẫn đến 70% trường hợp mắc ung thư cổ tử cung. Tỷ lệ nhiễm loại virus này ở phụ nữ rất cao, độ tuổi dễ nhiễm nhất là 20-30", bác sĩ Định cho hay.

Về phương pháp tầm soát và điều trị vẫn còn nhiều khó khăn nhất định. Các bệnh lý nguy hiểm như ung thư dương vật, ung thư hậu môn, ung thư hầu họng rất khó khăn trong điều trị, nhiều di chứng, tỷ lệ di căn cao.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam, ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc ung thư cổ tử cung và 11 trường hợp tử vong.

Trước khi có sự xuất hiện của vaccine Gardasil 9 thì phòng ngừa HPV chưa được quan tâm ở phái nam, trong khi nam giới chưa có bất kỳ biện pháp tầm soát phát hiện các bệnh lý ung thư liên quan đến HPV.

Vì thế, bác sĩ Chính đặc biệt nhấn mạnh, nam giới có thể gặp nhiều nguy hiểm hơn nữ giới khi nhiễm virus HPV do chưa được bảo vệ bằng vaccine, và chưa nhận thức đủ về nguy cơ ung thư khi nhiễm HPV, nên không chủ động phòng ngừa.

Vaccine Gardasil 9 thế hệ mới nhất phòng được 9 tuýp virus HPV (thay vì 4 tuýp như trước) mới có mặt ở Việt Nam được xem là loại vaccine có khả năng phòng bệnh ung thư cổ tử cung hiệu quả, ngoài ra còn phòng ngừa được các bệnh ung thư hầu họng, ung thư trực tràng, kể cả bệnh lý sùi mào gà cho cả nam và nữ.

"Vaccine thế hệ mới Gardasil 9 được chỉ định sử dụng cho cả nam và nữ, bảo vệ khỏi 9 tuýp virus HPV 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58 gây các bệnh nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn, ung thư hầu họng, sùi mào gà… hiệu quả lên đến trên 94%. Tác dụng phụ của vaccine này không đáng ngại, nên phụ huynh không cần phải lo lắng", bác sĩ Chính nhấn mạnh.

Vì thế, chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh hoàn toàn nên tiêm cho con, cả bé trai và bé gái, bởi vaccine này đã được CDC Hoa Kỳ thông qua và nhiều nước trên thế giới đã tiêm.

Độ tuổi tốt nhất để tiêm loại vaccine này cho cả nam và nữ từ 14-26. Dù đã tiêm phòng nhưng sau 21 tuổi, những phụ nữ này vẫn nên đi sàng lọc ung thư cổ tử cung. Khi nữ giới đã bị ung thư cổ tử cung, vẫn nên tiêm vaccine 9 tuýp để phòng mắc các tuýp còn lại.