Với tổng ngân sách 400 nghìn USD dành cho ba năm, từ 2019 đến 2021, hợp tác nhằm đưa ra các bằng chứng có chất lượng giúp xây dựng chính sách, chương trình giải quyết gánh nặng bệnh tật liên quan đến HPV và tạo điều kiện mở rộng chương trình tiêm chủng vắc-xin HPV tại Việt Nam phù hợp với các ưu tiên của ngành y tế địa phương.
Bên cạnh đó, tích cực truyền thông, vận động dựa trên bằng chứng nhằm khuyến khích các bên có liên quan cấp quốc gia và địa phương trong giải quyết gánh nặng bệnh tật liên quan đến HPV, gồm có tạo điều kiện và hỗ trợ mở rộng quy mô tiêm chủng vắc-xin HPV. Cùng với đó là hỗ trợ xây dựng lộ trình quốc gia về tiêm chủng vắc-xin HPV tại Việt Nam.
Bà Astrid Bant, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh, ký kết này khẳng định những nỗ lực to lớn của Cục Y tế Dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE), UNFPA và MSD nhằm hướng tới việc triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin HPV trên phạm vi toàn quốc. Tại Việt Nam, theo con số ước tính về ung thư cổ tử cung được thực hiện năm 2018, mỗi ngày có 12 trường hợp mắc mới và có bảy phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung. Con số tử vong này cao gấp hai đến ba lần số ca tử vong do các biến chứng liên quan tới thai sản khi mang thai và sinh con. Trên phạm vi toàn cầu, số ca tử vong do ung thư cổ tử cung lớn hơn nhiều so với số ca tử vong do các nguyên nhân như HIV, lao và sốt rét cộng lại.
Vắc-xin Papilloma (HPV) được công bố lần đầu tiên năm 2006. Các kết quả nghiên cứu đã chứng minh rằng, tiêm chủng vắc-xin HPV cho trẻ em gái mang lại chi phí hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa ung thư cổ tử cung. Đây là thực tế ở 156 quốc gia, trong đó có Việt Nam và 10 quốc gia khác tại khu vực Đông - Nam Á.
Ở Việt Nam, trong giai đoạn 2007-2008, NIHE và tổ chức Path đã triển khai thành công một dự án thí điểm trong hai năm nhằm mục đích thử nghiệm các chiến lược phân phối vắc-xin HPV. Kết quả của dự án thử nghiệm này cho thấy, cả hai chiến lược cung cấp vắc-xin tại trường học và tại phòng khám đều đạt mức độ bao phủ rất cao (hơn 96% và 98%). Tuy nhiên, do thiếu nguồn lực, các kinh nghiệm rút ra từ dự án này chưa được nhân rộng.
Năm 2015, Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch Hành động quốc gia về phòng ngừa và kiểm soát ung thư cổ tử cung trong giai đoạn 2016-2025. Đây chính là định hướng và cơ sở để cải thiện/nâng cao tỷ lệ tiếp cận với vắc-xin HPV. Tuy nhiên, độ bao phủ trong tiêm chủng vắc-xin HPV ở Việt Nam hiện vẫn còn thấp.
Nữ Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho hay, một trong những trở ngại chính trong mở rộng chương trình tiêm chủng vắc-xin HPV là thiếu ngân sách quốc gia trong thực hiện chương trình. Chi phí của vắc-xin HPV trên thị trường hiện còn rất cao; giá vắc-xin hiện tại dao động từ 45 - 100 USD/liều tùy thuộc vào cơ sở cung cấp. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn có cơ hội áp dụng cơ chế mua sắm cho phép tiếp tục mua vắc-xin HPV với mức giá ưu đãi - mức giá mà Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) đã đưa ra - 4,5 USD /liều trong giai đoạn từ nay tới năm 2025. Một số tỉnh, thành phố đã có nguồn lực trong việc hỗ trợ giải pháp này.
Theo bà Astrid Bant, cùng với UNFPA, Cục Y tế Dự phòng và NIHE đã rất tích cực trong các công tác tuyên truyền vận động trong triển khai vắc-xin tại năm tỉnh trong giai đoạn đầu là Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Cần Thơ và Đồng Tháp.
Trong sáng kiến này, sẽ đề xuất áp dụng một cơ chế tài chính và mua sắm mới, sử dụng ngân sách tỉnh sau khi được Hội đồng Nhân dân tỉnh phê duyệt, sẽ được chuyển lên và gộp chung vào ngân sách của Bộ Y tế sau đó sẽ được Trung tâm Mua sắm tập trung quốc gia sử dụng để mua sắm vắc-xin HPV theo phương thức tập trung thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).
Hỗ trợ của MSD sẽ giúp đẩy nhanh các công việc trong giai đoạn chuẩn bị để có thể thực hiện việc triển khai cung cấp vắc-xin HPV tại năm địa phương đã lựa chọn vào năm 2021.
Ung thư cổ tử cung tiếp tục là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong đối với phụ nữ. Nhiễm HPV là nguyên nhân tiên phát gây ung thư cổ tử cung, cướp đi sinh mạng của hơn 300 nghìn phụ nữ mỗi năm trên toàn cầu. 85% trong số này sống ở các quốc gia đang phát triển.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính đến năm 2030, số ca tử vong do ung thư cổ tử cung dự kiến sẽ tăng lên 443 nghìn người trên toàn cầu, gấp đôi số ca tử vong dự đoán do các biến chứng liên quan đến thai kỳ. Tử vong do ung thư cổ tử cung có chi phí điều trị cao, có thể gây ảnh hưởng lớn đến các nguồn lực kinh tế gia đình. Chi phí toàn cầu để chữa trị ung thư cổ tử cung dự kiến sẽ tăng từ 2,7 tỷ USD mỗi năm trong năm 2010 lên 4,7 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.
Ung thư cổ tử cung là một trong những dạng ung thư có thể phòng ngừa và điều trị nếu được phát hiện sớm và được xử lý hiệu quả. Phòng ngừa và điều trị sớm cũng có hiệu quả cao về mặt kinh tế.