Đừng để bệnh đến từ miệng

Từ đầu tháng 3 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện hai ca mắc liên cầu khuẩn lợn. Các bệnh nhân thường có triệu chứng như: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ý thức lơ mơ… Bệnh nhân dễ nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh khác cho nên thường nhập viện muộn.
0:00 / 0:00
0:00

Bệnh liên cầu khuẩn lợn có diễn biến rất nhanh chóng, có thể gây hai thể: Thể viêm màng não mủ và thể nhiễm khuẩn huyết, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa tạng… Di chứng của bệnh liên cầu khuẩn lợn rất nặng nề, tỷ lệ tử vong cao.

Sau khi trên địa bàn Hà Nội ghi nhận hai ca mắc liên cầu khuẩn lợn, Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn số 965/SYT-NVY gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội; Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã; các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập về việc tăng cường phòng, chống bệnh liên cầu khuẩn lợn trên người.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống nhiễm liên cầu khuẩn lợn trên người; CDC Hà Nội phối hợp Chi cục Thú y thành phố nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh trên đàn lợn để chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên người; hướng dẫn và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các đơn vị liên quan giám sát, xử lý dịch bệnh liên cầu khuẩn lợn, kịp thời xử lý ổ dịch tại cộng đồng…

Sở Y tế thành phố cũng yêu cầu tăng cường tuyên truyền cho người dân về việc thực hiện bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, không ăn tiết canh và các loại thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn; bảo đảm vệ sinh cá nhân, thực hiện bảo hộ lao động cần thiết khi tiếp xúc, chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt lợn; thực hiện thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng.

Theo các bác sĩ, vi khuẩn liên cầu lợn thường cư trú ở đường hô hấp trên, nhất là ở mũi, ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn. Ðường lây nhiễm có thể thông qua đường tiêu hóa do người bệnh ăn tiết canh, thịt sống hoặc qua vết thương trầy xước từ da, niêm mạc của người tiếp xúc với máu, dịch tiết, thịt lợn sống… Việc lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn chủ yếu xảy ra ở những người có thói quen ăn các sản phẩm tươi sống từ lợn; hoặc những người trực tiếp giết mổ lợn, chế biến thịt lợn.

Lâu nay, nhiều người có thói quen ăn tiết canh, hoặc ăn các loại nem mà thịt lợn chỉ được làm tái. Ngành y tế cũng như nhiều cơ quan chức năng khác thường xuyên tuyên truyền về tác hại của việc không ăn chín, uống sôi. Các vật nuôi sống trong môi trường không sạch sẽ, ngoài bệnh liên cầu khuẩn lợn, còn có thể mang nhiều mầm bệnh khác nếu không được chế biến chín. Cần nhấn mạnh rằng, liên cầu khuẩn lợn không phải là loại bệnh mới có trong cộng đồng và cũng không thuộc nhóm bệnh dễ lây nhiễm, hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu có thói quen ăn chín, uống sôi; hoặc chú ý vệ sinh đối với người giết mổ, chế biến thịt gia súc, gia cầm. Ðừng để bệnh đến từ miệng.