Ðùn đẩy trách nhiệm do chồng chéo chức năng quản lý thực phẩm

Pháp luật và thực tiễn

Các văn bản luật và chính sách vì thế cũng được điều chỉnh theo lĩnh vực liên quan từng khái niệm riêng ấy. Các bộ chức năng lại chính là các cơ quan soạn thảo các chính sách luật đó, vì thế việc chồng chéo không bao giờ dứt, nhưng trách nhiệm đối với các vụ việc bức xúc lại không phải của... ngành ta!?

Các cơ quan Kiểm dịch thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) chỉ nhận trách nhiệm về việc kiểm dịch sâu hại đối với thực vật, trong khi mọi sản phẩm thực vật đã qua chế biến công nghệ như cà-phê, ngũ cốc và chỉ cần có một kết luận rằng, sản phẩm không có mối mọt, còn việc có bị ô nhiễm các chất có hại cho sức khỏe thế nào thì thuộc về Bộ Y tế. Còn các sản phẩm động vật đóng hộp đã qua chế biến tiệt trùng như thịt hộp, sữa bột,... không thể gây dịch cho gia súc, gia cầm thì không cần kiểm dịch thú y mà chỉ cần kiểm tra về dư lượng thuốc thú y, vi sinh vật, chất bảo quản và chất lượng, ghi nhãn,... thuộc trách nhiệm Bộ Y tế, nhưng vẫn thuộc danh mục sản phẩm động vật phải qua kiểm dịch thú y. Vì vậy, các doanh nghiệp nhập khẩu phải chịu hai lần kiểm tra: kiểm dịch thú y và kiểm tra chất lượng hàng hóa. Trong khi đó, các sản phẩm động vật tươi, sống thuộc danh mục nói trên sẽ phải được kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh về dư lượng thuốc thú y, các chất ô nhiễm khác thì trách nhiệm đối với sức khỏe người tiêu dùng đáng lẽ phải thuộc về Bộ NNPTNT lại thuộc về Bộ Y tế. Nước mắm hay các sản phẩm sản xuất từ thủy sản được quản lý bởi các Trung tâm kiểm tra chất lượng và vệ sinh thủy sản, nhưng công bố chất lượng các sản phẩm mắm từ thủy sản lại do ngành khoa học - công nghệ hoặc ngành y tế chứng nhận công bố tiêu chuẩn về chất lượng, bao gồm cả vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp thủy sản phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của cả ba ngành trên. Phải chăng với các ngành, việc chồng chéo chức năng là tại Quốc hội, Chính phủ phân công thế, còn việc bỏ sót không phải của ta và việc trốn kiểm tra là... của doanh nghiệp?

Chính sách tương lai?

Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa vừa được Quốc hội khóa 12 thông qua. Lần đầu trong lịch sử tư pháp Việt Nam, quản lý chất lượng hàng hóa thực phẩm được thống nhất vì không tách riêng với cụm từ "vệ sinh an toàn thực phẩm" - một thuật ngữ không thể dịch ra tiếng nước ngoài mà không có chữ "và" hoặc dấu "phẩy" ở giữa hai thuật ngữ "vệ sinh" và "an toàn". Các nghị định và pháp lệnh trước đây liên quan chất lượng hàng hóa đều tách riêng "chất lượng" và "vệ sinh an toàn thực phẩm" như là hai lĩnh vực không thể thống nhất quản lý cho một sản phẩm. Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm đã được ban hành theo cách hiểu nôm na và chuyển thể y nguyên như văn nói là vì các bộ không muốn ghép chất lượng với vệ sinh, an toàn hoặc ngược lại. Nhưng theo luật này, mọi hàng hóa, không tính đến tính đặc thù và mức độ nguy cơ, an toàn, đều được quản lý thông qua chứng nhận hợp chuẩn và hợp quy theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và do các cơ quan dịch vụ kỹ thuật thực hiện. Tại các nước công nghiệp phát triển, hàng hóa kinh doanh có điều kiện như thuốc, thực phẩm do Nhà nước kiểm soát, trừ việc kiểm nghiệm sản phẩm và chứng nhận GMP, HACCP đối với các cơ sở lớn có thể qua cơ quan dịch vụ kỹ thuật là bên thứ ba. Nhưng Nhà nước sẽ kiểm tra và thừa nhận cả kết quả chứng nhận của bên thứ ba để giảm tải nhiệm vụ cho chính mình. Việc chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy là quyền và quyền lợi của cơ quan dịch vụ chứ không phải nhiệm vụ, trách nhiệm đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cũng như giấy phép xây dựng, giấy phép đầu tư, đăng ký kinh doanh không chỉ là chứng nhận hợp quy. Giấy phép lưu hành hay chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm không chỉ là hợp chuẩn hay hợp quy mà còn cần đến các tiêu chí và điều kiện hợp pháp khác mà tất cả các nước nhập khẩu đều yêu cầu. Hiểu cách khác, hợp quy không phải là giấy phép mà chỉ là một điều kiện. Một xác nhận kết quả kiểm tra, kiểm nghiệm phù hợp với tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng là chứng nhận hợp chuẩn, còn phù hợp với tiêu chuẩn bắt buộc là chứng nhận hợp quy. Thế nhưng những người làm luật đã biến các khái niệm trở nên rắc rối và khó hiểu, dẫn đến nhầm lẫn giữa quyền lợi và trách nhiệm. Tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng (quy chuẩn) là cái tối thiểu cần đạt được đối với đối tượng áp dụng, còn tiêu chuẩn, quy phạm quốc tế thường cao hơn và gồm cả các điều kiện tự nguyện áp dụng và điều kiện bắt buộc áp dụng. Sắp tới, các tiêu chuẩn Việt Nam TCVN có các điều kiện tương tự hoặc đã được ban hành theo cách chuyển dịch hoàn toàn mà trở thành quy chuẩn thì doanh nghiệp sẽ không thể đáp ứng kịp và sẽ phải đình chỉ hoạt động hàng loạt. Nếu chỉ là các điều kiện, tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng thì Nhà nước không nên xây dựng, ban hành mà nên giao cho các hội, hiệp hội xây dựng và hướng dẫn áp dụng.

Vì vậy, hàng hóa đặc thù như thực phẩm phải có luật riêng để điều chỉnh chứ không thể theo các nội dung, phương thức quản lý chung chung như Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật!? Tuy nhiên, trong các văn bản luật của Việt Nam chưa có khái niệm về an toàn thực phẩm vì đến năm 1999, châu Âu mới đưa ra sách trắng về an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Theo đó, việc kiểm soát ATTP cần tách theo công đoạn của chu trình hình thành và lưu thông thực phẩm từ "trang trại đến bàn ăn": sản xuất ban đầu (chăn nuôi, trồng trọt) - lưu thông (của sản phẩm từ sản xuất ban đầu) - sản xuất hàng hóa hay chế biến (dịch vụ ăn uống và sản xuất thực phẩm bao gói sẵn) - lưu thông (của sản phẩm từ khâu chế biến). Trong đó hai khâu sản xuất cần phân công trách nhiệm riêng theo nguyên tắc "một cửa", còn hai khâu lưu thông là trách nhiệm của liên ngành.