Đức hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới Belarus

NDO -

Ngày 19/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cam kết hỗ trợ hoạt động của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) ở Belarus.

Người di cư dựng trại tạm ở Belarus, giáp giới với Ba Lan ngày 14/11/2021. (Ảnh: TTXVN)
Người di cư dựng trại tạm ở Belarus, giáp giới với Ba Lan ngày 14/11/2021. (Ảnh: TTXVN)

Theo người phát ngôn của Thủ tướng Đức, bà Merkel đã thảo luận tình hình người di cư ở Belarus với Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi và Tổng Giám đốc IOM Antonio Vitorino.

Tại cuộc thảo luận, bà đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của UNHCR và IOM đối với an ninh cũng như việc hồi hương những người di cư mắc kẹt ở Belarus.

Trong khi đó, cùng ngày, Ukraine cảnh báo người di cư đang tập trung ở biên giới Belarus nhằm tìm cách sang Liên minh châu Âu (EU) không xâm nhập lãnh thổ nước này.

Trong bối cảnh hàng nghìn người di cư đang tập trung ở biên giới Belarus nhằm tìm đường sang EU, Ukraine - vốn có biên giới với Belarus quan ngại những người di cư có thể tìm cách xâm nhập nước này, sau đó đi sang các nước EU.

Tuyên bố của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Denys Monastyrsky nêu rõ trong trường hợp lực lượng biên phòng và thực thi pháp luật bị đe dọa đến tính mạng và sức khỏe, nước này sẽ sử dụng mọi biện pháp bảo vệ phù hợp với luật pháp, trong đó có việc sử dụng vũ lực. 

Cũng trong ngày 19/11, người phát ngôn Lực lượng Biên phòng Ba Lan, Trung úy Anna Michalska cho hay lực lượng này đã bắt giữ 45 người di cư từ Belarus tìm cách vượt biên trong đêm.

Trước đó, ngày 18/11, nhà chức trách Belarus dỡ bỏ các khu lán trại tị nạn chính ở biên giới với Ba Lan, nơi người di cư đang tụ tập. Động thái này được cho là nhằm "hạ nhiệt" cuộc khủng hoảng trong những tuần gần đây giữa Minsk và EU.

Theo hãng thông tấn Belta, khoảng 2.000 người di cư đã được chuyển tới trú tại một trung tâm logistics.

Lực lượng biên phòng Ba Lan xác nhận các khu lán trại đã được dỡ bỏ ở phía biên giới của Belarus, nhưng cho biết sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình.

Căng thẳng giữa EU và Belarus đã leo thang trong thời gian gần đây. EU cáo buộc Minsk để cho dòng người di cư đến Belarus và vượt biên giới vào Ba Lan cũng như các nước thành viên khác trong liên minh nhằm đáp trả việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Belarus liên quan tình hình chính trị tại nước này.

Phía Belarus luôn bác bỏ, coi đây là cáo buộc vô căn cứ. Tổng thống Belarus Lukashenko cho rằng các nước phương Tây phải chịu trách nhiệm vì chính hành động can thiệp của những nước này đã khiến người dân tại nhiều quốc gia phải sơ tán chiến tranh.

Belarus đã đề xuất kế hoạch trong đó EU tiếp nhận 2.000 người di cư trong khi Belarus sẽ hồi hương 5.000 người khác. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Ủy ban châu Âu (EC) và Đức bác bỏ.