Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Berlin, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck (R.Ha-bếch) cuối tuần qua cho biết tình hình hiện tại nghiêm trọng, nước Đức “đang trong một cuộc khủng hoảng khí đốt”.
Theo ông Habeck, nguồn cung khí đốt cho Đức bị gián đoạn và kể từ khi Nga giảm lượng khí đốt cung cấp cho Đức qua đường ống Nord Stream 1, tình hình đã trở nên nghiêm trọng và đây là lý do Berlin cần phải kích hoạt mức báo động về khí đốt nêu trên.
Trước đó, sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Đức đã xây dựng một kế hoạch nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng khí đốt gồm 3 mức - cảnh báo sớm, báo động và khẩn cấp.
Cuối tháng 3 vừa qua, Phó Thủ tướng Habeck đã tuyên bố mức cảnh báo sớm (mức đầu tiên) của kế hoạch này, theo đó giám sát chặt chẽ hơn dòng chảy khí đốt hằng ngày và tập trung vào việc dự trữ khí đốt.
Với tuyên bố mới nhất cuối tuần qua, Chính phủ Đức đã nâng báo động về khí đốt lên mức 2, sau khi nhận thấy có nguy cơ cao thiếu nguồn cung dài hạn. Phó Thủ tướng Habeck cho rằng tình trạng thiếu khí đốt là gánh nặng lớn đối với người dân và doanh nghiệp.
Ông kêu gọi, người dân và doanh nghiệp Đức tiết kiệm khí đốt hơn nữa, cả hiện tại cũng như trong mùa đông tới. Theo ông, 41 triệu hộ gia đình ở Đức “có thể tạo ra sự khác biệt” với việc tiết kiệm tới 15% chi phí sưởi ấm. Các doanh nghiệp cũng đã giảm 8% mức sử dụng khí đốt và có thể tiếp tục giảm hơn nữa.
Bên cạnh đó, Chính phủ Đức đã chủ động chuẩn bị các cơ sở dự trữ năng lượng mới, ban hành luật và các kênh mua sắm thay thế khí đốt. Theo ông Habeck, hiện tại, Đức vẫn có thể mua đủ số lượng khí đốt cần thiết trên thị trường để lấp đầy các kho dự trữ. Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Đức là lấp đầy các cơ sở dự trữ khí đốt, đồng thời tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế và tiếp tục mở rộng năng lượng tái tạo...
Tuy nhiên, những động thái nêu trên chưa đủ bảo đảm cho kinh tế Đức “bình an vô sự” trước khủng hoảng năng lượng. Hiệp hội Công nghiệp Đức (BDI) mới đây cảnh báo rằng nền kinh tế “đầu tàu” châu Âu chắc chắn sẽ lâm vào suy thoái nếu Nga ngừng hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho Đức. Hiệp hội này cũng đã giảm mức tăng trưởng kinh tế theo dự báo của nước này trong năm 2022 từ 3,5% (đưa ra trước khi bùng phát cuộc xung đột Ukraine) xuống 1,5%.
Việc Đức tuyên bố báo động cấp 2 về khủng hoảng năng lượng trong kế hoạch khẩn cấp đang khiến các nước châu Âu lo ngại bởi Đức là nền kinh tế số 1 của “lục địa già”. Một khi nền kinh tế đầu tàu này suy giảm tăng trưởng, tăng trưởng kinh tế các nước trong khu vực cũng sẽ khó khăn.
Báo chí Đức dẫn lời Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo (A.Cru) cho biết, ông lo ngại về tình hình năng lượng ở Đức sau khi nước này thừa nhận có thể phải cắt giảm một số hoạt động kinh tế vì không có đủ khí đốt. Theo ông De Croo, Đức hiện là quốc gia duy nhất phải thừa nhận tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng như trên và nó có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền ảnh hưởng mạnh đến tất cả các nước châu Âu khác.
Nước Đức được xem là “anh cả” trong mái nhà chung EU trong nhiều thập kỷ qua. Nền kinh tế Đức từng trụ vững qua sóng gió và nước Đức đã luôn dẫn dắt châu Âu vượt qua các cuộc khủng hoảng tài chính, khủng hoảng di cư trong những năm gần đây.
Cuộc khủng hoảng khí đốt lần này đang một lần nữa thử thách vai trò lãnh đạo và sự kiên cường của Chính phủ Đức trước khó khăn. Để một lần nữa vượt qua khủng hoảng, nước Đức đang rất cần sự “kề vai sát cánh”, sự đồng thuận của tất cả các thành viên EU không chỉ trong vấn đề kinh tế mà cả trong các quyết sách tài chính, đối ngoại và quốc phòng ■