Dự kiến, trong sáu tháng cuối năm 2020, Đức sẽ phải giải quyết hàng loạt thách thức mà EU đang phải đối mặt, từ khủng hoảng do đại dịch Covid-19, đến vấn đề Brexit, khí hậu, chính sách đối với người di cư,...
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, đại dịch Covid-19 đã khiến mọi kế hoạch ban đầu của Đức thay đổi. Tuy nhiên, Berlin vẫn bám sát các mục tiêu dài hạn như bảo vệ khí hậu, số hóa, cải cách chính sách tị nạn của EU, quan hệ với Trung Quốc và Mỹ... Trọng tâm số một cần giải quyết là sớm đưa châu Âu vượt qua khủng hoảng của đại dịch Covid-19.
Để có thể phục hồi nền kinh tế, Ủy ban EU đã đề xuất một quỹ tái thiết trị giá 750 tỷ euro. Hai phần ba trong số này là dành các khoản tài trợ cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch (như Italy và Tây Ban Nha), và phần còn lại sẽ được cấp dưới dạng cho vay. Hiện các nước vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về hạn mức, điều kiện hay thời hạn cụ thể của gói cứu trợ. Đặc biệt, có bốn nước không muốn triển khai giải pháp này mà muốn thông qua con đường tín dụng là Áo, Hà Lan, Thụy Điển và Đan Mạch. Khoản tiền 750 tỷ euro nêu trên sẽ được 27 nước thành viên EU đàm phán trong ngân sách giai đoạn 2021-2027 tại cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 17-7 tới.
Ưu tiên tiếp theo của Đức sẽ là một thỏa thuận để Anh rời vĩnh viễn khỏi EU sau ngày 31-12 tới. Hiện cả EU và Anh đều cho biết không muốn gia hạn đàm phán, trong khi Brussels muốn London ra đi một cách có trật tự và quyết tâm ngăn chặn một "Brexit cứng“. Hiện hai bên còn bất đồng về nhiều vấn đề như quyền đánh bắt cá, tiếp cận thị trường nội khối EU, quyền của công dân EU tại Anh,...