Đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Thừa Thiên Huế đã và đang hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong phát triển và hội nhập quốc tế. Cùng quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tỉnh đã sẵn sàng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sau gần 5 năm quyết liệt triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và thông minh.
0:00 / 0:00
0:00
Thừa Thiên Huế định hướng phát triển đô thị có bản sắc riêng. (Ảnh HOÀNG HẢI)
Thừa Thiên Huế định hướng phát triển đô thị có bản sắc riêng. (Ảnh HOÀNG HẢI)

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 924/QÐ-TTg công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I. Tại phiên họp vào cuối tháng 9/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và biểu quyết về nguyên tắc thông qua Ðề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Phát huy giá trị di sản Cố đô

Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, địa danh Huế đã có từ lâu đời, nhưng được quy hoạch tương đối chỉn chu bên bờ sông Hương từ đầu thế kỷ XVII, sau khi chúa Nguyễn Phúc Lan chọn Kim Long để xây dựng thủ phủ của Ðàng Trong, đồng thời cho mở cảng Thanh Hà phía hạ lưu để mở rộng giao thương và tiếp nhận nguồn hàng hóa quốc tế từ cửa Hội An.

Ngay từ khi hình thành, đô thị Huế đã có quy mô lớn và được cấu trúc theo một hình thái đặc biệt, đó là đô thị song đôi với trung tâm chính trị đặt ở Kim Long-Phú Xuân và trung tâm kinh tế đặt ở Thanh Hà-Hội An. Từ năm 1744, sau khi chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi, đô thị Huế được mở rộng, nâng cấp với tên gọi mới là Ðô thành Phú Xuân.

Năm 1776, sau khi tận mắt chứng kiến quy mô hoành tráng cùng mức độ phồn thịnh, sôi động của Ðô thành Phú Xuân, Lê Quý Ðôn đã ghi lại trong sách Phủ biên tạp lục: “Dinh Phú Xuân đất rộng, bằng như lòng bàn tay, độ hơn 10 dặm, ở trong là Chính dinh, đất cao, bốn bề đều thấp, tức là chỗ nổi bật ở giữa đất bằng ngồi vị càn (tây bắc), trông hướng tốn (đông-nam), dựa ngang sống đất, trông xuống bến sông; đằng trước là quần sơn, chầu về la liệt, toàn thu nước ở bên hữu, vật lực thịnh giàu”.

Một điểm đáng lưu ý, khi ấy lăng tẩm dành cho chúa Nguyễn đã được quy hoạch ở phía tây, ở hai bên bờ thượng nguồn sông Hương. Từ đó, đô thị Phú Xuân đã được quy hoạch gắn liền với các yếu tố địa lý tự nhiên, yếu tố phong thủy rất hoàn hảo. Như vậy, đô thị Huế dưới thời các chúa Nguyễn đã có quy mô to lớn, vượt xa phạm vi, quy mô của thành phố Huế hiện nay.

“Ðến đầu thế kỷ XIX, sau khi thống nhất đất nước và chọn Huế làm kinh đô, triều Nguyễn đã kế thừa trọn vẹn ý tưởng quy hoạch đô thị có từ thời chúa Nguyễn, nhưng mở rộng quy mô hơn nhiều để kinh thành Huế xứng đáng với vị thế là kinh đô của nước Việt Nam rộng lớn nhất trong lịch sử”, ông Phan Thanh Hải nhấn mạnh.

Thừa Thiên Huế được biết đến là “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố xanh quốc gia”… Nghị quyết số 54-NQ/TW đã đề ra mục tiêu: “Ðến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”.

Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế

Ðể xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế theo mục tiêu nêu trên, tỉnh đã xác định các nội dung trọng tâm liên quan đến công tác quy hoạch cần tập trung thực hiện. Ðó là nghiên cứu mô hình phát triển, cấu trúc không gian; phân bố hệ thống đô thị gắn với tổ chức đơn vị hành chính của thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở kế thừa các đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch chung thành phố Huế...

Tổ chức không gian cho các chức năng mang tính đặc thù của Thừa Thiên Huế như trung tâm về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu của khu vực Ðông Nam Á; Trung tâm về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước; Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô; các khu vực bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đầm phá ven biển; kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị thông minh, bảo đảm sự hài hòa giữa kiến trúc với tự nhiên và đặc thù của đô thị Huế.

Đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương ảnh 1

Huế phát huy giá trị và bảo tồn hệ thống di sản đặc trưng từ Quần thể di tích Cố đô Huế. (Ảnh HOÀNG HẢI)

Khẳng định vị thế của thành phố đặc trưng

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho rằng, trong tiến trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế đã nỗ lực cao, quyết tâm lớn để triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó một trong những nền tảng quan trọng là bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Ðây là những tài sản vô giá của các thế hệ tiền nhân để lại cho hậu thế, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa, và góp phần quảng bá, tạo nền tảng cho phát triển du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội. Do đó, vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa được tỉnh xác định là nội dung quan trọng để phát huy lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng của địa phương.

“Thừa Thiên Huế có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, ngày càng khẳng định được vị thế bằng những cách làm mới, sáng tạo và khác biệt. Tỉnh đã xác định, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội phải trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh và của vùng, nhất là kết hợp hài hòa giữa di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc, phong phú với cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng”, ông Lê Trường Lưu khẳng định.

Theo Quyết định số 924/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I. Mô hình đô thị dự kiến với chín đơn vị hành chính gồm hai quận, ba thị xã và bốn huyện. Phạm vi đánh giá phân loại đô thị là toàn bộ địa giới hành chính hiện hữu của tỉnh Thừa Thiên Huế có diện tích tự nhiên là 4.947,11 km2. Trong đó, khu vực nội thành dự kiến thành lập hai quận trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, gồm toàn bộ địa giới hành chính hiện hữu của thành phố Huế, có tổng diện tích tự nhiên là 266,46 km2.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho rằng, sau nhiều năm chuẩn bị, bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hình hài của thành phố Thừa Thiên Huế trong tương lai đã lộ rõ. Theo đó, thách thức đặt ra cho tỉnh trong quá trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là phải bảo đảm điều kiện thuận lợi cho bảo tồn và phát triển đô thị di sản; giải quyết bài toán giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương; giữ được các thương hiệu mà Thừa Thiên Huế đã dày công xây dựng và định vị.

Bên cạnh đó, theo Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, đến năm 2030, Thừa Thiên Huế sẽ là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Ðông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh; đóng vai trò đô thị trung tâm kết nối trong vùng duyên hải miền trung, vùng động lực miền trung; có năng lực cạnh tranh và thương hiệu ở tầm khu vực và quốc tế...

Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Phương, Thừa Thiên Huế đã xác định phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một lợi thế đặc thù, tạo môi trường cho sự năng động, sáng tạo, đổi mới, kích thích tài năng; giảm sự phụ thuộc vào cơ chế, đồng thời góp phần gia tăng hơi thở cuộc sống hiện đại và tính bền vững của văn hóa. Chính các giá trị văn hóa Huế, từ di sản kiến trúc cung đình, cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa phi vật thể, ẩm thực, áo dài, nghề thủ công truyền thống của Huế là nguyên liệu tuyệt vời để các nhà đầu tư, doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng vào việc thực hiện công nghiệp văn hóa tại địa phương.