Để đẩy mạnh giao thương, ngày 19/1, Bộ Công thương phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến xuất khẩu thanh long sang thị trường Ấn Độ.
Thị trường rộng lớn
Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng cho biết, Ấn Độ có khoảng 1,4 tỷ dân, là quốc gia có tỷ lệ người ăn chay rất lớn nên nhu cầu tiêu thụ trái cây khá cao. Một nghiên cứu tại bang Telangana cho thấy, một người Ấn Độ tiêu thụ trung bình mỗi tháng 3kg trái cây. Nếu nhân tỷ lệ này cho cả nước sẽ là khoảng 4 triệu tấn/tháng, cả năm là 48 triệu tấn.
Nhu cầu tiêu thụ trái cây của Ấn Độ được dự báo sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Riêng về thanh long, Ấn Độ nhập khẩu 95% sản lượng từ các nước Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Sri Lanka, trong đó chủ yếu là thanh long Việt Nam.
Năm 2019-2020, xuất khẩu thanh long Việt Nam sang Ấn Độ tăng 100% so năm trước với sản lượng 11,758 nghìn tấn, kim ngạch gần 10 triệu USD. Năm 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch giảm khoảng 25%.
Tuy nhiên hiện nay Ấn Độ cũng đang mở rộng trồng thanh long tại một số bang với diện tích khoảng 3.000 đến 4.000ha, sản lượng 12.000 tấn/năm. Đáng chú ý, tháng 6/2021, Ấn Độ lần đầu tiên xuất khẩu thanh long sang thị trường Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). Điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh lớn và thách thức đối với xuất khẩu thanh long Việt Nam sang Ấn Độ thời gian tới.
“Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động giao lưu kết nối với các đối tác nhập khẩu; tham dự các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ... để chào bán sản phẩm một cách hiệu quả nhất”, ông Bùi Trung Thướng nhấn mạnh.
Chú trọng mẫu mã, bao bì, chất lượng
Theo bà Huỳnh Thúy Vy, đại diện Hội người Việt Nam tại Ấn Độ, thì một trong những chuyện tưởng nhỏ mà lớn của trái thanh long Việt Nam khi vào thị trường Ấn Độ chính là bao bì, nhãn mác. Rõ ràng là thanh long Việt Nam nhưng bao bì lại in chữ Trung Quốc nên rất nhiều người tiêu dùng thắc mắc. “Các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ nên chuyển sang bao bì ghi tiếng Anh sẽ thuận lợi hơn trong giao dịch rất nhiều”, bà Vy gợi mở.
Về vấn đề lựa chọn đối tác xuất khẩu, ông Nguyễn Quốc Duẩn, Tổng Giám đốc Công ty Song Nam ITD cho biết, song Nam đang xuất khẩu các loại thanh long ruột đỏ, tím hồng, vỏ vàng sang Ấn Độ với số lượng và chất lượng đứng đầu thị trường Ấn Độ hiện nay. Thông thường, thanh long bảo quản lạnh được 4 tuần, trừ khoảng 2 tuần đi đường biển thì đến thị trường Ấn Độ còn 2 tuần để lưu thông tiêu thụ. Do đó cần lựa chọn các đối tác có năng lực bán hàng cao để bảo đảm sản phẩm tiêu thụ nhanh, tránh hư hỏng gây thiệt hại cho cả hai bên.
Hiện nay, tại các tỉnh trọng điểm trồng thanh long của Việt Nam, sản lượng xuất khẩu sang Ấn Độ cũng chưa nhiều mà chủ yếu vẫn là xuất sang Trung Quốc. Trong điều kiện Trung Quốc đang tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong các hoạt động xuất nhập khẩu ở cửa khẩu thì thanh long Việt Nam đang chịu cảnh ùn tắc số lượng lớn. Chính vì vậy, mở hướng xuất khẩu sang Ấn Độ là yêu cầu cần thiết.
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận Biện Tấn Tài thông tin, từ năm 2018, tỉnh đã có đoàn phối hợp Bộ Công thương sang khảo sát thị trường thanh long ở Ấn Độ. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu thanh long của tỉnh sang Ấn Độ là 300.000 USD thì năm 2019 lên đến hơn 800.000 USD.
Năm 2020, 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kim ngạch giảm, tương ứng còn 337.000 USD và 328.000 USD. Hiện thanh long Bình Thuận chủ yếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, chiếm 70%, ngoài ra xuất khẩu chính ngạch sang Hàn Quốc, Singapore, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha... nhưng số lượng không nhiều. Thời gian tới, Bình Thuận muốn kết nối để đưa sản lượng lớn thanh long đến thị trường Ấn Độ.