Đưa sản vật địa phương vào kênh phân phối hiện đại

Nhằm hỗ trợ đầu ra cho sản vật địa phương, sản phẩm khởi nghiệp… nhiều siêu thị, trung tâm thương mại tại thành phố đã bố trí quầy kệ, khu vực giới thiệu sản phẩm, chia sẻ doanh thu để doanh nghiệp yên tâm bán hàng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều sản vật địa phương, sản phẩm OCOP được bày bán tại Gigamall thu hút đông khách đến mua sắm.
Nhiều sản vật địa phương, sản phẩm OCOP được bày bán tại Gigamall thu hút đông khách đến mua sắm.

Từ chỗ bán hàng trên mạng, tham gia các phiên chợ cuối tuần..., thời gian gần đây sản phẩm từ sen của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh quốc tế Đất Phú đã bày bán tại nhiều trung tâm thương mại lớn như Diamond Plaza, Takashimaya (Quận 1).

Chia sẻ tin vui, Giám đốc Công ty Đất Phú Lương Việt Chương cho biết: Tại những điểm bán này, thương hiệu chia sẻ doanh thu với trung tâm thương mại thay vì trả tiền thuê mặt bằng. Khi đưa hàng vào siêu thị, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp nhỏ thường chịu tình trạng càng bán càng lỗ do chi phí mặt bằng, chiết khấu cao. Hiện nay, một số siêu thị, trung tâm thương mại có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khá tốt, như không thu phí thuê mặt bằng, chỉ lấy hoa hồng trên doanh thu.

Cụ thể, Đất Phú đang chia sẻ 20% doanh thu với Takashimaya, Diamond Plaza lấy 22% doanh thu kèm phí quản lý 15 USD/m2. Trong khi đó, Aeon thu 10 triệu đồng cho mặt bằng 15m2, đồng thời, nếu doanh số đạt 50 triệu-100 triệu đồng thì nhận thêm 10% doanh số. “Hình thức này phù hợp với những doanh nghiệp nhỏ chưa có ngân sách để thuê mặt bằng cố định hay ký gửi vào các hệ thống siêu thị. Bên cạnh đó, chính việc chia sẻ doanh thu cũng kích thích các bên nỗ lực bán hàng”, ông Chương nhìn nhận.

Chả rươi-một sản phẩm khởi nghiệp của anh Lê Văn Hòa cũng đã góp mặt tại Gigamall (thành phố Thủ Đức) và chuỗi cửa hàng trái cây và sinh tố sạch Fruits T&T (Quận 10). Theo anh Hòa, Hợp tác xã Gia Đình dù khởi nghiệp mới ba năm nhưng đưa được “đứa con tinh thần” vào các hệ thống lớn đã là giúp các xã viên có thêm động lực chinh phục khát vọng lập nghiệp.

“Trung tâm thương mại không lấy tiền thuê mặt bằng, họ chia sẻ doanh thu khi doanh nghiệp bán được hàng đã giúp chúng tôi dễ thở hơn. Từ đó, chúng tôi dồn hết công sức để phát triển sản phẩm, đưa đặc sản chả rươi miền bắc đến với người dân miền nam, tạo thêm đầu ra cho sản vật quê hương chứ không bán thô cho Trung Quốc như trước”, anh Hòa bộc bạch.

Không chỉ các sản phẩm khởi nghiệp có cơ hội vào kênh phân phối hiện đại, mà nhiều mặt hàng OCOP (mỗi xã một sản phẩm) cũng rộng cửa vào siêu thị, trung tâm thương mại. Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt Nguyễn Ngọc Hương (huyện Củ Chi) cho biết: Các sản phẩm bột rau má, bột tía tô, bột chùm ngây, bột diếp cá, bột lá sen được công nhận OCOP 4 sao của công ty đã lên kệ hệ thống siêu thị Co.opmart.

“Bột rau sấy lạnh của công ty đã được chứng nhận OCOP, gắn sao OCOP đã được tạo điều kiện quảng bá, giới thiệu, kết nối đưa vào các hệ thống siêu thị lớn, tiếp cận người tiêu dùng. Nhờ đó, công ty thêm thuận lợi khi đưa mặt hàng này ra thế giới”, bà Hương nói.

Theo Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức, siêu thị thường xuyên thực hiện các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển nguồn hàng, nhất là tiêu thụ hàng OCOP, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều sản phẩm OCOP của nhiều địa phương đã có mặt tại các siêu thị thuộc Saigon Co.op.

Tương tự, hệ thống GO!Big C cũng dành khu vực riêng để bày bán sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương. Đại diện hệ thống cho hay, ngoài bố trí quầy kệ riêng, đơn vị còn giảm chiết khấu cho doanh nghiệp đưa nhóm hàng này vào siêu thị, thậm chí miễn chiết khấu trong thời gian đầu để hỗ trợ nhà sản xuất.

Lần đầu tiên tổ chức phiên chợ bán đặc sản địa phương, sản phẩm khởi nghiệp, OCOP trong tháng 5 vừa qua, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ Gigamall Việt Nam, Phạm Nguyễn Thái Huy chia sẻ: Rất đông khách hàng lần đầu đến ủng hộ nhưng sau đó tìm mua các sản phẩm này tại siêu thị.

Theo ông Huy, Gigamall đưa các đặc sản vùng miền, nhất là các sản phẩm có chứng nhận OCOP vào nhóm bình ổn thị trường. Hiện, nhóm hàng này chiếm từ 60-70% trong mỗi khu vực kinh doanh của Gigamall, doanh thu khá tốt. Định hướng thời gian tới sẽ mở rộng danh mục nhóm sản phẩm này.

“Siêu thị không thu tiền thuê mặt bằng mà chia sẻ doanh thu, giảm chiết khấu với đối tác kinh doanh đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP. Siêu thị cũng sẽ liên tục tổ chức những chuỗi hội chợ nông đặc sản và hỗ trợ các đơn vị có sản phẩm OCOP đưa hàng vào siêu thị, bố trí quầy kệ riêng, có nhân viên bán hàng giới thiệu sản phẩm với khách hàng...”, ông Huy khẳng định.

Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Huỳnh Minh Tú đề nghị, các siêu thị tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, kết nối tiêu thụ cho sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu... của thành phố vào hệ thống phân phối.

Các đơn vị bán lẻ cần tăng cường tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ, tạo điều kiện để các sản phẩm OCOP, nông sản... được trưng bày tại vị trí thuận lợi, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, lựa chọn sản phẩm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đinh Minh Hiệp cho biết: Đối với các sản phẩm đã được thành phố đánh giá, công nhận gắn sao OCOP sẽ tiếp tục giới thiệu, quảng bá để đông đảo người dân. Đồng thời, Sở sẽ tiếp tục đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp OCOP, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp cách xây dựng thương hiệu, phương án sản xuất, tem dán truy xuất nguồn gốc, chứng nhận VietGAP, thiết kế bao bì, xây dựng website quảng bá sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh.