Trước hết, tôi nhiệt liệt chào mừng Ngài Kishida Fumio thăm chính thức Việt Nam, thể hiện sự coi trọng của Nhật Bản trong quan hệ với Việt Nam và khu vực cũng như tình cảm tốt đẹp mà Ngài Thủ tướng dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam.
Tôi và Ngài Thủ tướng Kishida Fumio vừa có cuộc hội đàm rất hiệu quả, thực chất và thành công. Hai bên đánh giá những tiến triển tích cực trong việc triển khai các thỏa thuận cấp cao đạt được từ cuộc gặp gỡ giữa hai Thủ tướng tháng 11/2021 tại Tokyo, Nhật Bản; nhất trí cao về các phương hướng và biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” bước vào giai đoạn phát triển mới trên tinh thần “tình cảm, chân thành, tin cậy”. Hai bên đã thống nhất Bản cập nhật tiến độ hợp tác, rà soát lại việc triển khai các thỏa thuận cấp cao. Tôi xin thông báo một số kết quả chính như sau:
Một là, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản trong giai đoạn mới thực chất, hiệu quả và sâu rộng hơn nữa; nhất trí tiếp tục xác định triển khai các biện pháp cụ thể tăng cường chất lượng, quy mô hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, chính trị, an ninh quốc phòng và hợp tác trên các diễn đàn khu vực và quốc tế mà hai bên là thành viên.
Hai là, hai bên đạt bước tiến triển mới trong hợp tác hạ tầng chiến lược của Việt Nam. Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình hạ tầng giao thông hiện nay như các tuyến đường sắt đô thị và các công trình hạ tầng giao thông mới như hỗ trợ Việt Nam phát triển đường bộ cao tốc bắc-nam, tăng cường kết nối Việt Nam-Lào….
Ba là, hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác phục hồi kinh tế hậu Covid-19, tăng cường kết nối hai nền kinh tế, tăng cường chuỗi sản xuất-cung ứng, đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại, phát triển công nghiệp phụ trợ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi năng lượng…; ưu tiên triển khai các Sáng kiến mới phù hợp với quan tâm và lợi ích chung của hai bên như “Đối tác hợp tác đổi mới công nghệ”, “Tăng cường chuỗi cung ứng”, “Chuyển đổi số”.
Phía Việt Nam đang nỗ lực cùng với các chuyên gia Nhật Bản hoàn thành giai đoạn thử nghiệm biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật trên quả nhãn tươi Việt Nam trong tháng 6/2022, hướng tới mục tiêu xuất khẩu quả nhãn tươi Việt Nam sang thị trường Nhật Bản vào tháng 9/2022. Đồng thời, Nhật Bản cũng ghi nhận đề xuất của Việt Nam về việc tiếp tục mở cửa thị trường đối với các loại hoa quả khác của Việt Nam như bưởi, bơ, chôm chôm.
Ngài Thủ tướng Kishida khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Đại hội XIII đã thông qua. Chính phủ Việt Nam quyết tâm sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Nhật Bản, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản.
Chúng ta vừa chứng kiến các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước đã trao đổi các văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Đây là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của hợp tác Việt-Nhật.
Bốn là, hai bên cũng trao đổi ý kiến thực chất về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như vấn đề Biển Đông, tình hình Ukraine và các thách thức an ninh phi truyền thống….
Hai bên cam kết tăng cường phối hợp duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực; tái khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 trong các hoạt động trên biển, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
Về tình hình Ukraine: Khẳng định tôn trọng nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, nhất là các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; kêu gọi các bên kiên trì thúc đẩy đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình lâu dài. Việt Nam đã bày tỏ quan điểm toàn diện về vấn đề nhân đạo tại Ukraine; sẵn sàng đóng góp tích cực cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo, tiến trình ngoại giao, đối thoại và đàm phán. Trên tinh thần đó, Việt Nam sẽ hỗ trợ nhân đạo 500.000 USD cho Ukraine thông qua các tổ chức nhân đạo quốc tế.
Năm là, hai bên nhất trí phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản vào năm 2023 xứng tầm quan hệ; tăng cường hợp tác địa phương, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, du lịch.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác đào tạo nhân lực. Tôi đã đề nghị Ngài Thủ tướng tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cộng đồng gần 450.000 người Việt Nam tại Nhật Bản. Hai bên khẳng định sẽ hợp tác bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của cộng đồng người Việt Nam. Mong hai bên phối hợp để cộng đồng này tiếp tục phát triển ổn định, có đóng góp lớn hơn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của hai nước, góp phần là nhịp cầu hữu nghị giữa hai dân tộc.
Cảm ơn Quý vị và các bạn.
- Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản phát triển toàn diện và thực chất
- Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất
- Việt Nam và Nhật Bản nhất trí làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng
- Thủ tướng Phạm Minh Chính đón, hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio