Đưa phim lên bản vùng cao

Giữa kỷ nguyên số với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà ở nhiều bản làng khu vực biên giới Việt Nam-Lào dọc theo dãy Trường Sơn của tỉnh Quảng Bình vẫn chưa có điện lưới, chưa có sóng điện thoại, đời sống tinh thần còn thiếu thốn. Cũng bởi thế, bền bỉ nhiều năm qua, các đội chiếu bóng lưu động của Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh Quảng Bình khắc phục khó khăn, đưa phim đến chiếu ở các bản để phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số.
0:00 / 0:00
0:00
Phụ nữ và trẻ em bản Lòm, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình háo hức sắp được xem phim màn ảnh rộng.
Phụ nữ và trẻ em bản Lòm, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình háo hức sắp được xem phim màn ảnh rộng.

Một người em công tác ở Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Quảng Bình nhắn cho tôi: “Anh có lên bản xem phim màn ảnh rộng không?”. Tôi nhắn lại: “Chú đùa à, bây giờ điện thoại phủ sóng khắp nơi, người dân được hưởng nhiều tiện ích từ mạng internet thì còn ai xem chiếu phim màn ảnh rộng nữa”.

Người em nói: “Anh cứ đi cùng em sẽ biết”. Hóa ra, giữa công cuộc chuyển đổi số đang được cả nước đẩy mạnh hiện nay, bước chân của các đội chiếu bóng lưu động ở Quảng Bình vẫn chưa dừng lại, các bản làng vùng “lõm thông tin” đang đợi họ mang “ánh sáng văn hóa” tới.

Trời Quảng Bình bước sang thu mà nắng như rang và gió phơn vẫn thổi làm mọi thứ như khô cong. Ấy thế nhưng, chạm vào vùng biên giới huyện Minh Hóa, trời không còn hầm hập nóng như dưới đồng bằng. Phó Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa Lưu Văn Dũng chia sẻ, phía bạn Lào đang vào mùa mưa, biên giới thường xuyên mưa nên không khí dịu mát, về đêm càng mát hơn nên được xem phim màn ảnh rộng thì bà con thích lắm.

Tuyến đường độc đạo dài chừng 20 km nối từ Quốc lộ 12A đến các bản Cha Cáp, Dộ-Tà Vờng, Lòm có phong cảnh hữu tình với nhiều khe suối nước xanh ngắt nhưng cũng thật hiểm trở với những dốc cua tay áo một bên là vách núi, một bên là vực sâu, cùng nhiều dốc cao và ngầm tràn mà chỉ cần một trận mưa rào là tắc đường.

Đưa phim lên bản vùng cao ảnh 1

Chiếc ô-tô chiếu bóng lưu động hai cầu chở theo loa, âm ly, màn ảnh rộng, đầu chiếu phim HD khi thì nhảy dựng lên, khi thì rồ máy chuyển số để vượt dốc cao. Anh lái xe cho biết, với nghề chiếu bóng lưu động, những cung đường này đã quá quen, chỉ còn lo duy nhất một điều là bảo quản sao cho đầu chiếu phim được an toàn để phục vụ bà con.

Mới đến đầu bản Lòm, thấy xe có gắn hai chiếc loa trên trần, đồng bào đã dành sự quan tâm hơn bởi họ biết đây là xe chiếu bóng về bản phục vụ tối nay. Khi tiếng loa thông báo về buổi chiếu, nhiều trẻ em đã kéo về nhà văn hóa bản để được xem “các chú chiếu phim” làm việc.

Trên khoảng sân nhà văn hóa đã được bà con dọn rửa sạch, các cán bộ của Đội chiếu bóng lưu động huyện Minh Hóa bắt tay ngay vào công việc, người dựng cột, kéo màn, người kéo máy nổ phát điện ra phía xa, người chuẩn bị máy chiếu. Giữa khung cảnh tưởng chừng như chỉ còn trong ký ức ấy, tôi chợt nhớ lại kỷ niệm về những buổi xem phim màn ảnh rộng ở sân hợp tác chừng 40 năm trước.

Ngày ấy, đoàn chiếu phim thường về làng tôi từ đầu buổi chiều, loa thông báo là cả làng bắt đầu rộn ràng, công việc tất bật hơn để kết thúc trước 5 giờ, về ăn cơm sớm rồi đi xem chiếu bóng.

Chập tối, sân hợp tác bắt đầu đông dần, máy chiếu xè xè chạy, nào là phim truyện Việt Nam, phim về hồng quân Liên Xô..., người thuyết minh ngồi bên cạnh và xem từng trường đoạn để thuyết minh cho phim. Nhìn cảnh ấy, không ít người trong chúng tôi từng ao ước sau này lớn lên muốn làm nghề chiếu bóng để được... xem phim cho đã!

Tôi như đang “trôi” đi trong dòng ký ức thì anh Đinh Minh Hiệu, Đội trưởng Đội chiếu bóng lưu động số 1 gọi vào xem chiếu thử phim ca nhạc khi trời vừa chập choạng tối. Bản Lòm nằm sâu giữa điệp trùng của núi rừng Trường Sơn, dưới chân dãy Giăng Màn nên chưa có điện lưới, sóng điện thoại chập chờn.

Đưa phim lên bản vùng cao ảnh 2

Nguồn sáng hiếm hoi vào ban đêm là những bóng đèn năng lượng mặt trời dọc con đường chính đi vào bản được Bộ đội Biên phòng Quảng Bình tặng dịp Tết. Bà con nghe có chiếu phim nên từ rẫy trở về sớm hơn để ăn cơm rồi đi xem phim. Chúng tôi cũng tranh thủ bữa tối bằng gói mỳ tôm mang theo trong sự nhập nhoạng của ánh đèn đội đầu.

Anh Hiệu cho biết, sau hơn một năm, nay đội mới trở lại bản Lòm để chiếu phim phục vụ bà con, vì thế sự háo hức càng tăng lên. Theo quy định “cứng”, mở đầu buổi chiếu là phim ca nhạc về quê hương, đất nước, con người, rồi phim tài liệu hoặc tư liệu tuyên truyền pháp luật và sau cùng là phim truyện Việt Nam.

Hôm nay, bản Lòm có phim nên không khí rộn ràng hơn hẳn ngày thường. Máy nổ xình xịch, tiếng hát trên loa phóng thanh nghe rộn ràng, náo nức. Trên những con đường ghồ ghề của đại ngàn, bà con trong bản sử dụng đèn pin đội đầu kéo nhau về điểm chiếu phim để xem. Nhiều thanh niên từ các bản phía ngoài cũng đến bản Lòm xem phim nên không khí náo nhiệt hơn.

Có mặt từ sớm để giúp anh em đội chiếu bóng, già Hồ Xăng cho biết, do chưa có điện lưới, điện năng lượng mặt trời thì chập chờn nên ngoài thời gian với nương rẫy, ở bản không có hoạt động văn hóa, giải trí gì. Sóng điện thoại lúc có, lúc không, cho nên việc cập nhật thông tin ở bản cũng rất chậm. Hôm nay có đoàn chiếu phim, bà con rất phấn khởi.

Đêm ấy ở bản Lòm, không gian rộn ràng bất giác trở nên yên ắng khi bộ phim truyện về bộ đội xăng dầu Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mỹ được chiếu. Lúc này ở phía trên màn ảnh là hình ảnh, lời thoại cuốn hút và phía dưới bà con chăm chú hướng mắt xem phim.

Đưa phim lên bản vùng cao ảnh 3

Có những phân cảnh về sự hy sinh của bộ đội ta khiến ai nấy lặng đi vì xúc động, nhưng cũng có những trường đoạn phản ánh sự lãng mạn của các nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn thì tất cả đều cười vang. Em Hồ Thị Đông chia sẻ: “Hôm nay cháu và các bạn xem phim rất hay. Cháu mong muốn được xem nhiều lần hơn nữa. Cháu sẽ cố gắng học tập để sau này có điều kiện mang nhiều thứ hiện đại về bản cho bà con xem, sử dụng”.

Gần nửa đêm, khi sương sà xuống dày hơn cũng là lúc phim hết, bà con mới đứng dậy ra về. Nhiều người còn nấn ná hỏi xem tối mai chiếu phim ở bản nào, phim gì? Anh Hiệu thay mặt anh em trong đội vui vẻ trả lời bà con, rằng tối mai phim tiếp tục chiếu ở bản Dộ-Tà Vờng và những ngày tiếp theo ở các bản Chà Cáp, Si Mới, Ka Oóc nên mong bà con sắp xếp công việc gia đình để tới xem phim. Bất chợt giữa sân vang lên tiếng gà quác quác, thì ra một bác lớn tuổi khi đến xem phim mang theo con gà để tặng anh Hiệu và anh em trong đội chiếu bóng “bồi dưỡng” sau buổi chiếu.

Ông gọi anh Hiệu là “Xiều”- từ chỉ sự thân thiết của bạn bè mà đồng bào ở đây thường gọi. Ông trao con gà rõ to cho anh Đinh Minh Hiệu rồi cầm tay lắc lắc, nói đại ý là mong “Xiều” và anh em thường xuyên về bản, chiếu cho bà con những bộ phim hay như hôm nay nữa.

Ở Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Quảng Bình có những cán bộ, nhân viên chiếu phim mà cả cuộc đời gắn với công việc chiếu phim lưu động khắp các bản làng trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào. Không chỉ đội trưởng Đinh Minh Hiệu mà không ít người đã thành bạn bè, người quen của người dân các bản, lâu lâu không gặp lại thấy nhớ.

Thông thường buổi chiếu kết thúc khoảng 10 giờ tối, nhưng có những bản, người dân yêu cầu được xem nhiều hơn nên đội phục vụ chiếu tới 1 giờ sáng. Chiếu xong, anh em trong đội ngủ luôn ở nhà văn hóa bản đến hôm sau mới trở về.

Đưa phim lên bản vùng cao ảnh 4

Anh em trong Đội chiếu bóng lưu động huyện Minh Hóa tâm sự, làm nghề chiếu bóng vất vả, lương thấp, trong khi hoạt động chủ yếu ở khu vực biên giới, vùng sâu, đi lại khó khăn và tiềm ẩn nguy hiểm, nhưng chưa ai bỏ nghề, bởi với họ công việc đã thân quen, gắn bó.

Đặc biệt, có người như anh Đinh Minh Hiệu hơn 10 năm nay lấy xe ô-tô của nhà làm phương tiện để chở đồng nghiệp, màn ảnh, máy móc đến tận các bản làng xa xôi phục vụ bà con. Chừng ấy năm anh cũng tự trích lương cá nhân để đổ xăng xe phục vụ cho công việc mà không nề hà nhiệm vụ trong bất cứ thời điểm nào.

Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Quảng Bình Phạm Xuân Sỹ chia sẻ, hiện nay, việc thụ hưởng văn hóa đã có nhiều thay đổi, nhất là từ khi có mạng internet và thiết bị điện thoại thông minh. Về cơ bản, nhu cầu về thông tin và văn hóa của người dân các vùng, miền trong tỉnh được đáp ứng đầy đủ.

Tuy nhiên, ở các bản làng biên giới chưa có điện lưới và điện thoại, họ vẫn cần đến hoạt động chiếu bóng lưu động. Không chỉ chiếu phim để giúp đồng bào giải trí mà còn tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nhất là các quy định gần gũi với bà con như công tác bảo vệ rừng, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...

Mỗi năm theo kế hoạch, các đội chiếu phim lưu động trong tỉnh phục vụ hơn 450 buổi chiếu tại các địa phương. Sự đón nhận của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa cho thấy những buổi chiếu phim vẫn rất cần thiết để “cải thiện” đời sống tinh thần nhân dân ở nơi biên giới.

Dù công việc nhiều khó khăn, vất vả nhưng với sự đón nhận của người dân, những người chiếu bóng Quảng Bình cảm thấy vui và có thêm động lực để tiếp tục đưa văn hóa về những bản làng xa xôi, cách trở.