Đưa nông sản địa phương “xuất ngoại”

NDO -

Sau khi chinh phục thị trường trong nước bằng chất lượng, mẫu mã sản phẩm, Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã và đang tiếp sức cho nông sản Hà Tĩnh mở đường “xuất ngoại”.

Bánh đa vừng Nguyên Lâm (Kỳ Anh) kế thừa phương thức truyền thống nên giữ được hương vị riêng.
Bánh đa vừng Nguyên Lâm (Kỳ Anh) kế thừa phương thức truyền thống nên giữ được hương vị riêng.

Kết quả sản xuất, tiếp cận thị trường ban đầu ở địa phương này cho thấy, nếu các sản phẩm OCOP trên địa bàn được định hướng sản xuất bài bản và làm tốt công tác tiếp thị, Chương trình mỗi xã một sản phẩm sẽ là bước đi tất yếu đưa kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

Tự tin tiếp cận thị trường mới

Giám đốc hợp tác xã sản xuất, thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm Lê Văn Duẩn cho biết, ban đầu, cơ sở sản xuất bánh đa của anh chỉ cung cấp số lượng nhỏ cho các nhà hàng, quán ăn tại khu vực xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng dồi dào, chất lượng của sản phẩm tốt, nên anh đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất. Đúng thời điểm đó, tỉnh Hà Tĩnh đang thực hiện chủ trương ưu tiên, khuyến khích các hộ dân, đơn vị sản xuất tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Lê Văn Duẩn cùng các xã viên của mình đã nắm lấy thời cơ, đăng ký tham gia tập huấn, sản xuất, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn sản phẩm OCOP.

“Sản phẩm bánh đa vừng Nguyên Lâm có nguyên liệu chính là gạo và vừng. Để làm nên chiếc bánh, hợp tác xã chúng tôi thực hiện quy trình tuyển chọn khá nghiêm ngặt. Gạo, vừng được lựa chọn từ những cánh đồng hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Để có được một chiếc bánh đa vừng ngon đòi hỏi rất nhiều công đoạn. Gạo sau khi được lựa chọn được ngâm nước cho đến khi có vị chua và căng tròn rồi vớt ra để ráo. Sau đó, tiến hành xay gạo thật nhuyễn và hòa với nước để tạo thành hỗn hợp bột mịn. Ngoài nguyên liệu chính là gạo và vừng được xay trộn với tỷ lệ nhất định, bánh đa Nguyên Lâm tạo nên sự khác biệt bởi một số gia vị đi kèm như: muối, tỏi, tiêu trộn đều với gạo, vừng trước khi tráng bánh”. Anh Lê Văn Duẩn chia sẻ.

Nhờ biết kế thừa phương thức sản xuất truyền thống và tận dụng được ưu thế của công nghệ, máy móc, nhất là tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn thực phẩm, được tham gia các diễn đàn xúc tiến thương mại nên quy mô, sản lượng bánh đa của hợp tác xã không ngừng gia tăng. Nếu năm 2019, hợp tác xã chỉ sản xuất được 900.000 hộp bánh đa vừng, thì năm 2021, cơ sở này đã sản xuất được gần 2 triệu hộp bánh, doanh thu đạt 3,2 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 900 triệu đồng.

Ngoài việc giải quyết việc làm trực tiếp cho 15 lao động, cơ sở này còn gián tiếp tạo việc làm cho hàng trăm hộ nông dân khi tham gia chuỗi cung cấp nguyên liệu gạo, vừng hữu cơ cho hợp tác xã.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Thanh Hải cho biết: Sau khi sản phẩm bánh đa vừng Nguyên Lâm khẳng định được chất lượng và đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, địa phương đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn của tỉnh giới thiệu, quảng bá trên các kênh thông tin chính thống của tỉnh, huyện và các nền tảng số. Đồng thời, kết nối với các đơn vị phân phối nước ngoài, đưa sản phẩm bánh đa vừng Nguyên Lâm “xuất ngoại”. Từ thành công của lô hàng xuất khẩu đầu tiên sang Nhật Bản trong năm 2021, Hợp tác xã sản xuất, thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm đang tiếp tục hoàn tất quy trình, thủ tục để đưa lô hàng tiếp theo sang chinh phục thị trường Nhật Bản. Về lâu dài, sản phẩm bánh đa vừng Nguyên Lâm sẽ hướng đến các thị trường khác như: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh Võ Tá Nghĩa, thông qua việc kết nối, phối hợp với Bộ Công thương, các sàn thương mại điện tổ chức các chương trình livestream quảng bá sản phẩm chủ lực và triển khai hiệu quả mô hình “Gian hàng Việt trực tuyến” đối với sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Hà Tĩnh. Nhiều sản phẩm trước đây chỉ được tiêu thụ trong làng, xã, nay đã được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua hệ thống siêu thị Big C, Vinmart, sàn thương mại điện tử lớn voso, postmart, sendo, shopee, một số sản phẩm như: bánh đa, sứa, gạo, chè… đã có đơn hàng xuất khẩu ra nước ngoài.

Đưa nông sản địa phương “xuất ngoại” -0
Thông qua các hội nghị xúc tiến thương mại, các sản phẩm OCOP Hà Tĩnh đã được tiêu thụ rộng rãi trên hệ thống siêu thị Big C, Vinmart. 

 Mở rộng quy mô sản xuất

Giám đốc HTX Chế biến thủy hải sản Phú Khương, Lê Thị Khương cho biết, năm 2018, sản phẩm nước mắm của HTX Chế biến thủy hải sản Phú Khương (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh) là một trong sáu sản phẩm tham gia “sân chơi” OCOP Hà Tĩnh và được công nhận 3 sao. Đây cũng là năm đầu tiên Hà Tĩnh triển khai chương trình OCOP. Từ chỗ chỉ một sản phẩm tham gia “làm quen” với OCOP, đến nay, HTX Chế biến thủy hải sản Phú Khương có thêm hai sản phẩm được công nhận 3 và 4 sao.

Theo bà Lê Thị Khương, điều quan trọng nhất từ khi tham gia OCOP đến nay, HTX đã tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm theo “chuẩn OCOP”. HTX đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống dây chuyền sản xuất, đóng chai, bao bì nhãn mác. Cùng với đó, tập trung cao cho quy trình sản xuất an toàn và tiếp thị, quảng bá sản phẩm trên thị trường. Nhờ đó, sản lượng và doanh thu của năm 2021 tăng 20% so với năm trước. Đặc biệt, mặc dù chịu nhiều tác động của dịch Covid-19, nhưng sản lượng nước mắm bán ra không hề giảm. Vào những ngày cao điểm, doanh số bán hàng trên các sàn thương mại điện tử của HTX đạt trên 700 triệu đồng/ngày.

Đưa nông sản địa phương “xuất ngoại” -0

HTX Chế biến thủy hải sản Phú Khương sử dụng công nghệ hấp thu năng lượng mặt trời và nguồn năng lượng điện kết hợp đảo tự động trong sản xuất góp phần rút ngắn thời gian ủ, nâng cao chất lượng sản phẩm nước mắm.  

Không chỉ sản phẩm nước mắm Phú Khương, doanh số bán hàng của hầu hết các cơ sở tham gia chương trình OCOP đều tăng trung bình từ 30-40 % so với trước khi tham gia. Các cơ sở đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho 1.757 người dân khu vực nông thôn, với thu nhập bình quân  5,2 triệu đồng/tháng.

Số liệu thống kê từ Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Tĩnh cho thấy, sau gần bốn năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Hà Tĩnh đã công nhận 249 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Các sản phẩm sau khi đạt chuẩn đều được kiểm soát chặt chẽ, nhất là về vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Từ những kết quả đạt được, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm OCOP. Thực hiện nghiêm và quản lý chặt chẽ việc thực hiện chu trình thường niên, nhất là khâu thẩm định xét chọn ý tưởng tham gia Chương trình. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở sản xuất, nhất là thủ tục đất đai, mặt bằng. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm vào công tác quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và thương mại điện tử, đáp ứng với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế“. Ông Lê Xuân Tùng, Trưởng phòng OCOP (Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Tĩnh) cho biết thêm.