Đưa lọng xưa trở lại cuộc sống hiện đại

Tại sao qua hơn 100 năm, lọng bướm mới xuất hiện trở lại trong cuộc sống hiện đại? Điều thú vị là người khôi phục sản phẩm thủ công từng được in trong bộ sách Technique du peuple Annamite (Kỹ thuật của người An Nam) do cố học giả người Pháp Henri Oger thực hiện vào năm 1908-1909 lại là một chàng trai thế hệ 9x Phùng Nguyễn Anh Khoa.
0:00 / 0:00
0:00
Phùng Nguyễn Anh Khoa đầu tư công sức nghiên cứu về lịch sử và kỹ thuật làm lọng của người Việt xưa.
Phùng Nguyễn Anh Khoa đầu tư công sức nghiên cứu về lịch sử và kỹ thuật làm lọng của người Việt xưa.

Ngạc nhiên hơn là công việc chính hiện tại của Anh Khoa hoàn toàn không liên quan đến lọng bướm hay phục dựng sản phẩm thủ công tưởng như chỉ còn là ký ức trong các bộ sách của người Pháp viết về Việt Nam.

Lọng bướm của người xưa

Theo Anh Khoa, trong một lần xem qua bộ sách Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger năm 2020, anh mơ hồ thấy một hình vẽ về chiếc lọng bướm. Có điều, hình vẽ đó đơn giản và không rõ ràng. Anh cũng tự hỏi liệu một chiếc lọng bướm ngày xưa thật sự thế nào?

Những thắc mắc của Khoa phần nào có lời giải khi anh nhận được chia sẻ trên fanpage Việt Phục Hội vào tháng 8/2023 các bức ảnh trắng đen, trong đó xuất hiện hình ảnh chiếc lọng bướm treo trên tường. Lúc này, một người khác cung cấp thêm thông tin về những loại lọng (ô, dù) được sử dụng phổ biến ở Việt Nam. Trong trang sách được chụp lại có ghi rõ “Le Cong Hanh (1606-1661)” được xem là cha đẻ của làm lọng và thêu tại Việt Nam bởi ông đi sứ Trung Quốc và học được cách thêu, làm lọng. Bên cạnh đó là hình ảnh chiếc lọng bướm cùng lời giới thiệu bằng tiếng Anh: “Lọng có thể được làm thành nhiều hình dạng khác nhau, phổ biến nhất là lọng bướm, giúp tăng thẩm mỹ hay để trang trí nhà”.

Thêm may mắn nữa cho Anh Khoa là sau đó một người khác cũng đã đưa lên fanpage Việt Phục Hội hình ảnh chiếc lọng bướm trong chùm ảnh được Edgard Imbert chụp Hà Nội giai đoạn 1905-1906 và một chiếc lọng bướm được chụp ở Pháp. Theo Anh Khoa, chiếc lọng bướm được chụp ở Pháp có lẽ là hình ảnh chính xác nhất từ trước đến giờ của hiện vật này. Tuy vậy, hiện vật trông cũng đã khá cũ và hư hại nhiều, vì thế anh mới nảy ra ý định tái hiện lọng bướm ở một hiện trạng tốt hơn.

Lại nói về hình ảnh chiếc lọng bướm mà Anh Khoa đã nhìn thấy trong Kỹ thuật của người An Nam và anh cho tôi xem sau đó. Quả thật, hình vẽ này đơn giản và không diễn tả từng chi tiết của chiếc lọng bướm. Tuy nhiên, nếu hình ảnh đấy đã được Oger đưa vào Kỹ thuật của người An Nam thì hẳn đầu thế kỷ 20, đồ vật này gắn liền với cuộc sống và ngành nghề của người An Nam, cụ thể là vùng Bắc Bộ. Nên nói thêm về Kỹ thuật của người An Nam, bộ sách được thể hiện dưới hai hình thức: Một phần “Giới thiệu tổng quát về việc nghiên cứu kỹ thuật của người An Nam” giống như tiểu luận về đời sống vật chất, về nghệ thuật và công nghiệp của người Việt Nam hồi đó và một bộ album gồm 4.000 bản vẽ khắc gỗ nhan đề “Kỹ thuật của người An Nam” mà Oger gọi là một “Bách khoa thư về những dụng cụ, đồ nghề của các cử chỉ trong cuộc sống và nghề nghiệp của người Bắc Bộ”.

Đây là tập sách do Oger viết bằng tiếng Pháp, ấn hành 200 bản tại Paris. Mỗi bản dày 159 trang (Oger đánh nhầm số trang, thực tế chỉ có 156 trang), có 32 bản vẽ để minh họa gồm 79 trang nói về phương pháp làm việc, trình bày, xuất bản, một số ngành nghề bản xứ, sinh hoạt; 30 trang gồm các thư mục tham khảo về kỹ thuật tổng quát và kỹ thuật Trung Quốc, về trò chơi và đồ chơi; 40 trang chú thích nội dung ký họa trong từng trang của bộ album và cuối cùng là bảng mục lục chung. Riêng phần giới thiệu về các ngành nghề - một phần nội dung chính của sách - Oger đã mô tả một số nghề như sơn mài, thêu, khảm trai, chạm gỗ, làm giấy và các nghề mà ông gọi là bắt nguồn từ giấy như: làm lọng, quạt, vẽ tô mầu, in sách…

Tuy vậy, trong Connaissance du Việt-Nam (Hiểu biết về Việt Nam) xuất bản năm 1954 tại Hà Nội, Pierre Huard và Maurice Durand chỉ nói ngắn gọn chiếc lọng che nắng như là biểu tượng của quyền lực chính trị hoặc địa vị xã hội, ra đời ở Trung Đông, sau đó xuất hiện tại Iran, Trung Quốc, Ấn Độ. Tại Việt Nam, nghề làm lọng được du nhập từ Trung Quốc vào năm 1520 nhờ sứ thần Lê Công Hành (triều đại Lê Chiêu Tông) và làng Hiền Lương độc quyền sản xuất lọng, sau này trở thành một phố nghề của Hà Nội ở gần Hồ Nhỏ - một cách gọi của các tác giả về hồ Hoàn Kiếm…

Anh Khoa cho biết, thực tế thì hiện tại, anh chưa tìm được nhiều thông tin về loại lọng bướm. Theo quan điểm của anh thì đây là một đồ vật mang ý nghĩa quà tặng, trang trí trong nhà hơn là sử dụng trong đời sống, kiểu như những tấm khánh mừng thọ, mừng hôn sự…

Tái hiện ký ức

Chỉ có những bức ảnh tư liệu trắng đen và một số ảnh chụp chi tiết hiện vật ở Pháp, vậy mà Anh Khoa vẫn quyết tâm theo đuổi việc phục dựng chiếc lọng bướm vào tháng 9/2023 với hy vọng hoàn thành đúng dịp Trung thu. Anh đã soi kỹ từng chi tiết để có thể hiểu rõ phần nào hiện vật. Qua những nghiên cứu của mình, Anh Khoa cho rằng, lọng là từ ngày xưa để chỉ các loại ô, dù nói chung và lọng của vua quan hay các loại lọng trong lễ tiết sẽ khác với các loại lọng của người dân. Đúng hơn là lọng sẽ phân ra các mầu vàng, đỏ, đen,... và cách đan nan hay trang trí lọng sẽ chỉ rõ cấp bậc trong xã hội.

Nhờ đó, bất chấp những khó khăn về tư liệu và công việc chuyên môn không liên quan gì nghề thủ công như làm lọng, chiếc lọng bướm đầu tiên cũng được Anh Khoa hoàn thành vào tháng 11/2023. Như anh thừa nhận, giữa chiếc lọng anh làm và phiên bản gốc chỉ giống nhau khoảng 70%. Anh đã cố gắng sử dụng mầu sắc và họa tiết hoa văn giống với hiện vật nhất có thể. Điểm khác nhau nằm ở kích thước, như đường kính chiếc lọng bướm của Anh Khoa chỉ khoảng 80 cm, trong khi hiện vật trên ảnh có thể to hơn, khoảng 100 cm. Bên cạnh đó, số lượng nan ở hai chiếc lọng bướm cũng khác nhau, của Anh Khoa là 22 nan, còn hiện vật là 32 nan…

Rút kinh nghiệm từ chiếc lọng đầu tiên và nhận thấy công đoạn làm bộ khung dù khá tốn công, Anh Khoa quyết định sử dụng ô đã hoàn thiện ở Trung Quốc để lên khung do bộ khung ô của hai bên cũng gần như giống nhau, chỉ khác ở các chi tiết về cách trang trí hoa văn cũng như cách đan chỉ.

Sau khi có bộ khung, chàng trai sinh năm 1995 người gốc Gia Lâm, Hà Nội bắt đầu khoan lỗ trên các nan chống để sau này đan chỉ vào. Tiếp đó, anh tạo hình mặt lọng bằng cách cắt các thanh nan có độ dài ngắn khác nhau theo bản vẽ và lợp giấy bằng cách quét hồ gạo. Sau khi phơi khô thì đã có mặt lọng hình con bướm, anh bắt đầu tô mầu cho lọng, trước tiên là mầu nền trong ngoài, để khô rồi mới vẽ hoa văn lên. Lúc này, anh bắt đầu bắt phần nan chống vào rồi mới kết chỉ trang trí để hoàn thành. Tính ra, Anh Khoa mất khoảng một tuần để xong một chiếc lọng bướm.

Mặc dù công việc chính của Anh Khoa là sáng tác tranh, anh vẫn tiếp tục nghiên cứu để thời gian tới có thể hoàn thành chiếc lọng bướm sát với hiện vật hơn. Chẳng hạn như anh sử dụng mầu bột pha keo da trâu để vẽ, phủ dầu chống thấm bằng dầu cây trẩu, nghiên cứu kỹ hơn về các chi tiết…

Lần đầu tiên biết Anh Khoa qua fanpage Việt Phục Hội, khi anh nói về việc mặc và phục dựng trang phục truyền thống của người Việt, nhưng khi gặp gỡ, tôi mới biết thêm rằng, Anh Khoa gốc người Gia Lâm, lớn lên ở Thành phố Hồ Chí Minh, đang làm việc tại Phan Thiết (Bình Thuận). Tìm hiểu về văn hóa truyền thống là sở thích ngoài giờ của anh, còn nghiên cứu và chuyên môn chính vẫn là lĩnh vực hội họa, cụ thể là chất liệu sơn mài truyền thống, bởi anh tốt nghiệp chuyên ngành sơn mài tại Trường đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Chợt nhớ những câu thơ cũng nói về lọng, nhưng mang tính châm biếm: Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang/Đứa thì mua tước đứa mua quan/Phen này ông quyết đi buôn lọng/Vừa chửi, vừa la cũng đắt hàng… trong bài Năm mới chúc nhau của Tú Xương, tôi hy vọng những chiếc lọng bướm của Anh Khoa sẽ xuất hiện nhiều hơn trong các triển lãm hay các sự kiện quảng bá văn hóa trong tương lai. Một phần nó tái hiện ký ức của Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20, về sự giỏi giang, khéo léo của cha ông trong nghề sản xuất lọng, một phần việc phục dựng đồ vật xa xưa cho thấy văn hóa truyền thống vẫn được lớp trẻ quan tâm, gìn giữ.