Theo đó, Hậu Giang thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo Ban Chỉ đạo các cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vào Nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm của địa phương và giao chỉ tiêu cụ thể đến cấp xã thực hiện; đồng thời, triển khai giám sát, đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu hàng tháng, quý trong năm.
Song song đó, tỉnh nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp để hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc trong thực hiện các chính sách hỗ trợ của nhà nước và địa phương, duy trì việc làm, tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Đồng thời, tỉnh chỉ đạo Bảo hiểm Xã hội tỉnh phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức việc đối chiếu, rà soát, kiểm tra yêu cầu người sử dụng lao động tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Trong đó, đối với các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh áp dụng các biện pháp cần thiết mà vẫn chưa xử lý được thì thực hiện theo quy định hiện hành.
Tặng Bằng khen của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho các tập thể |
Hậu Giang cũng rà soát, lập danh sách cấp thẻ bảo hiểm y tế đầy đủ cho trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người có công với cách mạng, người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng,... để được hưởng chính sách về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định.
Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị-xã hội các cấp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền để cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và tất cả người dân nắm vững ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và nghĩa vụ của mỗi người trong việc tham gia.
Đồng thời, Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phù hợp, bảo đảm các đối tượng tiếp cận đầy đủ về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và cách thức tham gia; đặc biệt là các nhóm có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế còn thấp như người thuộc hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình; hộ gia đình.
Tỉnh cũng tăng cường thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để đẩy mạnh việc phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người tham gia.
Đến hết 30/6/2023, toàn tỉnh Hậu Giang có hơn 76 ngàn người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm 20,31% so với lực lượng lao động; hơn 636 ngàn người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 87,38% dân số; gần 57,7 ngàn người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 15,42% so với lực lượng lao động.
Hiện nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Hậu Giang tăng trưởng chậm, không đồng đều giữa các địa phương. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện dừng hoặc không tiếp tục tham gia có xu hướng tăng; số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đề nghị giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần ngày một tăng, ảnh hưởng đến việc duy trì tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội.
Vẫn còn một số doanh nghiệp trên địa bàn không ký hợp đồng lao động, hoặc ký hợp đồng vụ việc, để trì hoãn việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn xảy ra ở một số doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động...