Đưa áo dài trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch

Tà áo dài, nhất là áo dài phụ nữ là một thương hiệu văn hóa của Việt Nam. Với mong muốn phát triển thương hiệu văn hóa ấy thành một thương hiệu du lịch, tạo điểm nhấn cho du lịch, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức Lễ hội Áo dài Du lịch 2023. Sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch trong nước, quốc tế; tạo tiền đề để hình thành những cách làm mới trong quảng bá du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch gắn với tà áo dài dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Phụ nữ Thủ đô duyên dáng trong màn diễu hành áo dài trên phố.
Phụ nữ Thủ đô duyên dáng trong màn diễu hành áo dài trên phố.

Cuối tuần qua, không gian hồ Hoàn Kiếm trở nên rực rỡ bởi những sắc màu trang trí; trong đó, hình ảnh chủ đạo là chiếc áo dài dân tộc. Ban tổ chức bố trí nhiều không gian triển lãm, gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, bao gồm: Không gian triển lãm tư liệu ảnh về áo dài trong đời sống gắn với di sản Hà Nội; hơn 60 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm được thiết kế gắn với những nét thân thuộc của phố phường Hà Nội; không gian triển lãm và trưng bày áo dài với sự kết hợp của hoa, khung dệt và bộ sưu tập của các nhà thiết kế, các thương hiệu áo dài...; không gian thông tin, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Điểm nhấn được Ban tổ chức thiết kế là Con đường áo dài cộng đồng “Dạo bước hồ Gươm” với những biểu tượng của Thủ đô như: sen hồ Tây, chùa Một Cột, Hoàng thành Thăng Long, Ô Quan Chưởng..., tạo không gian để khách du lịch thỏa sức check-in. Rất nhiều người tranh thủ dịp này đã diện bộ áo dài để hòa chung không khí của lễ hội.

Ấn tượng nhất lễ hội là màn đồng diễn áo dài của 600 phụ nữ Thủ đô, diễu hành của hơn 1.000 người trong trang phục áo dài vào sáng 29/10. Chị em phụ nữ ở nhiều lứa tuổi, từ người cao tuổi cho đến thanh, thiếu niên và các cháu thiếu nhi mang trên mình tà áo dài, đi kèm với đó là các thông điệp “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình”, “Tự hào Áo dài phụ nữ Việt Nam”, “Phụ nữ Thủ đô thanh lịch, văn minh”, “Duyên dáng Áo dài Hà Nội”, “Hà Nội-đến để yêu”... Chương trình còn có sự tham gia của nhiều nam giới trong tà áo dài nam truyền thống.

Áo dài từ lâu đã là một thương hiệu văn hóa của Hà Nội và Việt Nam. Từ thế mạnh đó, ngành du lịch Thủ đô đang nỗ lực tạo ra sự kết nối giữa vẻ đẹp của áo dài với hoạt động du lịch. Năm 2022, lần đầu tiên Lễ hội Áo dài Du lịch được tổ chức.

Trong năm 2023, ngoài sự kiện Lễ hội Áo dài Du lịch 2023, thành phố còn tổ chức nhiều sự kiện văn hóa-du lịch gắn với hình ảnh chiếc áo dài. Điển hình như ngày 1/9, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp các đơn vị tổ chức chương trình “Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội” với sự tham gia của 150 người mặc áo dài đạp xe đi qua các di sản tiêu biểu của Thủ đô.

Từ ngày 29/9 đến 1/10, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tổ chức Festival Thu Hà Nội năm 2023, trong đó có nhiều hoạt động tôn vinh áo dài, như chương trình trình diễn trang phục áo dài “Trang phục áo dài đám cưới theo dòng thời gian” của Câu lạc bộ áo dài Việt Nam với 11 bộ sưu tập áo dài của 11 nhà thiết kế, với chiếc áo dài kỷ lục “Dấu ấn thời gian” của nhà thiết kế Hoàng Ly có chiều dài 189m in nhiều họa tiết cổ Việt Nam...

Tuy nhiên, để áo dài trở thành điểm nhấn du lịch thì còn nhiều việc phải làm. Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt - một Câu lạc bộ có nhiều hoạt động gìn giữ, tôn vinh áo dài cho biết: “Có những lần tôi cùng anh em trong Câu lạc bộ diễu hành áo dài trong phố cổ gặp những người khách nước ngoài, họ trầm trồ thú vị và coi đó là nét đặc sắc của Hà Nội.

Như vậy, chiếc áo dài chính là phương tiện để quảng bá hữu ích cho văn hóa, du lịch. Nhưng để du khách biết đến nhiều hơn nữa thì chúng ta cần phổ biến vẻ đẹp của áo dài. Đơn giản như đến nay vẫn nhiều người hiểu lầm áo dài chỉ dành cho phái nữ. Trong văn hóa truyền thống Việt Nam, áo dài là trang phục quen thuộc của nam giới, trong đời sống hằng ngày cũng như các dịp lễ, Tết. Chúng ta phải để mọi người hiểu và sử dụng trang phục áo dài với niềm tự hào, từ đó có thể khẳng định thương hiệu văn hóa, du lịch của mình”.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Chiếc áo dài có lợi thế rất lớn trong việc quảng bá hình ảnh du lịch. Hiện nay, nhiều khách du lịch ưa thích hoạt động trải nghiệm. Chúng ta có thể xây dựng tour du lịch về áo dài mà khách được tham gia các hoạt động trải nghiệm, thí dụ như khách tham gia vào hoạt động nhuộm vải, đính đá trang trí... Sau khi làm, họ sẽ nhận được sản phẩm mà chính họ tham gia vào quá trình sản xuất. Người ta sẽ rất quý trọng một sản phẩm như vậy và sẽ lưu giữ, quảng bá với bạn bè. Điều này đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho du lịch”.

Lễ hội Áo dài Du lịch 2023 là dịp để tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt Nam qua tà áo dài dân tộc, tạo cảm hứng để thế hệ trẻ thêm yêu văn hóa truyền thống, kết nối thúc đẩy hợp tác cùng phát triển giữa các doanh nghiệp du lịch của Hà Nội với các nghệ nhân, nhà thiết kế. Để tiếp tục đẩy mạnh quảng bá du lịch qua chiếc áo dài, xây dựng sản phẩm du lịch gắn với áo dài, Lễ hội Áo dài Du lịch sẽ trở thành hoạt động thường niên trong những năm tiếp theo.