Dự toán chi cải cách tiền lương của ngân sách trung ương năm 2024 khoảng 48-49 nghìn tỷ đồng

NDO - Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự toán chi cải cách tiền lương của ngân sách trung ương năm 2024 khoảng 48-49 nghìn tỷ đồng, trong khi dự toán chi cải cách tiền lương của ngân sách địa phương là 6,4 nghìn tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 khoảng 1.700,9 nghìn tỷ đồng

Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 23/10, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2024-2026.

Về thu ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện 9 tháng đạt 1.223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75,5% dự toán.

Theo Bộ trưởng, ước thu ngân sách nhà nước năm 2023 đạt dự toán, trong đó thu ngân sách trung ương ước giảm khoảng 10-15 nghìn tỷ đồng, thu ngân sách địa phương tổng thể ước tăng khoảng 10-15 nghìn tỷ đồng so dự toán.

“Nếu kể cả khoảng 75 nghìn tỷ đồng giảm thu do thực hiện chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế thì thu ngân sách nhà nước cả năm ước đạt 1.695,8 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 4,6% so dự toán. Đây là mức rất tích cực trong bối cảnh hiện nay”, ông Phớc nói.

Về chi ngân sách năm 2023, ước thực hiện 9 tháng đạt 1.239,4 nghìn tỷ đồng, bằng 59,7% dự toán.

Trong khi đó, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 khoảng 1.700,9 nghìn tỷ đồng, tăng 80,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 5%) so với dự toán và ước thực hiện năm 2023. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt 15,3% GDP.

Bộ trưởng Tài chính cho biết, dự toán năm 2024 được xây dựng đã dự tính tiếp tục thực hiện mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như năm 2023 và đồng thời, tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024.

Đặc biệt, mức dự toán nêu trên là tích cực trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội trong và ngoài nước còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức.

Dự toán chi cải cách tiền lương của ngân sách trung ương năm 2024 khoảng 48-49 nghìn tỷ đồng ảnh 1

Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp chiều 23/10. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Bảo đảm đủ nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024

Về khả năng bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương, theo ông Phớc, đến hết năm 2022, nếu tính cả nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn lại và nguồn bố trí từ tăng thu của ngân sách trung ương các năm (bao gồm từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 đang trình các cấp) thì tổng nguồn ngân sách trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430 nghìn tỷ đồng.

Với dự kiến thu-chi ngân sách nhà nước năm 2024, cùng với việc sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương và các nguồn của ngân sách địa phương, dự kiến bảo đảm đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 1/7/2024.

Trong đó, trình Quốc hội cho phép sử dụng khoảng 19 nghìn tỷ đồng thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.

Nếu tính cả số thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang bố trí dự toán chi năm 2024 của một số địa phương (khoảng 19 nghìn tỷ đồng) thì tổng chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2024 khoảng 2.119,4 nghìn tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, dự toán chi ngân sách trung ương năm 2024 là 982,5 nghìn tỷ đồng, giảm 73,3 nghìn tỷ đồng so dự toán năm 2023. Nếu loại trừ kinh phí chương trình phục hồi (157,4 nghìn tỷ đồng) thì tăng 84,1 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2023.

Cụ thể, bố trí cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển 245 nghìn tỷ đồng. Bố trí dự toán chi trả lãi là 108,8 nghìn tỷ đồng, chi viện trợ là 2.200 tỷ đồng, chi dự trữ quốc gia là 1.160 tỷ đồng.

Dự phòng ngân sách trung ương là 34,9 nghìn tỷ đồng, bằng 3,6% tổng chi ngân sách trung ương, bảo đảm tỷ lệ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (2-4% tổng chi).

Dự toán chi cải cách tiền lương của ngân sách trung ương khoảng 48-49 nghìn tỷ đồng.

Bổ sung 19,2 nghìn tỷ đồng cho địa phương để xử lý bù mặt bằng dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 không thấp hơn dự toán năm 2023.

Tiếp đó, dự toán chi thường xuyên của ngân sách trung ương (chưa gồm kinh phí thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng của cả năm 2024) là 522,5 tỷ đồng.

Dự toán chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương là 432,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, từ nguồn thu tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết tương ứng số thu; chi từ nguồn bội chi ngân sách địa phương là 26,5 nghìn tỷ đồng; đầu tư xây dựng cơ bản tập trung là 136,5 nghìn tỷ đồng. Dự toán chi trả nợ lãi, phí các khoản ngân sách địa phương vay là 2.874,3 tỷ đồng.

Bộ trưởng cũng cho biết, dự toán chi cải cách tiền lương là 6,4 nghìn tỷ đồng; dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương là 706,3 nghìn tỷ đồng, tăng 49,3 nghìn tỷ đồng so dự toán năm 2023.