Du lịch Việt Nam trước... “cửa ngõ” TPP

NDO -

NDĐT- Trước tin kết thúc đàm phán TPP tuần qua, trong sự hài lòng và cân bằng lợi ích giữa các bên để mở ra nhiều cơ hội mới cho nhiều ngành và hoạt động kinh doanh của cả 12 nước thành viên TPP. Trong đó ngành du lịch Việt Nam cũng không nằm trong ngoại lệ - đó là cơ hội mới nhưng đan xen không ít thách thức để ngành có thể tiếp tục phát triển.

Hội An - điểm đến yêu thích không thể bỏ qua của các du khách quốc tế mỗi lần đến Việt Nam.
Hội An - điểm đến yêu thích không thể bỏ qua của các du khách quốc tế mỗi lần đến Việt Nam.

Theo thống kê, trong quý III-2015, ngành du lịch Việt Nam đón tin vui trước lượng khách quốc tế đã tăng trưởng trở lại cả ba tháng, kết thúc chuỗi 13 tháng suy giảm liên tục từ cuối năm 2014, khiến ba quý tháng đầu năm 2015, ngành du lịch Việt Nam đã đón 5.689.512 lượt khách quốc tế, phục vụ 48,8 triệu lượt khách nội địa (khách lưu trú đạt 23,4 triệu lượt), tổng thu từ khách du lịch đạt 269.458 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ 2014. Trong đó, các thị trường khách có chi tiêu cao và lưu trú dài ngày tăng nhanh.

Có thể thấy môi trường sống và cơ sở hạ tầng du lịch thiên nhiên sẽ được cải thiện hơn khi thực thiện cam kết trong TPP (bởi 5/12 nước này nằm trong danh sách các nước đa dạng sinh thái hàng đầu thế giới) siết chặt các yêu cầu về vệ sinh dịch tễ và môi trường sống, chống buôn bán động vật hoang dã, nhất là đối với các loài động vật có nguy cơ như rùa biển, chim biển, cá voi, cá mập....

Việc nới lỏng điều kiện tự do đầu tư và di chuyển lao động giữa 12 nước sẽ giúp gia tăng nhu cầu đi lại tìm kiếm cơ hội đầu tư, việc làm và kết hợp du lịch; tức gia tăng dòng du khách quốc tế và tăng cường mật độ và quy mô các loại hình du lịch - kinh doanh, du lịch - hội họp ngay trong nội khối TPP mà Việt Nam là một thành viên.

Hơn nữa, các thành viên TPP đều đồng ý thông qua và duy trì trong luật và thông lệ của mình các quyền cơ bản của người lao động (LĐ) như được thừa nhận trong Tuyên bố 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) sẽ giúp nâng cao điều kiện làm việc, tái sản xuất sức LĐ và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có lao động ngành du lịch. Bên cạnh đó, cạnh tranh trong TPP tạo áp lực cạnh tranh buộc người LĐ phải chủ động nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề, tinh thần liên kết gắn với các nhóm LĐ đặc thù và lợi ích xã hội khác nhau trong môi trường quốc tế ngày càng cao. Xu thế chuyển dịch LĐ giữa các nước thành viên vừa tạo cơ hội tìm kiếm việc làm mới, vừa gia tăng áp lực cho LĐ ngành du lịch tìm kiếm và giữ cơ hội việc làm, nhất là LĐ trẻ. Do vậy, phát triển thị trường LĐ có tổ chức, chất lượng cao đang và sẽ ngày càng trở thành đòi hỏi bức xúc và công cụ đắc lực để hỗ trợ và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam nói chung và LĐ ngành du lịch nói riêng trong bối cảnh đó.

Nhờ TPP, hoạt động du lịch cũng sẽ có thêm cơ hội phát triển tích cực; đồng thời, ngành du lịch sẽ có thêm xung lực phát triển tích cực và các du khách quốc tế sẽ có thêm cơ hội làm thủ tục thuận lợi, dịch chuyển nhanh và rẻ hơn nhờ những cam kết Chương Nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh trong khuôn khổ TPP.

Các thành viên TPP đồng ý bảo đảm rằng các yêu cầu về nhập cảnh tạm thời là sẵn sàng công khai cho công chúng, bao gồm công bố thông tin kịp thời và trực tuyến nếu có thể và cung cấp tài liệu giải thích; và các bên hợp tác về các vấn đề nhập cảnh tạm thời, chẳng hạn như xử lý thị thực. Đa số các thành viên TPP cũng đã cam kết về mở cửa thị trường khách kinh doanh cho nhau, theo như Phụ lục cụ thể của từng nước đính kèm Hiệp định TPP.

Cần khẳng định rằng, những cơ hội phát triển kinh tế Việt Nam nói chung, du lịch nói riêng từ TPP không tự hiện thực hóa nếu không có những nỗ lực đồng bộ từ các cấp, ngành và đơn vị có liên quan. Vì vậy, để khai thác tốt các cơ hội từ TPP, ngành du lịch Việt Nam còn nhiều việc phải làm, nhất là cần tập trung thực hiện Nghị quyết số 92 và Chỉ thị số 14; kết nối có hiệu quả giữa du lịch và các lĩnh vực khác như: giao thông, hàng không, thương mại, ngoại giao; cải thiện năng lực cạnh tranh về điểm đến trong khu vực và quốc tế; củng cố thương hiệu du lịch quốc gia và bảo đảm môi trường du lịch địa phương; quản lý cạnh tranh lành mạnh và giải quyết triệt để tình trạng đeo bám khách, trộm cắp, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện niêm yết và bán theo giá niêm yết.

Đặc biệt, cần chuẩn bị và triển khai tốt “Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long”; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch; tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo phổ biến Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN; tham dự hiệu quả các sự kiện tại các hội nghị, diễn đàn song phương, đa phương và đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch hiện đại và chuyên nghiệp hơn tại nước ngoài.