Tại buổi họp báo sáng 28/3, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) cho biết, VITM Hà Nội 2023 diễn ra trong 4 ngày (từ ngày 13 đến 16/4) tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội, 91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tập trung định hình Du lịch Văn hóa
Theo Chủ tịch VITA, mặc dù chúng ta đã có nhiều sản phẩm du lịch mang dáng dấp của du lịch văn hóa nhưng thực tế vẫn chưa tách du lịch văn hóa thành lĩnh vực riêng, sản phẩm nào được gọi là du lịch văn hóa và đặc biệt cần phải định hình khái niệm du lịch văn hóa cụ thể.
Do đó, chủ đề “Du lịch Văn hóa” của VITM năm nay nhằm hướng các doanh nghiệp du lịch đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới trên cơ sở khai thác các giá trị độc đáo của văn hóa truyền thống và các di sản văn hóa của Việt Nam. Sự chuyển hướng nhu cầu của du khách, sự khác biệt của nền văn hóa, phong tục tập quán, hoạt động sản xuất và cuộc sống của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam luôn hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của cả khách quốc tế và nội địa.
“Với chủ đề này, Ban tổ chức hy vọng Hội chợ VITM sẽ góp phần đưa du lịch trở thành một bộ phận quan trọng của nền công nghiệp văn hóa, đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn giá trị của các di sản văn hóa Việt Nam, đồng thời đưa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại của Việt Nam ra thế giới”, ông Vũ Thế Bình bày tỏ.
Tại buổi họp báo, ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, chúng ta mới chỉ dùng tài nguyên thiên nhiên cho du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thiên nhiên, du lịch biển,... Việt Nam có nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, với 7.988 lễ hội gắn liền với hàng nghìn di sản.
"Chúng ta phải sử dụng nền tảng văn hóa để trở thành tài nguyên để phát triển du lịch. Từ tài nguyên đó tạo ra sản phẩm hàng hóa thông qua văn hóa để phát triển du lịch. Từng bước gắn hàng hóa văn hóa đó trở thành một nội dung để phát triển công nghiệp và dịch vụ văn hóa Việt Nam", ông Phạm Văn Thủy nói.
Với chủ đề Du lịch Văn hóa, tại VITM Hà Nội 2023 sẽ diễn đàn “Phát triển Du lịch Văn hóa Việt Nam” được tổ chức trực tiếp và trực tuyến vào ngày 14/4, dự kiến thu hút hàng nghìn đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia du lịch trong nước và quốc tế, lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan quản lý điểm đến và sinh viên các trường du lịch.
Lần đầu tiên có gian hàng liên kết vùng
Ông Vũ Thế Bình thông tin, năm nay xu hướng liên kết vùng được thể hiện rất rõ tại VITM. Lần đầu tiên tại hội chợ có 1 gian hàng của 4 tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế và Quảng Bình lập 1 gian hàng liên vùng. 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng chung một gian hàng tại VITM Hà Nội 2023. Điều này cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ của các doanh nghiệp, địa phương để phát triển du lịch sau đại dịch.
Chủ tịch VITA cho biết, tính đến cuối tháng 3/2023, Hội chợ VITM Hà Nội 2023 đã có trên 50 tỉnh thành phố của Việt Nam, 15 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia Hội chợ với 450 gian hàng và 600 đơn vị tham gia gian hàng. Nhiều gian hàng có quy mô lớn, thiết kế ấn tượng, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường như: Du lịch Bình Định (180m2), Hàn Quốc (144m2), Tổng Công ty Du lịch Hà Nội & Thành phố Hà Nội (144m2), Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (108m2), Vietnam Airlines (90m2), Vietravel (90m2), Bamboo Airways (90m2), Tam Chúc (90m2), Đài Loan (72m2), Bestprice (72m2)…
Hội chợ VITM Hà Nội 2023 sẽ thu hút hàng ngàn người mua (buyer) và sẽ có khoảng 2.500 doanh nghiệp đến tham quan và làm việc tại Hội chợ. Các doanh nghiệp tham gia hội chợ đã chuẩn bị hơn 10.000 tour và sản phẩm du lịch khuyến mãi. Ban tổ chức ước tính sẽ đón hơn 60.000 khách tới tham quan trong 4 ngày diễn ra hội chợ.
Theo ông Vũ Thế Bình, VITM Hà Nội 2023 lần này còn mang một ý nghĩa đặc biệt khi đánh dấu cột mốc 10 năm hình thành và phát triển (2013-2023). Chặng đường tròn một thập kỷ với 12 lần tổ chức đã chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ, đưa VITM trở thành một sự kiện du lịch quốc tế hàng đầu Việt Nam, có uy tín và tầm cỡ trong khu vực. VITM đã góp phần nâng cao vị thế của Du lịch Việt Nam, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển Du lịch Việt Nam, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Là hoạt động thường niên, VITM Hà Nội 2023 sẽ diễn ra nhiều hoạt động xúc tiến du lịch, thông qua các hoạt động gặp gỡ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (Business to Business- B2B); doanh nghiệp với người tiêu dùng (Bussiness to Consumer- B2C) và hoạt động của các Cơ quan xúc tiến du lịch Việt Nam và Quốc tế. Ngoài ra, các sự kiện chuyên ngành cũng được tổ chức với quy mô lớn. Ngoài diễn đàn chính về phát triển văn hóa, VITM Hà Nội 2023 sẽ diễn ra tọa đàm “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực Du lịch” vào ngày 13/4. Tại Tọa đàm, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với các đối tác sẽ giới thiệu kế hoạch triển khai Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực Du lịch” do UNDP và Quỹ GEF tài trợ.
Theo truyền thống, tại Hội chợ còn có một số hoạt động xúc tiến du lịch như: chương trình xúc tiến du lịch Đài Loan (Trung Quốc), Nepal, Indonesia; chương trình giới thiệu các tuyến du lịch văn hóa hấp dẫn như: “Giới thiệu tuyến du lịch Bắc Giang - Mộc Châu”; Hội nghị giới thiệu, quảng bá du lịch Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh: “Một hành trình - Bốn địa phương - Nhiều trải nghiệm” hay hội nghị “Xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên”…