Du lịch cần bắt kịp thời cơ, tăng tốc phát triển

Trên đường đua khốc liệt giành thị phần du lịch sau đại dịch Covid-19, muốn nâng cao lợi thế cạnh tranh để thu hút lượng khách chất lượng, du lịch Việt Nam cần biết tận dụng, phát huy mọi lợi thế để đẩy nhanh tốc độ phục hồi, tạo ra những bước phát triển đột phá.
0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch tham quan trang trại Tiên Tiến Farm & Zoo ở Ninh Thuận.
Khách du lịch tham quan trang trại Tiên Tiến Farm & Zoo ở Ninh Thuận.

Theo số liệu từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2023, nước ta đã đón được gần 5,6 triệu lượt khách quốc tế, hoàn thành 69% kế hoạch năm 2023; phục vụ khoảng 64 triệu lượt khách trong nước; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 343,1 nghìn tỷ đồng. Dù chưa thể lấy lại đà tăng trưởng như trước đại dịch Covid-19, nhưng những con số này đủ thắp lên niềm tin về sự phục hồi và phát triển của ngành kinh tế xanh nước nhà thời gian tới.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để làm nên những bước tiến dài tương xứng với tiềm năng, ngành du lịch Việt Nam vẫn cần nỗ lực khắc phục một số hạn chế đang tồn tại.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðoàn Văn Việt, những hạn chế có thể kể đến là hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư, phát triển du lịch chưa có nhiều đột phá; sản phẩm du lịch còn thiếu sự đa dạng, chưa thật sự đặc trưng, độc đáo và chưa phát huy được các giá trị tài nguyên thiên nhiên và nhân văn vốn có; các dịch vụ như lưu trú, thương mại vận tải... chưa tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối, chia sẻ... Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trong nước và quốc tế còn hạn chế, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chuyển đổi số trong du lịch chưa theo kịp đối với yêu cầu phát triển của ngành; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao...

Trong bối cảnh ấy, nhằm tạo đà giúp du lịch chinh phục thách thức, bứt tốc phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Nghị quyết đưa ra bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: Ðẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.

Không chỉ cho thấy sự quan tâm, đồng hành một cách trách nhiệm, quyết liệt của Ðảng, Nhà nước đối với phát triển du lịch, Nghị quyết còn được coi là bước đi quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Cùng với Nghị quyết số 82/NQ-CP, vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, với nhiều quy định thông thoáng hơn như: Kéo dài thời hạn visa điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần; nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023, đúng thời điểm chuẩn bị bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế. Những người làm du lịch đều nhận thức sâu sắc đây là các cơ hội lớn và quý giúp nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, vấn đề đặt ra là cần tận dụng cơ hội này như thế nào để thật sự mang lại hiệu quả.

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhận định, những điều chỉnh mới về chính sách visa tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế nhập cảnh Việt Nam là điều mà ngành du lịch đã trông chờ nhiều năm qua. Song, đây mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để du lịch Việt Nam hấp dẫn hơn, tạo được sức hút mạnh mẽ hơn với các thị trường quốc tế thì còn cần một loạt giải pháp đồng bộ hơn nữa như: Xây dựng, làm mới sản phẩm theo hướng dài hơi hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường khách có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày; chuyên nghiệp hóa công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, nâng cao hiệu quả quản lý điểm đến; xây dựng đội ngũ nhân lực bảo đảm về số lượng và chất lượng…

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng: Chính sách mới sẽ tạo điều kiện dễ dàng để khách quốc tế đến Việt Nam, nhưng nếu khách đến mà không có cái khiến họ thích thú, ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn thì việc thu hút về số lượng cũng không còn nhiều ý nghĩa. Ðể trở thành thị trường du lịch sang trọng, đón được những vị khách chất lượng cao là cái đích hướng tới của ngành du lịch, buộc chúng ta phải có những chính sách thật sự rõ ràng cùng sự quyết tâm mà doanh nghiệp du lịch chính là lực lượng đi đầu.

Ông Bình cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc đẩy mạnh liên kết trong du lịch để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc, giá cả cạnh tranh. Cùng với đầu tư làm mới sản phẩm, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group cho rằng cần nhanh chóng thay đổi cách thức quản lý điểm đến sao cho chuyên nghiệp, sâu sát hơn, nhất là khi ở một số nơi thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường, nhiều rác thải… Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư phát triển kinh tế đêm và có chiến lược định vị thương hiệu du lịch Việt Nam theo hướng hấp dẫn, độc đáo, mới mẻ hơn.

Mới đây, nhằm phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và vai trò động lực của doanh nghiệp trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ, đồng thời nắm bắt cơ hội từ chính sách visa thông thoáng, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể với tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: Cấu trúc lại doanh nghiệp, đổi mới mô hình kinh doanh gắn liền với chuyển đổi số, cơ cấu lại hệ thống nhân lực theo hướng gọn nhẹ, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp giai đoạn mới như: du lịch MICE, du lịch thể thao, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch mua sắm, du lịch ẩm thực, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch mạo hiểm; đa dạng hóa thị trường du lịch; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới; tăng cường liên kết trong kinh doanh du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp du lịch; phát hiện, tổng hợp ý kiến và đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp du lịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ra Quyết định ban hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP, với tám nhiệm vụ do Bộ chủ trì thực hiện và 10 nhiệm vụ do Bộ phối hợp các bộ, ngành liên quan thực hiện.

Hy vọng, với sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành du lịch và các ngành liên quan, du lịch Việt Nam sẽ nhanh chóng bứt phá, phát triển có trọng tâm, trọng điểm theo phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Ðiểm đến an toàn, văn minh, thân thiện", thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Việt Nam vào nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới ■