Cụ thể, VEC đề xuất đưa vào khai thác hai đoạn tuyến với tổng chiều dài 9,5km, gồm: đoạn từ nút giao Trung Lương (tỉnh Long An) đến nút giao Quốc lộ 1A (Thành phố Hồ Chí Minh) dài 3,4km và đoạn từ nút giao Phước An đến nút giao Quốc lộ 51 (tỉnh Đồng Nai) dài 6,1km. Cả hai nút giao này hiện đạt gần 100% khối lượng thi công.
Đối với đoạn tuyến từ Quốc lộ 1A đến nút giao Nguyễn Văn Tạo (Thành phố Hồ Chí Minh) dài 18,8km dự kiến sẽ đưa khai thác trong quý I/2025.
VEC cho rằng việc sớm đưa các đoạn tuyến đã hoàn thành vào khai thác là hết sức cần thiết nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của dự án, phục vụ người dân, đặc biệt là giảm tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh.
[Ảnh] Cao tốc Bến Lức-Long Thành chạy nước rút ngay sau khởi động lại
Bên cạnh đó, các đoạn tuyến đưa vào khai thác còn tạo thêm sự kết nối giao thông giữa các khu vực; đồng thời, góp phần giảm áp lực về lưu lượng cho các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ,... và các địa bàn tuyến đi qua cũng như giảm tai nạn giao thông khu vực.
Đường cao tốc Bến Lức -Long Thành, đoạn phía tây đã thi công xong phần lớn khối lượng. (Ảnh: QUÝ HIỀN) |
Tuyến đường cao tốc Bến Lức-Long Thành dài 57,1km, bắt đầu từ huyện Bến Lức, tỉnh Long An và kết thúc tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Tuyến cao tốc đi qua địa phận các tỉnh Long An (các huyện Bến Lức, Cần Giuộc); Thành phố Hồ Chí Minh (các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) và tỉnh Đồng Nai (các huyện Nhơn Trạch, Long Thành).
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 29.586,9 tỷ đồng, sử dụng 4 nguồn vốn: vốn vay ADB (8.065,7 tỷ đồng), vốn vay JICA (10.101,3 tỷ đồng), vốn đối ứng từ Ngân sách Nhà nước là 3.872,4 tỷ đồng và vốn VEC tự thu xếp là 7.547,6 tỷ đồng.
Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức-Long Thành là một trong những dự án giao thông quan trọng trong việc kết nối giao thông các tỉnh phía nam, có vai trò thiết yếu trong việc kết nối khu vực miền tây với miền Đông Nam Bộ, phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ lưu thông hàng hóa.