Thi công nước rút cao tốc Bến Lức-Long Thành

Sau gần bốn năm tạm ngừng thi công do gặp vướng mắc, Dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành đã được Chính phủ tháo gỡ cơ bản khó khăn, giúp chủ đầu tư cùng các nhà thầu tăng tốc trở lại từ tháng 8/2023 đến nay, đặt mục tiêu hoàn thành nhiều hạng mục vào cuối năm nay, phấn đấu thông xe tuyến đường vào tháng 9/2025 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
0:00 / 0:00
0:00
Thi công cầu Bình Khánh, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh thuộc dự án Cao tốc Bến Lức-Long Thành. (Ảnh: THẾ ANH)
Thi công cầu Bình Khánh, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh thuộc dự án Cao tốc Bến Lức-Long Thành. (Ảnh: THẾ ANH)

Tổng chiều dài toàn tuyến đường cao tốc khoảng 58 km, đi qua địa phận ba địa phương: Long An, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai; khi hoàn thành sẽ là tuyến giao thông huyết mạch quan trọng bậc nhất phía nam, kết nối Đông Nam Bộ-Tây Nam Bộ cũng như kết nối liên hoàn với các tuyến cao tốc chính như Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây và Biên Hòa-Vũng Tàu, góp phần phát triển kinh tế cho cả vùng. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 30.000 tỷ đồng.

Làm “ba ca, bốn kíp”!

Tháng 8/2023, Nhà thầu Liên Danh Shimizu-VNCN E&C bắt tay tái khởi động Gói thầu J1-cầu Bình Khánh, huyện Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh) với khối lượng khoảng 65% (thời điểm tạm dừng) cùng mục tiêu cao nhất đề ra là dồn sức bảo đảm tiến độ thi công hơn 30% khối lượng còn lại, để hoàn thành vào tháng 9/2025.

Gói thầu này được đánh giá là hai trong số 11 gói thầu quan trọng của dự án vì cầu Bình Khánh vượt sông Soài Rạp có độ tĩnh không 55m, cũng là cầu có độ tĩnh không cao nhất so với các công trình cầu đường cao tốc hiện nay. Do đó, nhà thầu Nhật Bản đánh giá hạng mục này cần áp dụng giải pháp thi công hiện đại.

Đến công trường vào những ngày đầu tháng 4, mùa cao điểm nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời vào giờ trưa có thể lên đến 40oC. Đại diện nhà thầu cho hay, với nhiệt độ này, việc đổ bê-tông ban ngày là khó có thể bảo đảm chất lượng, vì vậy phải thực hiện vào ban đêm, mỗi ca thi công khoảng từ 6-8 tiếng. Vào ban ngày, nhà thầu triển khai các công việc liên quan đến cốt thép, di chuyển ván khuôn, căng cáp... Theo thiết kế, cầu Bình Khánh là cầu dây văng, phần cầu chính dài gần 800m, mặt cắt ngang hình thang thuận. Dầm cầu chính gồm ba nhịp được thi công đúc hẫng từ trụ tháp ra hai phía, mỗi khối đúc hẫng dài 10m.

Ông Yuichi Takemura, đại diện Nhà thầu Liên Danh Shimizu-VNCN E&C cho biết: Đây là cầu rất phức tạp và khó khăn về mặt hình học. Nhà thầu đã lắp xe đúc tại hai trụ chính P19 và P20, thời gian mỗi đốt thi công là 18 ngày, với thời gian ngắn như vậy cho nên công tác điều phối nguồn lực, vật tư, máy móc là thách thức đối với nhà thầu. Song nhà thầu đang nỗ lực triển khai và cải thiện theo tiến độ của dự án nhằm đạt được mục tiêu sớm nhất.

Cùng với gói thầu J1 ở hướng tây, ở hướng đông, năm gói thầu làm cầu và đường trên địa bàn huyện Nhơn Trạch và Long Thành, Đồng Nai thuộc gói thầu từ A1-A6 cũng được thi công nước rút ngày đêm. Ghi nhận tại khu vực thi công cầu Thị Vải bắc qua sông Thị Vải, nhà thầu huy động gần 300 công nhân cùng phương tiện máy móc làm việc ba ca, bốn kíp.

Ông Nguyễn Duy Phong, công nhân phụ trách nguyên vật liệu của công trình nói: “Nếu thời tiết khô ráo rất thuận lợi khi thi công thì việc xử lý nền đất yếu, nhất là thiếu cát đắp nền lại là nỗi lo lắng. Từ đầu năm đến nay, nhà thầu huy động tất cả phương tiện máy móc và nhân công làm việc hai ca, có khi ba ca nên tiến độ được đẩy nhanh hơn trước rất nhiều”. Theo các nhà thầu, hiện 1/3 nền hạ của các gói thầu từ A1 đến A6 với 5 km/16,5 km phía đông đã hoàn tất phần đường, đổ nhựa, thảm đường. Nhà thầu cũng phấn đấu hoàn thành cơ bản một số hạng mục của gói thầu trong tháng 4 này, phần còn lại hoàn thành trong năm 2024.

Cần sớm tháo gỡ vướng mắc về nhà thầu

Ông Đặng Hữu Vị, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý các dự án đường cao tốc phía nam thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư dự án cho hay, hiện nay toàn dự án đạt khối lượng hơn 80%, các gói thầu cơ bản được chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ việc thi công cùng với nhà thầu. Riêng gói thầu A2.2-4 (địa bàn Long An-Thành phố Hồ Chí Minh) và J3 (cầu Phước Khánh, nối huyện Nhà Bè với Cần Giờ và huyện Nhơn Trạch) đang kêu gọi thầu sau khi dự án ngừng do vướng mắc về pháp lý từ năm 2018.

Trong đó, gói thầu J3 là gói thầu quan trọng của dự án, chủ đầu tư mời thầu trở lại nhưng không có nhà thầu Nhật Bản tham gia, như vậy kết quả là không huy động được nhà thầu Nhật Bản (như quy định trong Hiệp định vay của JICA). Do đó, VEC đang báo cáo các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ cũng như JICA để điều chỉnh Hiệp định vay vốn, qua đó cho phép các nhà thầu Việt Nam hoặc Nhật Bản thi công phần còn lại của gói thầu J3. “Hy vọng vướng mắc sớm được tháo gỡ, gói thầu J3 tìm được nhà thầu, khởi công sớm vì thực tế khối lượng lúc tạm dừng đã đạt được 80%, góp phần thúc đẩy tiến độ của toàn bộ dự án”, ông Đặng Hữu Vị chia sẻ.

Theo VEC, trước đó Bộ Tài chính có thư gửi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam về việc tháo gỡ vướng mắc trong quá trình đấu thầu gói thầu J3 (cầu Phước Khánh) thuộc Dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành. Bộ đề nghị nhà tài trợ nghiên cứu, xem xét sửa đổi quy định để nhà thầu Việt Nam có thể tham gia đấu thầu với tư cách nhà thầu chính, hoặc nhà thầu độc lập thực hiện công việc thi công xây lắp tại gói thầu này. Trên thực tế, gói thầu được phát hành hồ sơ mời thầu ngày 20/12/2023 và đóng thầu ngày 20/3/2024, tuy nhiên, không có bất kỳ nhà thầu Nhật Bản quan tâm và tham gia đấu thầu.

Về khối lượng giải ngân từ đầu dự án đến nay, chủ đầu tư thông tin về khối lượng giải ngân, đến nay đạt 13.400 tỷ đồng, riêng quý I/2024 gần 267 tỷ đồng.

Ngoài ra, một trở ngại lớn của dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành là thiếu hụt nguồn cát để xử lý nền đất yếu, và khó khăn này đang được các nhà thầu nỗ lực tháo gỡ. Hiện tại toàn dự án thiếu khoảng 770.000m3 cát đắp nền, cần được bộ, ngành hỗ trợ kịp thời để công tác thi công không bị gián đoạn.

Với tầm quan trọng của dự án cũng như những nỗ lực của chủ đầu tư và các nhà thầu, việc sớm tháo gỡ vướng mắc nêu trên chính là điều kiện để dự án này về đích đúng hẹn, tránh để xảy ra tình trạng mặt bằng, máy móc phơi nắng, dầm mưa, gây thiệt hại không nhỏ cho nguồn vốn ngân sách đã đầu tư.

Dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành có chiều dài 57,8 km, qua các tỉnh Long An 2,7 km, Thành phố Hồ Chí Minh 26,4 km và Đồng Nai 28,7 km. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng, sử dụng 3 nguồn vốn gồm: vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vốn vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng trong nước. Dự án có 11 gói thầu xây lắp gồm: đoạn 1 phía tây (gói thầu A1, A2, A3, A4) sử dụng vốn vay ADB, đoạn 2 (gói thầu J1, J2, J3) sử dụng vốn vay JICA; đoạn 3 phía đông (gói thầu A5, A6, A7) sử dụng vốn vay ADB...

Dự án được khởi công vào tháng 10/2014 và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2019. Đến năm 2019, khi dự án đạt 80% khối lượng thì gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách, nhất là về vốn cho nên phải dừng thi công, một số nhà thầu đã chấm dứt hợp đồng. Tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho gia hạn thời gian thực hiện dự án đến 30/9/2025.