Dư địa hợp tác lớn từ thị trường du lịch Trung Đông, Ấn Độ

NDO - Khách du lịch Trung Đông, Ấn Độ đến Việt Nam có tăng trưởng qua từng năm nhưng chưa nhiều và còn nhiều dư địa để đẩy mạnh khai thác các thị trường du lịch này.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Tổng cục Du lịch)
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Tổng cục Du lịch)

Tìm các giải pháp thúc đẩy các thị trường khách du lịch Trung Đông và Ấn Độ - các thị trường trọng điểm và tiềm năng của du lịch Việt Nam là vấn đề chính của Hội thảo phát triển thị trường du lịch Trung Đông, Ấn Độ diễn ra sáng 9/9 tại TP Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Hội chợ ITE Hồ Chí Minh 2022.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi kinh nghiệm, làm rõ những điểm lợi thế, khó khăn của du lịch Việt Nam trong hoạt động đón khách Trung Đông, Ấn Độ và xúc tiến du lịch. Các đại biểu cũng thảo luận mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp, các địa phương tạo sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng, đồng thời đề xuất giải pháp, kiến nghị nâng tầm quan hệ hợp tác phát triển du lịch giữa Việt Nam với Trung Đông, Ấn Độ trong thời gian tới.

Tiềm năng lớn

Trung Đông là một thị trường lớn, gồm 16 nước, dân số gần 453 triệu người, không chỉ nổi tiếng về dầu khí, nguồn lực tài chính và khoa học công nghệ với nhiều quỹ đầu tư công uy tín, lớn nhất thế giới mà còn là thị trường gửi khách có tiềm năng lớn. Kinh tế phát triển mạnh, tầng lớp giàu có nhiều, nhu cầu du lịch của thị trường Trung Đông được dự báo tăng nhanh trong thời gian tới.

Việt Nam và nhiều nước Trung Đông đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác từ sớm, theo thời gian quan hệ hợp tác ngày càng được bổ sung và đa dạng hóa trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế thiết thực và hiệu quả, trong đó có du lịch.

Ngày 7/1/2022 vừa qua đánh dấu mốc kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ. Thời gian qua hai nước đã cùng nhau gặt hái thành quả tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch.

Ngành du lịch Việt Nam và Ấn Độ đã sớm thiết lập mối quan hệ gắn bó, chặt chẽ. Năm 2001, Tổng cục Du lịch Việt Nam và Bộ Du lịch Ấn Độ đã ký kết Hiệp định hợp tác du lịch Việt Nam - Ấn Độ. Bản ghi nhớ về hợp tác du lịch giữa các nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) và Ấn Độ đã được các Bộ trưởng du lịch ký kết trong năm 2012.

Các hãng hàng không Indigo của Ấn Độ, Vietnam Airlines và Vietjet Air của Việt Nam đã mở 21 đường bay trực tiếp với trên 60 chuyến/tuần kết nối các thành phố lớn của 2 nước như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc với Delhi, Mumbai, Kolkata, Chennai, Bangalore, Hyderabad, Ahmedabad. Hiện nay, Việt Nam đã áp dụng hệ thống cấp thị thực điện tử cho du khách Ấn Độ và Chính phủ Ấn Độ cũng đã công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam. Đây là những điều kiện rất quan trọng để thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa 2 quốc gia.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, khách du lịch Trung Đông đến Việt Nam có tăng trưởng qua từng năm, nhưng chưa nhiều, mới đạt khoảng vài chục nghìn lượt, số lượng khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam cũng tăng trưởng tốt, đạt gần 170.000 lượt trong năm 2019. Dư địa để hợp tác với 2 thị trường này vẫn còn rất lớn.

Dư địa hợp tác lớn từ thị trường du lịch Trung Đông, Ấn Độ ảnh 1
Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Tổng cục Du lịch)

Trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid19, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ hơn, hội thảo này chính là cơ hội để các bên chia sẻ thông tin, tiến tới hợp tác kinh doanh, phát triển du lịch hai chiều giữa Việt Nam với thị trường Ấn Độ và Trung Đông.

Tham dự hội thảo, ông Trần Đức Hùng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Qatar, đã thông tin về đặc điểm khách du lịch Trung Đông, tình hình khách du lịch Trung Đông đến Việt Nam, lợi thế của Việt Nam, biện pháp thu hút khách du lịch từ Trung Đông.

Đại sứ Trần Đức Hùng chỉ ra rằng, Việt Nam có những lợi thế để thu hút khách du lịch từ khu vực này với lòng mến khách và sự ổn định chính trị, an toàn. Du lịch Việt Nam có nhiều loại hình du lịch, từ du lịch nghỉ dưỡng đến du lịch trải nghiệm, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Tâm lý chung của khách là muốn khám phá địa điểm nghỉ dưỡng mới ngoài một số điểm đến quen thuộc tại Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Singapore....

Việt Nam bước đầu đã có kinh nghiệm đón và phục vụ khách du lịch Halal và Ấn Độ, cơ bản đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của nhóm khách này. Việt Nam cũng đã có thánh đường Hồi giáo, một số đền thờ Ấn Độ, nhiều nhà hàng có phục vụ khu riêng biệt với đồ ăn chế biến theo tiêu chuẩn Halal đáp ứng nhu cầu khách Trung Đông, Ấn Độ.

Khai thác dư địa hợp tác

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định rằng, du lịch Halal sẽ là một trong những loại hình du lịch phát triển nhanh nhất thế giới. Do đó, TP Hồ Chí Minh đã xác định đầu tư nghiêm túc và lâu dài vào cơ sở hạ tầng với các nhà hàng phục vụ ẩm thực Ấn Độ, ẩm thực đạt chuẩn Halal, các khách sạn, sân bay cần bố trí phòng cầu nguyện... để hấp dẫn được khách du lịch từ thị trường này.

Trong thời gian tới, Thành phố cũng sẽ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, hướng dẫn viên thông thạo tiếng Ả-rập, am hiểu văn hóa và thói quen sinh hoạt của du khách các quốc gia Trung Đông và Ấn Độ. Tiếp tục phối hợp Đại sứ quán, Lãnh sự quán Việt Nam tại Ấn Độ và các quốc gia Trung Đông trong việc xúc tiến du lịch hai chiều.

Dư địa hợp tác lớn từ thị trường du lịch Trung Đông, Ấn Độ ảnh 2

Đại sứ Trần Đức Hùng phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Tổng cục Du lịch)

Đặc biệt, Hội chợ ITE HCMC lần này cũng đã chú trọng mời người mua quốc tế từ Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Kuwait, Qatar và các quốc gia Trung Đông khác. Ở chiều ngược lại, TP Hồ Chí Minh đã chủ động tham gia Lễ hội Ánh sáng, Lễ hội Xin chào Việt Nam - Namaste Vietnam Festival, hội nghị về xúc tiến du lịch giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Đối với thị trường Trung Đông, theo Đại sứ Trần Đức Hùng, thông tin về du lịch Việt Nam đến với thị trường khách du lịch này còn rất hạn chế. Có nhiều nguyên nhân của sự hạn chế này. Đó là khoảng cách địa lý lớn, chi phí đắt đỏ, khác biệt lớn về văn hóa, thị hiếu tiêu dùng, tôn giáo, ngôn ngữ giữa hai quốc gia là rào cản khiến sản phẩm du lịch Trung Đông chưa phong phú, chưa được đầu tư, thiếu nguồn hướng dẫn viên nói tiếng Ả-rập, cơ sở hạ tầng phục vụ nhóm khách này còn hạn chế, nhỏ lẻ.

Do đó, Đại sứ Trần Đức Hùng cho rằng, để thu hút khách từ thị trường trọng điểm này, trong thời gian tới, cần tăng cường truyền thông về du lịch Việt Nam thông qua hội chợ do hai bên tổ chức để tiếp cận với khách du lịch và doanh nghiệp lữ hành sở tại. Các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần tăng cường quảng bá du lịch Việt Nam thông qua video giới thiệu về du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình của khu vực, kết hợp với các travel blogger, influencer quảng bá du lịch Việt Nam....

Đặc biệt, cần thiết kế những chương trình du lịch riêng cho đối tượng khách Ả-rập, bảo đảm yếu tố tôn giáo; đào tạo nguồn nhân lực dịch vụ du lịch biết tiếng Ả-rập để phục vụ khách từ các nước theo đạo Hồi.