Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2005:

“Đốt đuốc” tìm... nét mới

Gần một nghìn nghệ sĩ, diễn viên tham gia, bên cạnh những tên tuổi đã nổi danh từ lâu như Thoại Mỹ, Thoại Miêu, Trung Kiên, Vương Hà, Thanh Hương... có đến hai phần ba lực lượng diễn viên là những gương mặt trẻ, nhiều đoàn mạnh dạn đưa cả những diễn viên đang trong thời gian tập sự, lần đầu bước lên sàn diễn. Đó là cơ hội quý giá để cọ xát, thử lửa, chọn lọc và đào tạo tài năng. Tuy chưa thật nhuần nhuyễn, sáng tạo và bản lĩnh để có thể tạo nên bất ngờ bên những nghệ sĩ lớp trước, những gương mặt trẻ trong Hội diễn cũng cho thấy một tiềm năng, triển vọng về thế hệ kế tiếp của nghệ thuật cải lương đang trong thời khó khăn, bươn chải.

Đề tài vở diễn, do quy định của Ban tổ chức, đã hướng nhiều đến những vấn đề của cuộc sống hôm nay, với cách đề cập nhẹ nhàng, giản dị. Tuy chưa phải là tuyệt đối, song hầu hết các đoàn khi dựng vở tham dự Hội diễn đều tính đến khả năng biểu diễn cho đông đảo người xem, khác với nhiều hội diễn sân khấu trước đây,  khi mỗi đoàn thường chọn vở để hợp “gu”... giám khảo. Có thể coi đó là dấu hiệu đáng mừng, các đoàn nghệ thuật đã biết tính đến hiệu quả hoạt động, chứ không thuần túy chạy theo thành tích. Nội dung nhiều vở mang tính thời sự, đề cập những bức xúc đang xảy ra trong đời sống xã hội, như: vấn đề nạn nhân chất độc màu da cam; chuyện xây dựng thôn, ấp văn hóa; khôi phục, bảo vệ làng nghề truyền thống; hay cách thức quản lý, giáo dục những con người lầm đường, lạc lối, ...

Tuy nhiên, trong niềm vui hội ngộ, có thể đọc thấy trên nhiều gương mặt nghệ sĩ phảng phất không ít nỗi niềm trăn trở, ưu tư. Điều bất cập đến ngay từ những quy định trong quy chế của Ban tổ chức. Dù đã quy định rõ là mỗi đạo diễn chỉ được dàn dựng tối đa hai vở, nhưng ngay trong danh sách đăng ký, đã có đến hai đạo diễn đứng tên dàn dựng ba vở. Đã có những thắc mắc về sự vi phạm này, nhưng Ban tổ chức lại cho rằng: quy định như vậy là nhằm hạn chế tình trạng các đạo diễn dàn dựng quá nhiều vở, như trong hội diễn sân khấu kịch nói năm 2004 (có đạo diễn dàn dựng đến sáu vở). Nên, chỉ có hai đạo diễn phạm quy, dàn dựng ba vở là... thắng lợi rồi. Đấy mới chỉ là trên giấy tờ, còn trên thực tế, có đạo diễn đăng ký hai vở, nhưng nhìn phông màn, bục bệ bày ra trên sàn diễn, người trong nghề dễ dàng nhận ra ông dàn dựng đến.. bốn vở.

Và không chỉ có vậy, mà nhiều người còn nói rằng, một trong hai vị đạo diễn đứng tên ba vở kia, thực chất đã dàn dựng đến... năm vở. Có nghĩa là kỷ lục của Hội diễn lần này so với Hội diễn kịch nói, thua kém chẳng bao lăm. Ban Tổ chức thật đã quá nhọc công để đề ra quy định, rồi hy vọng đã tìm được biện pháp hữu hiệu để kiểm soát tình hình, và khi “lâm trận” thì chỉ còn biết trông chờ vào... dư luận và các phương tiện thông tin đại chúng. Cơ hội để các đạo diễn ít tên tuổi hơn được thử sức, như hy vọng của ban tổ chức, xem ra, chẳng còn được là bao.

Thêm một điều gây bức xúc cũng lại xuất phát từ những quyết định của ban tổ chức, là vấn đề giám khảo. Có đến hơn nửa số thành viên hội đồng giám khảo khá đông đảo (chín người) “có chân” trong một hoặc nhiều vở diễn tham gia Hội diễn. Dù đã có quy định là các giám khảo không được chấm vở có mình tham gia, nhưng những người trong cuộc, ít nhiều, vẫn hoài nghi sự mực thước, công bằng của những người giữ trọng trách “cầm cân nảy mực”.

Bên những “hội thảo” bàn trà, có nghệ sĩ đã kêu lên rằng: tôi thèm một nền sân khấu không có bục, bệ. Những gì đang diễn ra trên sân khấu hôm nay, thế hệ chúng tôi đã làm từ cách đây 15, 20 năm có lẻ... Nghe nói, đạo cụ một số đoàn lên đến năm, sáu tấn. Và để chở được từng ấy bục, bệ vào đến TP Hồ Chí Minh, có đoàn đã phải bỏ ra hơn chục triệu đồng phí vận chuyển, một con số không nhỏ nếu tính trên giá vé biểu diễn có nơi chỉ ba, bốn ngàn đồng/ người. Nặng nề và hoành tráng, song lại ít thấy nghệ sĩ có thể sử dụng thiết kế sân khấu để bổ trợ cho diễn xuất của mình. Những phá cách, gây ấn tượng mà có đạo diễn cho là mới và mạnh mẽ, lại phảng phất cách làm ở những vở diễn của nước ngoài, hay của chính đạo diễn đó, nhiều năm về trước, ở tầm mức và khả năng biểu cảm khác. Thế cho nên, tất cả dường như đều hoan hỉ với những đế quay, tấm pa nô khổ nhỏ và một sân khấu di động, không nặng nề bục bệ của Rồng phượng, dù chính đạo diễn Trần Ngọc Giàu cũng thừa nhận: không mới, nhưng phù hợp.

Hóa ra, sau bao nhiêu năm, sân khấu lại sắp đi được.. một vòng tròn: tìm kiếm, phá cách, để rồi lại ước ao, và ngưỡng mộ sự phù hợp, tương thích của hình thức và nội dung. Cái mới, ít nhiều là một sự “khác kiểu” được nhắc nhiều đến Xuân, Đông, Thư, Hận (Đoàn văn công Đồng Tháp). Nhưng vở diễn lại phải chịu tiếng là ít chất cải lương mà nặng tiết tấu kịch. "Dù sao thì chúng tôi còn dám làm khác đi, có thể chưa hay, nhưng phải mạnh dạn thử thì mới biết được" - Trưởng đoàn Đinh Minh Mẫn tự tin nói.

Một thành viên ban tổ chức, trong những buổi miệt mài theo dõi, bám sát hoạt động, đã lặng lẽ liệt kê một danh sách đáng buồn mà anh tạm gọi là những “hội chứng”. Đó là những hiện tượng, cách xử lý được các đạo diễn sử dụng lặp đi lặp lại ở nhiều vở, như “hội chứng” mỹ nhân kế, mất đồ đạc (gây cười), đuốc lửa, sử dụng ca khúc nhạc nhẹ... Đáng bàn là những “hội chứng” đó (nghe đâu đã đến gần con số 20) ít tạo được hiệu quả cho nội dung và diễn xuất, nhiều khi lại phản tác dụng, gây phản cảm cho người xem.

Một Hội diễn có quy mô toàn quốc, hội tụ đến 21 đoàn, nhóm nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp của khắp các miền đất nước, lần đầu tiên có sự tham gia của hai nhóm nghệ thuật xã hội hóa, lại không được quảng bá, giới thiệu cho tương xứng với tầm vóc. Khắp cả thành phố Hồ Chí Minh đang lộng lẫy cờ hoa đón mừng ngày kỷ niệm 30 năm Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, không thấy một tấm băng-rôn, biểu ngữ nào có nội dung nhắc nhở đến hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp tầm cỡ quốc gia này. Ngay trước cửa rạp Hưng Đạo, “đại bản doanh” của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, những đoàn đến lượt biểu diễn cũng không có chỗ để treo băng-rôn giới thiệu vở diễn của mình, mà phải treo nhờ lên... cột điện kế bên cạnh. Cũng chẳng có ai hướng dẫn họ, mà tự các đoàn sáng kiến, rồi nhìn nhau, làm theo. Suốt cả một chặng dài, đã hết ba phần tư Hội diễn, cũng chẳng có cuộc tọa đàm, tiếp xúc hay trao đổi giữa những người làm nghề được tổ chức một cách bài bản và rộng rãi. Những cuộc bàn luận sôi nổi hoàn toàn là tự phát, từ những bức xúc của người làm nghề, theo từng nhóm nhỏ lẻ, bên quán nước, bàn trà.

Nhiều nghệ sĩ, nhìn cảnh đó, không khỏi chạnh lòng nhớ đến không khí học thuật sôi nổi từng diễn ra trong các kỳ hội diễn trước, hay trong Liên hoan sân khấu thể nghiệm 2001 (có rất nhiều hội thảo nghiệp vụ được tổ chức liên tục), mà tiếc nuối một cơ hội không dễ có đang bị bỏ qua. Công chúng, ai biết thì đến xem, còn nghệ sĩ, cứ lặng lẽ đi, về cho đến hết hội diễn. Nhiều đoàn vẫn kiên trì lưu lại, đưa diễn viên đi xem bạn nghề, rồi tự rút bài học cho mình.

Muốn khuyếch trương hiệu quả của Hội diễn, Ban tổ chức đã liên hệ và tài trợ cho một số đơn vị đi diễn tại một số điểm trong thành phố, nhưng theo nhiều nghệ sĩ cho biết, có những điểm diễn quá nhếch nhác, không phù hợp loại hình, và người xem cũng không thật đông, do không được thông tin đầy đủ, chính xác. Hiệu quả, vì thế, không được như mong đợi.

Sân khấu cải lương đang gặp nhiều khó khăn. Song, dường như, chính những người làm cải lương đang tự đánh mất công chúng của mình, bằng những cách làm thiếu tận tâm, sáng tạo.